Nhiệt huyết phóng viên trẻ

10:06, 22/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đam mê với nghề, chịu khó dấn thân, không ngừng học hỏi... để đem đến những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống đến với bạn đọc. Đó là điều những phóng viên trẻ của Báo Quảng Ngãi hướng tới.

Chuyện tác nghiệp ở Trường Sa

Trong quãng đời làm báo của mình, dù chỉ chưa đầy 8 năm, nhưng tôi thật vinh dự khi được đặt chân đến mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc - Quần đảo Trường Sa. Với người không giỏi đi biển như tôi, chuyện tác nghiệp ở Trường Sa là những kỷ niệm còn nhớ mãi. Sóng luôn là nỗi ám ảnh trong suốt hải trình. Những con sóng cứ khiến con tàu thuộc vào hàng hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam cứ lắc lư, làm cho những nhà báo khỏe nhất cũng liêu xiêu. Thế nhưng, anh em vẫn cố bám lan can tàu, lên buồng lái, gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ để có tư liệu viết bài.

Nhà báo Nguyễn Triều tác nghiệp tại Trường Sa đầu năm 2016.
Nhà báo Nguyễn Triều tác nghiệp tại Trường Sa đầu năm 2016.


Sóng cũng khiến đoàn công tác di chuyển vào các đảo thật gian nan. Những chiếc xuồng CQ đưa phóng viên vào đảo tác nghiệp luôn bị từng con sóng “nuốt gọn”, ai cũng ướt nhẹp. Chính vì mênh mang quanh mình là nước nên các nhà báo ai cũng giữ đồ nghề thật cẩn thận. Mỗi khi chuyển xuồng, anh em lại gói bọc kỹ máy ảnh, camera, máy ghi âm, giấy bút... vào túi nilông chuyên dụng được cấp sẵn, buộc chặt lại.

Nhưng, vượt lên tất cả, đến Trường Sa, những người làm báo trẻ được cảm nhận sự lạc quan, yêu đời từ những người đang ngày đêm canh giữ biển, trời của Tổ quốc. Cách cán bộ chiến sĩ tiết kiệm nước ngọt, chăm chút từng chậu rau, che chắn cho đàn vịt biển mỗi khi biển động, giông bão đã làm cho mọi người cảm động đến nao lòng...


NG.TRIỀU

Đi để thấu hiểu

Đầu tháng 1.2017, tôi được tham gia chuyến hải trình mang hàng hóa, quà Tết ra cho các chiến sĩ nhà giàn DK1 - những người đã gác lại tình cảm riêng để túc trực làm nhiệm vụ trên các nhà giàn thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc trong điều kiện vô cùng gian khổ và khắc nghiệt. Suốt 13 ngày lênh đênh trên biển trong thời điểm biển động cấp 6, cấp 7, đã giúp tôi hiểu hơn về những gian truân mà các chiến sĩ Hải quân đã phải trải qua.

Những đợt sóng cao hơn 2m liên tục bủa vào khiến con tàu KN 264 liên tục nghiêng trái, nghiêng phải 35 – 40 độ, nhưng những chiến sĩ trên tàu vẫn cố gắng trụ vững trên boong để đưa hàng hóa, quà Tết qua dây thừng lên đến nhà giàn. Mười mấy ngày làm nhiệm vụ, bị dây thừng cọ xát vào tay khiến tay ai cũng đầy những vết thương rướm máu.

Phóng viên Ý Thu tác nghiệp trên tàu KN264- tàu mang quà Tết, hàng hóa ra cho các chiến sĩ nhà giàn DK1.
Phóng viên Ý Thu tác nghiệp trên tàu KN264- tàu mang quà Tết, hàng hóa ra cho các chiến sĩ nhà giàn DK1.

“Đời lính biển là thế, mấy vết thương ấy chỉ như những vết xướt, nhằm nhò gì đâu chị”, tôi nhớ mãi câu trả lời "bình dị" của thuyền phó Nguyễn Thế Anh, dù chàng trai này năm nay mới 23 tuổi. Rồi lúc ghé lên các nhà giàn, xem những khoảnh rau xanh hiếm hoi được các anh tự tay trồng và nâng niu như báu vật. Đặc biệt, nghe câu chuyện về đại úy Lê Văn Lượng, có con được 7 tuổi, nhưng anh mới chỉ ăn Tết cùng con được 2 lần, còn lại đều ăn Tết ở nhà giàn giữa trùng khơi, khiến tôi cảm nhận rõ nét hơn sự hy sinh thầm lặng của những người lính - những người tự nguyện rời bỏ cuộc sống đầy đủ nơi đất liền, để dấn thân ra sống và làm việc giữa trùng khơi, canh giữ biển trời Tổ quốc.


Ý Thu

Phải có sự đam mê và tinh thần ham học hỏi

Đến với nghề báo và được cộng tác với Báo Quảng Ngãi là một cơ duyên đầy may mắn trong cuộc đời tôi. Từ một cô sinh viên “ngoại đạo” vừa chập chững ra trường, chưa có kinh nghiệm trong việc viết lách, tìm đề tài... mà giờ đây đã hơn 3 năm gắn bó với cơ quan. Hành trình đến với nghề, được làm nghề có lẽ là những chuỗi ngày nhiều cảm xúc tôi nghĩ rằng đó là những bài học, trải nghiệm đầy quý giá.

Đến với nghề báo, tôi được đi đến nhiều vùng đất mới, được đặt chân đến các bản làng xa xôi, khám phá những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số và gặp gỡ những con người chất phác, dễ thương. Ba năm gắn bó với công việc này, không phải là thời gian dài, nhưng đủ cho tôi biết mình có thực sự yêu thích nghề báo hay không. Làm báo là một cơ duyên, nhưng để gắn bó với nó thì cần phải có sự đam mê và tinh thần ham học hỏi. Tôi may mắn được làm việc ở một môi trường tốt, được sự dìu dắt của những anh chị phóng viên có nhiều kinh nghiệm. Tôi luôn tự nhủ với lòng là sẽ không ngừng cố gắng, luôn tôn trọng sự thật trong mỗi bài viết, để trở thành một người làm báo chân chính.


Hiền Thu

 


.