Thanh niên Sơn Hà: Kết nối, chia sẻ để phát triển

09:04, 02/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều thanh niên ở huyện miền núi Sơn Hà với tinh thần xung kích, dám nghĩ dám làm, sáng tạo khởi nghiệp, đã lập kế hoạch, đầu tư tìm hướng đi cho mình, nhằm phát triển kinh tế.

Làm kinh tế ở vùng cao

Cầm trên tay những gói thịt keo ky, lạp xưởng và dồi heo ky xông khói đã hút chân không, có nhãn hiệu hẳn hoi, anh Tạ Đình Khương, ở thị trấn Di Lăng cho hay: Đây là những sản phẩm sẽ tham gia hội chợ tại huyện Mộ Đức để quảng bá, giới thiệu đặc sản vùng cao.

Cuối năm 2018, sau khi chia sẻ ý tưởng về sản phẩm thịt keo ky xông khói, nhóm thanh niên gần 20 người đã bàn bạc, nghĩ cách thực hiện và họ góp vốn tùy theo điều kiện của mỗi người.

 Sản phẩm thịt heo ky xông khói của nhóm thanh niên Sơn Hà.
Sản phẩm thịt heo ky xông khói của nhóm thanh niên Sơn Hà.


Để thực hiện ý tưởng, nhóm đã ký hợp đồng với Trường Đại học Nông lâm Huế để chuyển giao công thức, công nghệ sản xuất, với số tiền hơn 200 triệu đồng. Mẻ sản phẩm đầu tiên ra mắt trước tết Kỷ Hợi 2019 được nhiều khách hàng yêu thích. Sản phẩm thịt heo ky xông khói còn được nhập vào hệ thống siêu thị Big C sau khi trải qua các công đoạn kiểm tra kỹ lưỡng.

Còn anh Đặng Minh Triều, ở tổ dân phố Gò Dép, thị trấn Di Lăng, thì thành công với mô hình trồng rau thủy canh ở miền núi. Anh Triều đã đầu tư 80 triệu đồng để trồng 60m2 rau thủy canh vào tháng 10.2017. Thời gian đầu gặp không ít khó khăn trong khâu chăm sóc và đầu ra, nhưng anh Triều luôn kiên nhẫn, quyết tâm với hướng đi của mình.

Với những thành công ban đầu, cuối năm 2018, anh Triều đầu tư thêm 200m2 vườn rau thủy canh, với số vốn hơn 300 triệu đồng. Chỉ tính riêng vườn rau mới mở, mỗi vụ anh Triều thu hoạch khoảng 200kg. “Trồng rau thủy canh trong nhà lưới giúp kiểm soát sâu bệnh, lại không phụ thuộc đất, thời tiết, nên phù hợp với điều kiện ở miền núi. Ngoài khách hàng đến mua trực tiếp và thông qua mạng xã hội, tôi còn cung cấp cho các trường mầm non trên địa bàn”, anh Triều cho biết.

Cầu nối cho thanh niên khởi nghiệp

Bên cạnh các mô hình hiệu quả, dù có ý chí, nghị lực, nhưng do hạn chế nguồn vốn, kiến thức, đầu ra, nên không ít mô hình khởi nghiệp của thanh niên vùng cao gặp khó khăn. Với mong muốn là cầu nối, kênh gặp gỡ cho thanh niên giao lưu, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về khởi nghiệp, UBND huyện, Huyện đoàn Sơn Hà đã thành lập "Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp" vào cuối năm 2018.

Bí thư Huyện đoàn Sơn Hà Nguyễn Văn Biện cho biết: Câu lạc bộ có nhiều nhóm để các bạn tham gia. Mỗi khi ai có ý tưởng, mọi người sẽ gặp nhau để bàn bạc, thảo luận. Câu lạc bộ luôn hoạt động “mở” với tất cả thanh niên có đam mê khởi nghiệp, tạo động lực tinh thần giúp các bạn trẻ có ý chí khởi nghiệp phát triển kinh tế.

Phong trào thanh niên khởi nghiệp ở huyện Sơn Hà được nhiều đoàn viên, thanh niên hưởng ứng. Nhiều bạn trẻ chủ động, sáng tạo xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện bản thân. “Trong thời gian đến, câu lạc bộ xây dựng quy chế hoạt động, kiện toàn ban quản trị của các nhóm, mở rộng thành viên để là cầu nối về khởi nghiệp cho các bạn trẻ. Các thành viên tiếp tục liên kết xây dựng các mô hình, ứng dụng vào thực tế, góp phần tạo việc làm, mang lại thu nhập”, anh Biện cho biết thêm.


Bài, ảnh: BẢO HÒA


 


.