Những thủ lĩnh đoàn năng động

10:07, 09/07/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ năng nổ trong các hoạt động phong trào, vì cộng đồng, mà nhiều thủ lĩnh đoàn thanh niên còn chịu khó học hỏi, xây dựng các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập, làm tấm gương cho nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) học tập.
 
Đó là Bí thư Xã đoàn Nghĩa Dũng Đỗ Đức Chiến và Bí thư Chi đoàn thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An Võ Lâu. Họ là những thủ lĩnh thanh niên năng động ở TP.Quảng Ngãi
Tiên phong trồng măng tây
 
Hơn 6 năm làm cán bộ đoàn, trong đó 3 năm là Bí thư Xã đoàn Nghĩa Dũng, anh Đỗ Đức Chiến đã phát động, xây dựng nhiều chương trình, hoạt động đoàn, hội thu hút đông đảo ĐVTN tham gia. Hơn một năm qua, anh còn đứng lớp dạy guitar miễn phí cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Dù công việc phong trào khá bận rộn, song anh Chiến đã xây dựng thành công mô hình trồng măng tây đầu tiên ở địa phương. 
Bí thư Xã đoàn Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) Đỗ Đức Chiến thu hoạch măng tây.
Bí thư Xã đoàn Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) Đỗ Đức Chiến thu hoạch măng tây.
“Qua tìm hiểu, tôi biết cây măng tây có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ cũng khá lớn, nhưng ở địa phương chưa có người nào trồng. Là cán bộ đoàn, tôi muốn thử sức làm mô hình này để vừa phát triển kinh tế cho bản thân, vừa tạo động lực cho ĐVTN ở quê hương mạnh dạn làm giàu”, anh Chiến chia sẻ.
 
Giữa năm 2019, chàng thanh niên này đầu tư trồng hơn 1.000 cây măng tây trên diện tích 600m2 và sau hơn nửa năm thì bắt đầu cho thu hoạch. Anh Chiến cho biết: “Măng tây không khó trồng, nhưng tốn nhiều công chăm sóc, tỉa cành. Thời gian đầu mới trồng hay bị bệnh khô cây, chết cành, tuy nhiên đến nay tôi đã dần kiểm soát được”.
 
Hiện nay, trung bình mỗi ngày anh Chiến thu hoạch từ 3-5kg măng tây. Với giá bán từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, trừ hết chi phí, mỗi tháng anh thu lãi khoảng 5 triệu đồng.
 
Từ mô hình măng tây của mình, trong thời gian đến, Bí thư Xã đoàn Nghĩa Dũng Đỗ Đức Chiến mong muốn có thêm nhiều ĐVTN tham gia vào mô hình này, để cùng nhau liên kết sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
 
“Dù chỉ là mô hình nhỏ, nhưng tôi hy vọng qua đó sẽ trở thành động lực, tiếp thêm niềm tin cho nhiều bạn trẻ ở nông thôn khởi nghiệp, thực hiện các mô hình kinh tế. Chỉ cần bản thân quyết tâm, chịu khó học hỏi, cần cù, thì việc có khó cũng sẽ thành công”, anh Chiến bộc bạch.
 
Làm giàu từ dế mèn Thái
 
Cũng với mong muốn tiếp thêm động lực để ĐVTN tích cực tham gia phong trào phát triển kinh tế, nên dù có công việc ổn định, Bí thư Chi đoàn thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An Võ Lâu cũng xây dựng mô hình nuôi dế mèn Thái để phát triển kinh tế.
 
Anh Lâu cho biết: "Ở vùng ven biển, không có nhiều đất làm chuồng trại, nên việc tìm tòi, nghiên cứu vật nuôi phù hợp rất quan trọng để mô hình có thể thành công. Sau nhiều lần đi tham quan, học hỏi qua sách báo, tôi nhận thấy dế mèn Thái là con vật dễ nuôi, không cần nhiều không gian sống và sinh sản nhanh, ít dịch bệnh nên đầu năm 2020, tôi quyết định chọn mô hình nuôi dế mèn để phát triển kinh tế".
 
Sau vài tháng nuôi, đến nay, trại dế mèn Thái của Lâu đã bước vào giai đoạn phát triển ổn định, sinh sản tốt. Chàng trai 9X Võ Lâu cho biết: "Trung bình mỗi chuồng nuôi dế chỉ cần khoảng 2m2 và chi phí đầu tư ban đầu khá thấp. Tôi xây dựng 6 chuồng nuôi dế chỉ hơn 5 triệu đồng và trung bình mỗi tháng xuất bán khoảng 100kg dế thịt. Với giá bán dao động từ 80.000 - 100.000đồng/kg, mỗi tháng tôi thu về lợi nhuận gần chục triệu đồng. Là mô hình nhỏ, nhưng mang lại hiệu quả lớn, trong thời gian đến, tôi tiếp tục xây thêm từ 6 - 8 chuồng để phát triển chăn nuôi".
 
Bài, ảnh: H.THU
 
 
 

.