Cô giáo trên xe lăn và hai người thầy

05:04, 11/04/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Lê Thị Hồng Yến ngồi trên chiếc xe lăn, dáng người thấp khiến cô lọt thỏm giữa các học trò. Phụ họa cho bài giảng môn tiếng Anh bằng cánh tay duy nhất còn cử động được nhưng phong thái tự tin khiến cô trông cô chẳng khác nào một diễn giả thực thụ.
 
Ít ai dám nghĩ, một người mà đến việc di chuyển cũng phụ thuộc vào chiếc xe lăn như Yến lại “quản” nổi nhiều lớp học tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 9 với gần 100 học sinh.
 
“Ba là đôi chân của con”
 
Hôm ấy, lớp học tiếng Anh trên đường Nguyễn Công Phương, phường Nghĩa Lộ, TP. Quảng Ngãi vẫn đông như mọi ngày. 
 
Lê Thị Hồng Yến giảng bài bằng phong thái tự tin như một diễn giả.Ảnh: Hiền Linh
Lê Thị Hồng Yến giảng bài bằng phong thái tự tin như một diễn giả. Ảnh: Hiền Linh
 
Trước hiên nhà, người phụ nữ vẻ nhàn tản ngồi đan áo, thi thoảng nhìn về phía lớp học của Yến với một thoáng lo âu. Suốt ba mươi năm qua, ánh nhìn của bà Lê Thị Hồng Cúc, mẹ Yến luôn dõi theo con gái đầu lòng như thế.
 
Mùa hè năm 1985, khi Yến vừa tròn 14 tháng tuổi, cô trải qua một trận sốt bại liệt. Mất mát ập đến, tạo hóa đã không cho Yến một thân thể bình thường.
 
Không được chứng kiến con tập bò, tập đi như bao đứa trẻ khác, bà Cúc nâng niu Yến trong tay như một thiên thần nhỏ, dốc hết tình yêu thương để bù đắp cho con.
 
Khi Yến lên 6 tuổi, cô ngồi trước cửa nhìn các bạn cùng lứa đến trường, rồi chợt nói: “Má ơi, con muốn đi học”. Nghe con nói rồi nhìn đôi chân, cái tay con bé xíu, bà Cúc nửa mừng nửa tủi. Nhưng làm sao một mong ước bình thường đến vậy lại có thể chối từ.
 
Từ đó đến suốt 12 năm sau, ông Lê Cao Trung-cha Yến miệt mài đưa con đến lớp, bất kể ngày mưa nắng. Gắn chặt vào lưng cha trên đường đi học, nhiều lần Yến ghé vào tai ông thủ thỉ: “Ba ơi ba phải luôn khỏe nhé, vì ba là đôi chân của con”.
 
Hình ảnh người cha cõng con trên lưng đến lớp gây ấn tượng mạnh với thầy cô và những bạn đồng trang lứa bởi cử chỉ ân cần của người cha và niềm yêu đời lấp lánh trong đôi mắt cô bé có vẻ ngoài không thường ấy.
 
Nhưng dù mạnh mẽ đến đâu, một đứa trẻ như Yến cũng không thể ngăn được những lúc chạnh lòng, buồn tủi. Những giờ ra chơi, khi bạn bè tung tăng nô đùa, cô ngồi lại trên chiếc xe lăn, đôi mắt chất chứa bao điều.
 
Khi Yến học lớp 10, cô được một người bạn của mẹ tặng cuốn sách “Tôi không bất hạnh” của Hirotada Ototake. Tác giả cuốn sách là một chàng trai bị bại liệt tứ chi bẩm sinh, nhưng vẫn trở thành một thầy giáo tiểu học ở Toyko và một nhà văn viết tự truyện danh tiếng ở Nhật Bản.
 
Số phận của Hirotada Ototake và cái cách anh đương đầu với nó để vươn lên, trở thành một biểu tượng vượt khó đã truyền cho Yến nguồn cảm hứng và động lực lớn lao.
 
Như một sự bù đắp của tạo hóa, Yến có đôi bàn tay tài hoa, từ nhỏ cô đã say mê những nét vẽ, sắc màu. Năm Yến học lớp 12, cha mẹ cô buồn lo khi biết rồi đây bạn bè Yến sẽ như chim bay đi, mỗi người một hướng đi tìm tương lai. Còn Yến sẽ thế nào?,
 
“Con muốn làm nhà thiết kế thời trang”, Yến rụt rè thổ lộ.
 
