Triệu phú nông dân 8X

10:11, 29/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sinh ra từ làng quê nghèo ở thôn Phước Lộc, xã Đức Phú (Mộ Đức), chàng trai sinh năm 1985, Võ Duy Sa đã vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất quê hương. Không ngại khó, ngại khổ, làm việc với tinh thần cầu tiến, luôn học hỏi nên đến nay, anh sở hữu cả tỷ đồng trong tay.

TIN LIÊN QUAN

Mưu sinh lúc tuổi đôi mươi

Cũng như bạn bè cùng trang lứa, Võ Duy Sa khao khát được vào giảng đường đại học sau khi tốt nghiệp phổ thông, nhưng rồi đó chỉ là ước mơ mà thôi. Bởi lẽ, lúc bấy giờ (năm 2004), cha mẹ  anh quyết định dồn tất cả tiền bạc, thế chấp, vay mượn để khai hoang, mở đường trồng hơn 80ha rừng ở núi Cối, thuộc tiểu khu 313, xã Đức Phú, kinh tế gia đình thiếu trước hụt sau, khiến anh không thể đứng ngoài cuộc. Thế là Sa ở nhà phụ ba mẹ trồng rừng. Keo ngày một phát triển tốt, lại được giá khiến anh và gia đình lấy làm vui mừng vì sự lựa chọn đúng đắn. Nhưng rồi tai họa ập đến, trong phút chốc, bão đã đẩy gia đình anh lâm vào cảnh “trắng tay”. Anh Sa tâm sự “Tôi nhớ như in cái ngày đó, 29.9.2009. Bão ập đến, nhìn hàng ngàn cây keo ngã rạp, đau đớn không gì bằng”.

 

Anh Sa thường xuyên kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển rừng keo của mình trên núi Cối.
Anh Sa thường xuyên kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển rừng keo của mình trên núi Cối.

Hơn 1,5 tỷ đồng dồn vào rừng, nhưng chỉ thu được 20%. Gia đình anh suy sụp. Phần nợ nần chồng chất, rừng mất, phần hai em của Sa lại liên tiếp vào đại học, cao đẳng, khiến gia đình anh thêm khó khăn. Cha con anh quyết định đi làm ăn xa quê. Cha anh ra Quảng Nam làm thuê, còn Sa vào Sài Gòn lái xe container kiếm tiền trả nợ và lo cho các em đang ăn học. Với lương tháng 5 triệu đồng, anh tiết kiệm, gói ghém để lo cho 2 em.

Làm giàu ở quê hương

Tuổi đời còn trẻ nhưng trải qua nhiều sóng gió, va vấp trong cuộc sống, khiến Sa chín chắn, rắn rỏi hơn tuổi. Anh nhận ra một điều, không nơi nào bằng quê hương. Ở đất Sài Gòn dễ làm ra tiền, nhưng đó chỉ là trước mắt, anh khao khát được làm giàu, xây dựng cơ ngơi trên chính mảnh đất quê hương. Chính vì thế, sau khi các em tốt nghiệp, có công việc ổn định và gia đình cũng bớt phần khó khăn hơn, Sa trở về quê nhà. “Tôi sinh ra từ làng quê và cũng muốn làm giàu từ đó”, anh chia sẻ.

Cuối năm 2011, Sa về quê, thu hoạch vụ keo còn sót lại sau bão. Gặp thời được giá, anh thu về hơn 1,2 tỷ đồng. Sau khi trả hết số nợ còn lại, anh tiếp tục vay mượn thêm để đầu tư hơn 700 triệu vào 60ha rừng. Rút kinh nghiệm từ cơn bão năm 2009, anh trồng rừng với phương pháp xen canh, cứ mỗi năm sẽ thu hoạch và trồng mới, chứ không trồng cùng một lúc. Nếu có bão, thì thiệt hại sẽ giảm xuống, không mất trắng như trước. Đồng thời, anh bắt tay vào ươm cây giâm hom gồm keo, bạch đàn… để bán cho bà con nông dân. Cũng là trồng rừng, cũng là giâm hom như bao người, nhưng Sa luôn là người tiên phong áp dụng khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa vào quá trình sản xuất. Vừa tiết kiệm nhân công lại mang về lợi nhuận, năng suất cao.

Hằng năm, từ vườn cây giâm hon hơn 600 nghìn cây, trừ chi phí, anh thu về hơn 120 triệu đồng. Anh còn thu hoạch định kỳ 4ha rừng/năm, mang về gần 200 triệu đồng. Với phương châm “lấy của nhỏ, làm ra của lớn”, “không để đồng tiền nằm yên”, anh mua thêm 2 chiếc xe đào và 1 chiếc xe tải để mở thêm dịch vụ. Đồng thời, anh còn thu mua gỗ nguyên liệu để bán cho các nhà máy chế biến gỗ dăm thuộc KKT Dung Quất. Tính từ đầu năm đến nay, anh thu mua hơn 4.000 tấn gỗ. Hiện nay, anh tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động phổ thông với thu nhập gần 4 triệu đồng/tháng, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Trở thành ông chủ ở tuổi 29, lợi nhuận mỗi năm lên đến con số hàng trăm triệu đồng, nhưng anh vẫn khiêm tốn cho biết: “Đó chỉ là bước khởi đầu, tôi còn phải cố gắng nhiều hơn nữa”. Vừa qua, anh được đi tham quan, học tập mô hình phát triển kinh tế ở các tỉnh phía Nam do Hội Nông dân tỉnh tổ chức. Có rất nhiều mô hình hay, hiệu quả và anh cũng đã học hỏi, “thai nghén” cho mô hình chăn nuôi heo theo kiểu trang trại, khép kín. Anh đang làm hồ sơ thủ tục để được công nhận trang trại và triển khai mô hình mới.  

Ông Nguyễn Giáp Thìn – Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phú, cho biết: Sa là một đoàn viên thanh niên tiêu biểu của xã, là người trẻ tuổi nhất giữ chức Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Phước Lộc. Không chỉ giỏi kinh doanh, sản xuất mà trong mọi phong trào của địa phương, Sa đều tham gia nhiệt tình.

Bài, ảnh: HIỀN THU

 


.