Cô giáo trẻ đam mê hội họa

08:06, 01/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với niềm đam mê sáng tạo mỹ thuật, cô giáo Lâm Thị Minh Nguyệt (25 tuổi, dạy môn mỹ thuật Trường Tiểu học Trần Phú, TP. Quảng Ngãi) đã cho ra đời nhiều tác phẩm mỹ thuật đặc sắc, được giới mỹ thuật đánh giá cao.

Sinh ra và lớn lên tại phố núi Sơn Hà, từ nhỏ Nguyệt đã có năng khiếu hội họa. Ngoài những giờ học trên lớp, về nhà Nguyệt say sưa vẽ những bức tranh về gia đình, cảnh đẹp làng quê. Những bức tranh do Nguyệt vẽ đã thể hiện sự trong sáng, hồn nhiên của tuổi thơ và đạt được nhiều giải thưởng.

Lâm Thị Minh Nguyệt  đang thực hiện tác phẩm “Thiếu nữ” tham gia trại sáng tác Mỹ thuật năm 2016.
Lâm Thị Minh Nguyệt đang thực hiện tác phẩm “Thiếu nữ” tham gia trại sáng tác Mỹ thuật năm 2016.


Khi theo học tại Trường ĐH Nghệ thuật Huế chuyên ngành Sư phạm mỹ thuật, Nguyệt nhiều lần tham gia triển lãm mỹ thuật dành cho sinh viên. Trong đợt thâm nhập thực tế làm bài tốt nghiệp, Nguyệt chọn Lý Sơn để thực hiện tác phẩm của mình. Nguyệt đã bỏ ra nhiều thời gian để đọc các tư liệu, xem những hình ảnh, video về Lý Sơn, về Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và cho ra đời tác phẩm “Tiếng gọi Hoàng Sa”. Đây là tác phẩm được nhà trường đánh giá cao.

Năm 2015, tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, Nguyệt về giảng dạy tại Trường Tiểu học Trần Phú (TP.Quảng Ngãi). Ngoài thời gian giảng dạy trên lớp, Nguyệt chú tâm vào sáng tác, tham gia triển lãm tranh khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2015 với tác phẩm “Mùa tỏi Lý Sơn”. Tác phẩm “Mùa tỏi Lý Sơn” được thể hiện trên nền chất liệu tranh sơn dầu và  được chọn tham gia dự giải tại Hà Nội. Nguyệt chia sẻ: "Với hình ảnh hai bà cháu đang ngồi làm sạch tỏi thể hiện được biểu cảm, giúp người xem cảm nhận được cái hồn trong tác phẩm, thể hiện được cái “chất” của người dân đất đảo".

Hai bức tranh "Tiếng gọi Hoàng Sa và "Mùa tỏi Lý Sơn" đã mở ra bước ngoặc mới đối với Nguyệt trên con đường hội họa. Nguyệt nhanh chóng được Hội Văn học - Nghệ thuật (VH-NT) tỉnh kết nạp hội viên chi hội mỹ thuật. Hiện cô là hội viên trẻ nhất của Chi hội Mỹ thuật thuộc Hội VH-NT tỉnh. Họa sĩ Bùi Nam- Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật (Hội VH-NT tỉnh), nhận xét: Nguyệt là họa sĩ nữ nhưng luôn chọn cho mình những đề tài táo bạo, nhạy cảm, nhất là đề tài biển, đảo. Nguyệt có phong cách mới, thể hiện bản sắc riêng cả về bố cục, màu sắc lẫn cách thể hiện.

Họa sĩ Bùi Nam cho biết thêm, Nguyệt mạnh dạn trong việc chọn chất liệu. Trong số các tác phẩm do cô sáng tạo có nhiều tác phẩm được thể hiện trên chất liệu sơn mài. Đây vốn là chất liệu ít được họa sĩ lựa chọn vì phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi người họa sĩ phải kiên trì và có đủ thời gian mài mới tạo độ sáng- tối của bức tranh. Thường thì một tác phẩm phải mất thời gian từ 4-5 tháng mới hoàn thành. Khi thực hiện chất liệu sơn mài thường gây dị ứng do dùng hóa chất (sơn cánh dán, mủ cây sơn) nên rất ít họa sĩ chọn chất liệu này.

Trên cương vị là giáo viên mỹ thuật, Nguyệt đã truyền nhiệt huyết, đam mê cho học trò qua những đường nét sáng tạo. Tuy mới giảng dạy được một năm, nhưng Nguyệt đã góp công lớn trong việc mang về thành tích cho nhà trường với 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba và 1 giải khuyến khích trong cuộc thi tuyên truyền nước sạch và vệ sinh môi trường, cuộc thi Sắc màu tuổi thơ cấp thành phố. Nguyệt bộc bạch: "Ngoài giờ giảng dạy trên lớp, về nhà em dành nhiều thời gian sáng tác những tác phẩm có chất lượng tham gia các triển lãm cấp khu vực. Hiện tại em  đang thực hiện tác phẩm “Thiếu nữ” để tham gia trại sáng tác Mỹ thuật năm 2016 do Hội VH-NT tỉnh tổ chức".
 

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.