Vậy là hành trình đưa con đến trường của người cha lại thêm một đoạn đường nữa. Một tuần hai buổi, Yến được cha đưa đến nhà thầy Nguyễn Hữu Quang, một thầy giáo cũ của Yến để luyện vẽ.
 
Tốt nghiệp xong, Yến chọn một trường cao đẳng mỹ thuật để theo đuổi ước mơ. Nhưng vì trường ở tỉnh xa, cô lại không thể sống một mình nên dự định ấy đành gác lại.
 
Tạo hóa đã không cho người một thân thể lành lặn, lại gieo thêm lắm nỗi trớ trêu. Yến tiếp tục thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi với số điểm gần thủ khoa, nhưng một lần nữa cánh cửa giảng đường khép lại. “Trường không tiếp nhận sinh viên khuyết tật vào ngành sư phạm.”
 
“Gần 10 năm trôi qua, đó khoảng thời gian dài, tôi đã sống rất mờ nhạt”, Yến từ chối kể những chuyện xảy ra sau hai lần cánh cửa vào giảng đường khép lại.
 
Bà Cúc liệt kê vài khóa học tin học, tiếng Anh mà vợ chồng bà tạo điều kiện cho Yến tham gia, phần lớn chỉ để cô khuây khỏa.
 
Nhưng vốn liếng trau dồi tiếng Anh trong thời gian này đã có dịp hữu ích khi một người họ hàng nhờ cô dạy kèm cho con. Yến nhận ra mình có khả năng truyền đạt và cái “uy” của một cô giáo, Yến hình dung mình đang trên con đường của Hirotada Ototake để có niềm tin để tiếp tục ước mơ.
 
May mắn đến với cô năm 2011, Bộ GD-ĐT có quy chế mới tạo điều kiện cho thí sinh khuyết tật vào đại học. Nhờ đó, Yến được tuyển thẳng vào Trường Đại học Phạm Văn Đồng (tiền thân là Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi) để học ngành tiếng Anh mà cô yêu thích.
 
Lúc này, người cha lại tiếp tục làm đôi chân cho con mỗi ngày đến lớp. Hình ảnh người cha già cõng cô con gái lớn lên tầng 3, 4 của một trường đại học, rồi từ tốn đặt con xuống ghế, khiến ai thấy cũng rưng rưng.
 
Ngọn lửa tiếp nối
 
Tôi biết đến đến Yến và Hirotada Ototake qua thầy Quang, ông thường chia sẻ những câu chuyện nhân văn trên blog cá nhân. Gặp tôi, thầy Quang giấu đi một bàn tay co quắp. Khi quan sát thấy bàn tay ấy, tôi chợt nghĩ về những mối lương duyên cuộc đời đã sắp đặt.
 
Hirotada Ototake, một giáo viên đến từ xứ sở mặt trời mọc khi viết cuốn tự truyện của mình có lẽ chưa hình dung cách nó chạm vào trái tim một cô gái khuyết tật từ Việt Nam. Cũng như Yến đã gặp thầy Quang, người thầy có đôi tay dị thường nhưng đã say mê hội họa bằng những gì ông có và truyền lửa cho nhiều thế hệ học trò.
 
Họ, những con người mang vẻ đẹp bất toàn đã truyền lửa cho nhau và vượt qua khiếm khuyết.
 
Lớp học của cô giáo Lê Thị Hồng Yến. Ảnh: Hiền Linh
Lớp học của cô giáo Lê Thị Hồng Yến. Ảnh: Hiền Linh
 
Tháng 6.2015, Yến được mặc trang phục cử nhân sau nhiều năm lận đận, kể từ đó, lớp học tiếng Anh của cô mỗi ngày một đông hơn. Bận “không kịp thở” với học trò, nhưng cô vẫn ấp ủ ước mơ trở thành một người viết truyện trong tương lai không xa.
 
Tôi chớm hỏi Yến: đám “nhất quỷ nhì ma” này sao thấy cô lại ngoan vậy? Nhưng tôi đã có câu trả lời cho mình: Khi đến đây, các em không chỉ học tiếng Anh mà còn được cô truyền lửa bằng nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
 
 
 
Hiền Linh
 

.