(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, ở các trường THPT, thậm chí là THCS không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều học sinh đến lớp với mái tóc nhuộm, trang điểm, sơn móng tay... Điều này làm cho nhiều em “già” hơn so với lứa tuổi, phần nào đánh mất vẻ đẹp tự nhiên, thơ ngây của tuổi học trò.
Chạy theo trào lưu
Không chỉ ở TP.Quảng Ngãi mà ở các vùng quê, học sinh ăn mặc cầu kỳ, trang điểm khi đến lớp không còn xa lạ. Thay vì mái tóc đen tự nhiên, nhiều học sinh làm tóc như uốn, nhuộm, dập xù để tạo nên phong cách riêng, nhiều nữ sinh môi đánh son, mặt thoa phấn khi đến lớp. Làm đẹp là nhu cầu tất yếu, nhưng trong môi trường học đường việc trang điểm phần nào đánh mất vẻ đẹp tự nhiên, thơ ngây của tuổi học trò, thiếu nghiêm túc.
Đối với nữ sinh, thướt tha trong bộ áo dài trắng, mái tóc đen và khuôn mặt tự nhiên vẫn luôn là nét đẹp tinh khôi. |
Em Mai Xuân Phục, học sinh lớp 11A1 - Trường THPT số 1 Tư Nghĩa cho biết: "Ở trường, thỉnh thoảng vẫn có một số bạn nam nhuộm tóc vàng hoe, nữ thì uốn tóc, đánh son phấn đi học. Em thấy việc làm đó không đúng với lứa tuổi và sai với nội quy của nhà trường. Đối với em, em vẫn thích các bạn nữ có mái tóc đen, khuôn mặt trong sáng, đúng với lứa tuổi hơn".
Theo Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Đức Phổ Phạm Ưng, nhiều học sinh làm tóc, trang điểm khi đến lớp chủ yếu là do tác động của môi trường xung quanh, một số em học theo các hình tượng diễn viên trong phim ảnh mà thiếu sự chọn lọc. Học sinh này học theo học sinh khác, rồi trở thành phong trào.
Ở lứa tuổi này, các em đang muốn mình trở thành người lớn, muốn nổi bật hơn, nhưng lại quên mất mình vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong các giờ chào cờ hằng tuần, các chuyên đề ngoài giờ... nhà trường thường xuyên nhắc nhở, giáo dục các em về kỹ năng, lối sống, cách ăn mặc sao cho phù hợp với lứa tuổi. Những học sinh vi phạm nội quy, trường đều có các hình thức xử lý để kịp thời chấn chỉnh, giáo dục.
Cần sự quan tâm từ phía gia đình
Ở lứa tuổi này, học sinh rất dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh nếu không có sự giáo dục, định hướng của người thân trong gia đình.
Theo thầy Phạm Ưng thì việc ăn mặc, trang điểm ở lứa tuổi đi học không chỉ đánh mất sự thơ ngây, trong sáng của lứa tuổi học sinh, mà còn khiến các em dành nhiều thời gian chăm chút vẻ đẹp bên ngoài mà phần nào sao nhãng việc học, dễ phát sinh các mối quan hệ trên mức bạn bè với bạn khác giới.
Việc giáo dục, định hướng của nhà trường trong vấn đề ăn mặc là cần thiết, nhưng quan trọng nhất vẫn là từ phía gia đình, những người gần gũi nhất với các em. Cha mẹ, người thân trong gia đình phải sống chuẩn mực, có cách ăn mặc chỉnh chu và thường xuyên quan tâm, định hướng để con cái biết thế nào là đẹp và phù hợp với lứa tuổi, chuẩn mực.
Thông qua thời trang có thể nhận biết trình độ văn hóa, nhận thức, tính thẩm mỹ, lứa tuổi, giới tính của con người. Đối với những em ở lứa tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường, thì nét đẹp tinh khôi, thơ ngây, trong sáng vẫn luôn là hình ảnh đẹp nhất và thể hiện đúng bản chất của lứa tuổi học trò. Do vậy, dù xã hội có phát triển như thế nào, thời trang có hiện đại ra sao thì các em nên giữ đúng bản chất của bộ trang phục áo dài, đồng phục mình đang mặc với sự dễ thương, trong sáng nhất.
Bài, ảnh: HIỀN THU