Sức trẻ trên vùng đất gò đồi

10:10, 30/10/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Ở tuổi 26, cặp vợ chồng người H’rê Phạm Văn Thác- Phạm Thị Vào, ngụ thôn Làng Măng, xã Ba Dinh (Ba Tơ) đã nắm trong tay gia tài lớn từ điểm khởi đầu là đôi bàn tay trắng. Người trong làng ai cũng khen ngợi sự chăm chỉ, cần cù của hai con người trẻ tuổi.

“Vợ chồng anh Thác thì ai chẳng biết, chịu khó làm ăn và hay giúp đỡ bà con lắm!”- cụ Phạm Thị Lý (70 tuổi) ở thôn Làng Măng liền đáp sau câu hỏi tìm nhà. Đến thăm nhà vợ chồng chị Vào, anh Thác, chúng tôi không khó để tìm ra ngôi nhà khang trang sau những chỉ dẫn tận tình kèm lời khen ngợi như vậy.
 
Tiếp đón chúng tôi, chị Phạm Thị Vào bộc bạch: “Ngày nào, anh Thác cũng đi vào rẫy từ sáng đến chiều mới về. Tôi phải ở nhà chăm nom đàn trâu, đàn gà. Đến mùa thu hoạch keo, mì thì hai vợ chồng mới cùng lên rẫy làm!”.

 

Thu nhập từ đàn trâu và rẫy keo, mía đã giúp đôi vợ chồng trẻ người H’rê đổi đời
Thu nhập từ đàn trâu và rẫy keo, mía đã giúp đôi vợ chồng trẻ người H’rê đổi đời
 
Rẫy keo, đàn trâu, gà mà chị Vào nhắc đến chính là nguồn thu nhập đem về khoảng 70-100 triệu đồng/năm, giúp vợ chồng chị đổi đời thực sự. Thế nhưng, thành quả ấy không phải tự nhiên mà có. Nó được đánh đổi từ mồ hôi, công sức bao nhiêu năm của hai con người vất vả.
 
Năm 19 tuổi, anh Thác và chị Vào quyết định lấy nhau với gia tài chung là bàn tay trắng. Dù cật lực đi làm thuê làm mướn, nhưng cuộc sống nghèo khó vẫn đeo bám lấy gia đình nhỏ. Đến năm 2008, được Nhà nước và doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật để trồng mía trên đất gò đồi, vợ chồng anh Trác đã mạnh dạn tiên phong.
 
Khai hoang được 2ha đất lâm nghiệp để trồng mía, cặp vợ chồng trẻ quyết tâm lao động. “Cực lắm, nghĩ lại mà mồ hôi ướt đầm người. Cả tháng trời, ngày nào hai chúng tôi cũng phải dậy từ sáng sớm. Đem theo cơm nước lên rẫy khai hoang đến tối mịt mới về”- Chị Vào kể về những năm tháng cực khổ.
 
Cần cù lao động, vợ chồng chị còn chăm chỉ tham gia các lớp tập huấn và tự tìm tòi kiến thức qua sách báo để có kinh nghiệm tăng chữ lượng đường cho cây mía. Đến nay mỗi năm hai hecta đất của gia đình anh chị thu khoảng hơn 60 tấn/vụ/năm, lãi hơn 60 triệu đồng.

 

Không chỉ làm giàu cho gia đình, vợ chồng anh Thác chị Vào còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng cho nhiều gia đình khác
Không chỉ làm giàu cho gia đình, vợ chồng anh Thác chị Vào còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng cho nhiều gia đình khác.
 
Ngoài trồng mía vợ chồng anh Thác và chị Vào còn bàn với nhau mở rộng mô hình kinh tế bằng cách chăn nuôi heo giống, nuôi 4 con trâu để canh tác đất nông nghiệp. Mỗi năm gia đình anh Thác thu được 60tạ lúa/vụ, không những đủ lương thực ăn mà còn bán cho các hộ khác.
 
Ngoài trồng trọt chăn nuôi, anh Thác còn nhận khoáng khai thác keo. Từ thu nhập mỗi năm, gia đình anh Thác chị Vào đã xây được ngôi nhà kiên cố cùng đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.
 
Bên cạnh việc làm kinh tế giỏi, vợ chồng anh Phạm Văn Thác còn là những đoàn viên ưu tú tham gia nhiều hoạt động tình nguyện trong công tác Đoàn và phong trào tình nguyện của địa phương. Vợ chồng anh cũng không ngại ngần chia sẻ những kinh nghiệm, bí quyết nuôi trồng cho những thanh niên khác cùng làm giàu.
 
Với sự cần cù chịu khó, năm 2012, anh Thác vinh dự là 1 trong 6 đoàn viên thanh niên của tỉnh Quảng Ngãi được Trung ương Đoàn xét tặng giải thưởng Lương Định Của.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 

.