Thanh niên hướng đến làm du lịch cộng đồng

06:12, 27/12/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích bền vững cho người dân địa phương. Những người trẻ ở Ba Tơ đã chọn mô hình này để khởi nghiệp dựa trên thế mạnh sẵn có ở địa phương, đánh thức tiềm năng phát triển du lịch vùng cao.
Người dân làm hướng dẫn viên
 
Những ngày cuối năm, tuy tất bật với công việc nhưng Huyện đoàn Ba Tơ vẫn sắp xếp để tổ chức một lớp học làm hướng dẫn viên tại khu nhà sàn ở Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ). Với đồng bào Hrê, thường ngày gắn bó với trâu bò, đồng ruộng thì khái niệm học làm hướng dẫn viên du lịch còn mới mẻ.
 
Chị Phạm Thị Hải, 24 tuổi, ở thôn Làng Teng bộc bạch: “Nhiều người nói Làng Teng có nhiều triển vọng để phát triển du lịch. Chờ mãi đến nay vẫn chưa thấy đâu. Lợi ích cho cộng đồng, cho người dân địa phương cũng chỉ mới dừng lại ở chỗ có nơi để sinh hoạt vào dịp lễ, Tết nhứt. Khách khứa thì lâu lâu mới có vài đoàn đến để tham quan”.
 
Suy nghĩ của chị Hải cũng là suy nghĩ chung của nhiều nghệ nhân nơi đây. Vì thế, khi nghe tin huyện đoàn triển khai làm du lịch cộng đồng, mọi người vô cùng háo hức, mong đợi. Dù ngày mùa có bận rộn đến đâu cũng đều cố gắng không bỏ lỡ từng buổi học làm hướng dẫn viên du lịch.
 
Thời gian qua, huyện đoàn Ba Tơ đã tổ chức nhiều hoạt động để nâng cao năng lực cho cộng đồng ở địa phương. Hội thi dệt vải thổ cẩm ở Làng Teng là một điển hình.
Thời gian qua, huyện đoàn Ba Tơ đã tổ chức nhiều hoạt động để nâng cao năng lực cho cộng đồng ở địa phương. Hội thi dệt vải thổ cẩm ở Làng Teng là một điển hình.
Lớp học có sự tham gia của 25 học viên, là thanh niên người đồng bào ở các xã phường, thị trấn. Họ hoạt bát, nhanh nhẹn, có khả năng giao tiếp và đặc biệt có mong muốn trở thành hướng dẫn viên du lịch tại địa phương, sau này giúp đồng bào Hrê có thêm thu nhập ổn định.
 
Trong thời gian ngắn, giảng viên của một trường du lịch ở Huế đã truyền đạt kiến thức về các bước để trở thành một hướng dẫn viên du lịch ở cộng đồng; cách dẫn khách đi đến các điểm tham quan... Những người trẻ đến gần hơn kiến thức, nghiệp vụ làm du lịch.
 
Du khách người Pháp tìm hiểu về chinh kala- một nhạc cụ độc đáo của người Hrê.
Du khách người Pháp tìm hiểu về chinh kala- một nhạc cụ độc đáo của người Hrê.
 
Ứng dụng ngay sau lớp học không bao lâu, nghệ nhân trẻ Hrê Đinh Văn Sây, 37 tuổi đã mạnh dạn dẫn đoàn chuyên gia, du khách quốc tế khám phá một vòng Làng Teng. 
 
Chỉ trong vài giờ đồng hồ, dưới sự đồng hành của anh Sây, đoàn du khách lạc vào một không gian sống yên bình giữa đại ngàn; đắm mình các làn điệu dân ca say lòng người; hòa mình vào nhịp chiêng ngân do chính chàng trai này thể hiện; thưởng thức các món ẩm thực dân dã của núi rừng. Tất cả tạo thành một hành trình khám phá thú vị.
 
Trong men say của rựu cần, Sylvain Gouraud, một du khách người Pháp vừa say sưa đánh chiêng cùng hướng dẫn viên địa phương, cảm nhận: "Văn hóa của người Hre rất đặc sắc. Ở đất nước của chúng tôi, âm nhạc cũng như các loại nhạc cụ cần rất nhiều thời gian để thẩm thấu. Còn ở Làng Teng, những nhạc cụ này tuy đơn sơ nhưng rất độc đáo, nó gắn liền với đời sống của người dân nơi đây nên rất dễ cảm thụ. 
 
“Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với sự đón tiếp chu đáo của các hướng dẫn viên người Hrê chân chất. Nếu phát triển được du lịch thì đây quả là một điểm đến thú vị ở Việt Nam”, Sylvain Gouraud nói.
 
Rồi anh Sây giới thiệu thêm về công việc hằng ngày của phụ nữ Hrê như dệt thổ cẩm. Với nụ cười mến khách, có những câu hỏi, thắc mắc, anh đều nhẹ nhàng, nhiệt tình giải thích.
 
Anh tỏ ra hăng say, thích thú với công việc này. Nó không chỉ đem lại nguồn thu nhập cho anh mà còn giúp anh có cơ hội tiếp xúc với nhiều người để giới thiệu về nét văn hoá của đồng bào mình.
 
Hướng đến làm du lịch cộng đồng
 
Huyện Ba Tơ là vùng có tiềm năng phát triển du lịch với cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều ngôi làng vẫn còn giữ được vẻ nguyên sơ, bản sắc văn hóa đậm nét. Trong những năm gần đây, kết quả từ chương trình nông thôn mới mang lại, các tuyến đường giao thông tương đối thuận lợi cho việc đi lại. 
 
Tuy nhiên, những tiềm năng phát triển du lịch chưa được khai thác một cách có hiệu quả, làm hạn chế khả năng tiếp cận của người dân. Người dân còn thụ động trước các hoạt động của du khách, kinh tế hàng hóa với trình độ dân trí thấp và đời sống kinh tế khó khăn. Do vậy, hiệu quả kinh tế từ hoạt động du lịch chưa cao.
 
Trước thực tế trên, Huyện đoàn đã nảy ra ý tưởng, xây dựng mô hình thanh niên tham gia phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Ba Tơ, trải dài ở các xã Ba Động, Ba Thành, Ba Vinh, Ba Trang, Ba Vì và thị trấn Ba Tơ. 
 
Theo chuyên viên huyện đoàn Ba Tơ Nguyễn Thị Bảo Vy chia sẻ: Hiện nay ý tưởng này đã được chính quyền địa phương đồng ý cho triển khai. Chúng tôi đang xây dựng, thành lập một đội ngũ cộng tác viên du lịch và hướng dẫn viên du lịch tại địa phương có điểm du lịch để nâng cao năng lực cho người dân tại cộng đồng. 
 
Song song đó, huyện đoàn Ba Tơ sẽ chú trọng thực hiện hoạt động cải tạo và bảo tồn các điểm du lịch. Trong đó, Làng Teng là điểm thí điểm đầu tiên. Chúng tôi sẽ giúp cho nghệ nhân trẻ trải nghiệm thực tế để tích lũy kỹ năng trước khi ra mắt mô hình.
 
Du khách thưởng thức rượu cần.
Huyện đoàn Ba Tơ đang xây dựng, thành lập một đội ngũ cộng tác viên, hướng dẫn viên du lịch tại địa phương có điểm du lịch để nâng cao năng lực cho người dân tại cộng đồng. 
 
Trong chuyến thực tế ở Làng Teng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đoàn Ánh Dương Đoàn Sung, nhận định: Phát triển du lịch làng, cộng đồng đang là mục tiêu mà nhiều nơi hướng đến, Chính phủ quan tâm và khuyến khích. 
 
Việc phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực Làng Teng nói riêng và các điểm du lịch khác ở các địa phương của Ba Tơ là phù hợp với bản sắc văn hóa và điều kiện ở nơi đây. Ba Tơ sẽ tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa tuyến du lịch từ khu vực TP.Quảng Ngãi với các làng du lịch ở Sa Huỳnh (Đức Phổ), lên đến Kon Tum.
 
Sự nỗ lực hết mình của tuổi trẻ huyện nhà sẽ đánh thức những tiềm năng phát triển du lịch vùng cao, tạo lên nét mới, sự đa dạng cho ngành “công nghiệp không khói” ở địa phương.
 
Bài, ảnh: Bình Minh

.