(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, với số vốn ban đầu 20 triệu đồng, thanh niên Nguyễn Anh Hợp, ở thôn Tình Phú Nam, xã Hành Minh (Nghĩa Hành), quyết định đầu tư mở xưởng gia công tranh ghép gỗ, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động và bắt đầu hành trình khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đến thăm xưởng sản xuất gia công tranh ghép gỗ của thanh niên Nguyễn Anh Hợp (23 tuổi), ở thôn Tình Phú Nam, xã Hành Minh, chúng tôi thật sự ấn tượng trước sự tỉ mỉ, cần mẫn của những thanh niên trẻ đang miệt mài bên những chiếc mô tơ điện được gắn thêm bộ phận cắt, bào, gọt.
Từ nguồn nguyên liệu chính là những mảnh gỗ vụn thu mua tại các xưởng mộc trên địa bàn, qua bàn tay khéo léo của những lao động lành nghề, hàng nghìn chi tiết được cắt, tỉa sắc sảo, tạo thành những tác phẩm nghệ thuật, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.
Nguyễn Anh Hợp, ở thôn Tình Phú Nam, xã Hành Minh (Nghĩa Hành) đang chế tác tranh ghép gỗ tại xưởng mộc của mình. |
Với diện tích nhà xưởng chưa đầy 20m2 và 3 lao động làm việc thường xuyên, sự trợ giúp của một số thiết bị, máy móc, trung bình mỗi tháng, anh Hợp xuất xưởng 1.000 sản phẩm vào TP.Hồ Chí Minh. Nguyên liệu rẻ lại có sẵn, nhu cầu khách hàng ngày càng tăng, lợi nhuận thu được cũng tăng theo, mở ra cơ hội cho anh Hợp phát triển ngành nghề mà mình yêu thích và góp phần tạo thêm việc làm cho nhiều thanh niên trong vùng.
Anh Nguyễn Tấn Trụ, ở thôn Long Bàn Nam, xã Hành Minh cho biết: Trước đây, tôi làm thợ điện lạnh tại TP.Hồ Chí Minh, mức lương từ 5 - 6 triệu đồng/tháng, nhưng tiền thuê nhà, ăn uống chiếm hết 3/4, khoản tiết kiệm được chẳng được là bao, lại phải sống xa gia đình. Từ ngày anh Hợp mở xưởng gia công tranh ghép gỗ tại quê nhà và gọi về làm cùng, mỗi tháng cũng có thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng, nhưng không tốn các khoản chi phí như ở TP.Hồ Chí Minh.
Anh Nguyễn Anh Hợp, chia sẻ: Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, với nghề được học tại TP.Hồ Chí Minh trước đây, tôi quyết định khởi nghiệp tại quê nhà. Lợi thế ở đây là tiết kiệm được chi phí thuê mặt bằng, gần gia đình, lao động nhàn rỗi nhiều. Mặc dù mới mở xưởng được gần 1 tháng, nhưng đơn đặt hàng rất nhiều, mọi người phải làm ngày, làm đêm mới kịp giao hàng. Dự kiến trong thời gian tới, tôi sẽ đầu tư mở rộng xưởng và thuê thêm nhân công, để mở rộng sản xuất.
Con đường tương lai phía trước còn dài và thách thức cũng đang ở phía trước, nhưng bằng việc lựa chọn khởi nghiệp từ nghề tranh ghép gỗ, thanh niên Nguyễn Anh Hợp đang tự khẳng định hướng đi của mình trong hành trình lập thân, lập nghiệp theo phương châm “ly nông, bất ly hương".
Bài, ảnh: P.THÁI-N.DIỆU