Làm giàu trên mảnh đất quê hương

10:11, 19/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Phan Văn Đủ (42 tuổi) ở thôn Thọ Tây, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) đã mạnh dạn gầy dựng mô hình chăn nuôi,  trồng trọt cho riêng mình. "Tích tiểu thành đại", giờ đây những mô hình này đem lại cho gia đình anh nguồn thu nhập 400 triệu đồng mỗi năm.

TIN LIÊN QUAN

Đến nhà anh Phan Văn Đủ đúng vào giữa trưa, vậy mà chủ nhà vẫn còn mải mê cho đàn dê ăn lá và thăm nom vườn tiêu đang trong giai đoạn ra trái. Thấy chúng tôi, anh nở nụ cười hiền hậu đúng chất của một thanh niên nông dân. Ngồi trong ngôi nhà khang trang, mát rượi, anh Đủ nhớ lại những năm tháng khó khăn khi hai vợ chồng còn mưu sinh nơi đất khách quê người, anh tâm sự: Năm 2006, anh về làm rể ở Tịnh Thọ, lúc này ở quê không biết làm nghề gì để sống, hai vợ chồng mới vào Sài Gòn buôn gánh, bán bưng. Sinh đứa con đầu lòng, hai vợ chồng  gửi con cho bà ngoại rồi lại tiếp tục ở lại đây kiếm tiền. C

ứ chiều chiều, vợ chồng anh lại ra vỉa hè bán quần áo. Buôn bán cực nhọc, nhưng tiền kiếm được không bao nhiêu, đứa con ở nhà lại cứ đau ốm liên miên, nên vợ chồng anh quyết định khăn gói về quê. "Lúc về quê tôi cũng chỉ xác định bám ruộng, bám đồng, chứ chưa nghĩ ra hướng thoát nghèo nào cả, nhưng nhà đông miệng ăn cứ phụ thuộc vào vài sào lúa thì làm sao đủ sống. Từ đó tôi quyết tâm đổi mới cách làm kinh tế để làm giàu", anh Đủ tự tin chia sẻ.

Anh Đủ chăm sóc đàn dê.
Anh Đủ chăm sóc đàn dê.


Nghĩ là làm, năm 2007, anh quyết định đầu tư vào việc nuôi dê. Ở Tịnh Thọ số hộ nuôi dê không nhiều, chính vì vậy, anh lặn lội vào huyện Đức Phổ và tỉnh Bình Định tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi. Sau khi chuẩn bị đầy đủ kiến thức, anh dồn tiền vào mua dê. Cách làm của anh Đủ không giống ai, anh không đến chỗ bán dê giống mà lại đi hỏi mua lại đàn dê gia chủ không muốn nuôi nữa để mua cả bầy rồi về chọn ra con nào khỏe, tốt giữ lại nuôi, con nào già, yếu thì bán thịt. Nhờ cách chọn giống khác biệt này mà đàn dê của anh cứ nâng dần lên từ vài con cho đến nay, anh Đủ sở hữu đàn dê 50 con. Mỗi năm anh xuất bán hai đợt, bình quân một năm anh Đủ thu về gần 100 triệu đồng.

Thấy lợi thế vườn nhà rộng rãi, năm 2009, anh Đủ nuôi gà thả vườn. Tiền vốn chưa có nhiều, nên lúc đầu anh nuôi 200 con gà. Nhờ sự chăm sóc kỹ lưỡng, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, tiêm vắc xin đúng liều nên đàn gà của anh cứ thế tăng dần lên 500, 1.000 con đến nay là 3.000 con. Anh Đủ phấn khởi, khoe: "Mới đây tôi vừa bán 3.000 con gà, thu về hơn 120 triệu đồng. Bán xong tôi để chuồng "nghỉ" khoảng 1 tháng cho sạch sẽ, diệt vi khuẩn và thoáng khí rồi tiếp tục nuôi lại, nên mới yên ắng như thế này".

Càng làm càng ham, nghe người anh họ ở Đắklắk nói cây hồ tiêu mang lại nguồn kinh tế cao, nên anh Đủ lên tận nơi tìm hiểu. Anh Đủ không đầu tư vội mà tìm hiểu xem loại đất ở quê có thích hợp với việc trồng tiêu hay không. Để chắc chắn điều này, anh Đủ lại đi khắp vườn tiêu ở xã Tịnh Đông, Tịnh Giang (Sơn Tịnh) tìm hiểu. Sau khi nắm chắc về loại cây trồng này, anh mua giống về trồng trong vườn nhà. Tận dụng hơn 50 thân cây xà cừ, anh Đủ cho dây tiêu sinh trưởng trên đó. Vậy là, hai năm sau tiêu phát triển tốt đem lại nguồn thu nhập khá cao cho gia đình. Dự tính sắp tới anh Đủ sẽ mở rộng trồng thêm 1ha tiêu.

Anh Ngô Văn Vọng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Thọ, cho biết: "Không những biết phát triển kinh tế cho gia đình, anh Phan Văn Đủ còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt cho người dân địa phương. Nhìn thấy cơ ngơi anh Đủ gây dựng được, sẽ là động lực cho nhiều thanh niên ở địa phương tích cực, chăm chỉ phát triển kinh tế nếu có sự quyết tâm".

Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG

 


.