Nghị lực của chàng trai khuyết tật

10:12, 10/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù chỉ còn một cánh tay, nhưng 33 năm qua, anh Ngô Văn Cường, ở tổ dân phố 2, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) đã không ngừng nỗ lực vươn lên. Anh gắn bó với nghề sửa điện cơ hơn chục năm nay và trở thành trụ cột trong gia đình.

Sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh em, nên từ nhỏ Cường đã tự lập và luôn kiên trì vượt qua khó khăn. Bà Nguyễn Thị Ánh, mẹ anh Cường cho biết: "Khi lọt lòng, Cường chỉ nặng 1,9kg, tay trái lại bị teo cơ. Nhìn con mà lòng tôi đau thắt lại. Tay trái của nó chỉ dài bằng một nửa tay phải và không cử động được.

Thể trạng của Cường chậm phát triển, hơn 4 tuổi mới chập chững đi. Lúc đó, tôi chỉ ao ước Cường sống khỏe, không đau ốm là đã mãn nguyện rồi. Thế mà, càng lớn nó càng bản lĩnh, cũng đến trường, cố gắng học hành như bạn bè và tự lo cuộc sống cho bản thân...".

 

Dù chỉ làm một tay, nhưng anh Cường rất khéo léo khi sửa đồ điện.
Dù chỉ làm một tay, nhưng anh Cường rất khéo léo khi sửa đồ điện.


Nghe mẹ kể chuyện, anh Cường cũng rưng rưng nước mắt. Có lẽ suốt chặng đường 33 năm qua, anh không cho phép mình bỏ cuộc, gục ngã trước số phận. Anh Cường không chỉ nỗ lực đến trường, mà còn tốt nghiệp THPT trong sự thán phục của bạn bè, thầy cô.
 

"Cường là thanh niên khuyết tật nặng, nhưng luôn có ý chí, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Ngoài hăng say làm nghề, Cường còn tham gia các cuộc thi, hội thao do Hội Người khuyết tật tỉnh phát động, tổ chức. Chính tinh thần, nghị lực sống của Cường đã truyền cảm hứng, tạo thêm niềm tin cho những người cùng cảnh ngộ".


Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh TRẦN TUẤN KIỆT

Anh Cường chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi học trung cấp thú y, nhưng khi ra trường đi làm, việc chăm sóc, tiêm thuốc cho vật nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Biết công việc không phù hợp, nên năm 2008, tôi bắt đầu làm lại bằng cách đi học nghề ở các tiệm điện cơ trong tỉnh. Nhờ các thầy, các anh trong nghề nhiệt tình giúp đỡ mà hai năm sau, tôi đã thành thạo nghề và mở được tiệm sửa đồ điện cơ.

Những ngày đầu mới mở tiệm, nhiều người cũng hoài nghi về khả năng của anh Cường, bởi công việc này đòi hỏi sự khéo léo, trong khi anh Cường chỉ làm được một tay. Nhưng rồi, nhờ chịu khó học hỏi, có trách nhiệm trong công việc, nên dần dần anh đã tạo dựng được uy tín với khách hàng.

Chỉ còn một tay nên cách anh Cường làm việc khá đặc biệt. Anh vận dụng cả cơ thể để lao động, khi thì dùng chân để giữ mô tơ, khi thì dùng vai, cằm để giữ lồng, cánh quạt... Anh Cường vui vẻ nói: “Trong cái khó bao giờ cũng ló cái khôn, tay trái không cử động được thì mình phải tìm cách xoay xở; đồ nào nặng thì tôi mới nhờ người khiêng, còn lại thì tự cố gắng xử lý”.

Những năm qua, anh Cường luôn miệt mài làm nghề và phụng dưỡng cha mẹ già. Cứ ngỡ, người con trai kém may mắn này sẽ là gánh nặng của gia đình, nhưng chính anh giờ là trụ cột, chỗ dựa tinh thần của cha mẹ. Bà Ánh xúc động nói: “Ngày Cường còn đi học, tôi phải mưu sinh tận miền Nam, nên nó đi học về là tự lo cơm nước cho cả nhà. Bản tính nó hiền lành, dù khuyết tật nhưng lúc nào cũng nhường nhịn, nghĩ cho người khác hơn bản thân mình. May mắn của vợ chồng tôi là có đứa con ngoan ngoãn, sống bản lĩnh như Cường”.

Không chỉ là người thợ giỏi, người con hiếu thảo trong gia đình, anh Cường còn nhiệt tình tham gia các công tác, phong trào của Hội Người khuyết tật.


Bài, ảnh: TRỊNH THU





 


.