(Báo Quảng Ngãi)- Nhìn dáng người nhỏ bé của em, ít ai có thể tin được em đã phải bươn chải từ năm 13 tuổi để vừa đi học, vừa chăm lo cho bà ngoại bị bại liệt. Cô bé mồ côi Phạm Thị Hồng Ánh (SN 1993) ở đội 6, thôn Năng Tây 2, xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa), khiến bất cứ ai nghe về câu chuyện cuộc đời em đều phải cảm phục.
Cha bỏ đi khi em mới chào đời, cô bé Phạm Thị Hồng Ánh sống cùng mẹ và bà ngoại. Tuổi thơ lớn lên trong cảnh nghèo khó, nhưng với em là những tháng ngày hạnh phúc nhất khi còn mẹ. Ngày còn sống, mẹ Ánh làm phụ hồ nuôi em và bà ngoại bị đột quỵ nằm một chỗ, đến nay đã 14 năm. Cuộc sống thiếu thốn, vất vả nhưng luôn ngập đầy hạnh phúc. Mỗi buổi tối, trong căn nhà nhỏ le lói ánh đèn dầu và tiếng trò chuyện, cười đùa của em bên mẹ và bà. Nhưng rồi, năm 2006, nỗi đau ập đến với em khi mẹ qua đời vì tai nạn lao động trong lúc làm phụ hồ. Cái chết của mẹ càng làm bệnh tình của bà ngoại em trở nặng. Ngoại vừa đột quỵ dẫn đến bại liệt, giờ thêm huyết áp cao, lúc nào cũng phải có người bên cạnh chăm sóc.
Ánh tận tụy chăm sóc bà đã 8 năm nay. |
Trước kia, mọi sinh hoạt từ ăn uống, vệ sinh, tắm rửa của ngoại có mẹ và em cùng nhau chăm sóc. Từ ngày mẹ mất, cô bé 13 tuổi như em đã bươn chải tất cả để làm nghĩa vụ của người con, người cháu chăm lo cho bà. Sau mỗi giờ tan học, em lại tất tả chạy về đi chợ, cơm nước cho 2 bà cháu. Từ giặt giũ quần áo đến tắm rửa cho ngoại, em đều tận tụy chăm lo. Chiếc chõng tre xiêu vẹo ngoại nằm bao năm, em không dám cắt đi để đặt bô cho ngoại tiện vệ sinh, vì sợ dằm tre xóc lưng ngoại. Để ngoại vệ sinh thoải mái, em đặt 1 cái thau dưới giường rồi lau dọn liên tục. Những đêm ngoại lên huyết áp, đờm ho, chỉ có một mình nên em không dám chợp mắt. Đôi tay nhỏ bé của em nắm lấy bàn tay co rút của ngoại suốt những đêm dài…
Trong căn nhà gạch ngói cũ kỹ, không có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc xe đạp, cái tivi quanh năm phủ vải, do những nhà hảo tâm tặng 2 bà cháu và những chồng sách vở của em. Cũng nhờ những nhà hảo tâm giúp đỡ mà em có chi phí để lo cho bà và ăn học đến khi ra trường.
Năm 2012, Ánh thi đậu hệ Trung cấp ngành Thư viện- Thiết bị trường học, Trường đại học Phạm Văn Đồng. Hai năm đi học là 2 năm em gắn bó với chiếc xe đạp cọc cạch, với quãng đường đến trường gần 9 cây số. Đoạn đường ấy, với em thật quá dài khi có bà đang đợi em ở nhà mỗi buổi trưa, mỗi buổi chiều về. Hai năm đi học xa, nhưng Ánh chưa ngày nào bỏ bà 1 bữa ăn trưa, ăn tối. Và cũng thật cảm phục khi 2 năm học đó, em đều có học bổng của trường. Tháng 7 vừa qua, Ánh tốt nghiệp với tấm bằng loại khá, và vừa được nhận thử việc tại Trường Tiểu học Tây Hiệp, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa).
Có được công việc, em rất vui, nhưng lại thương bà ngày nào cũng ngóng ra cửa chờ em đi về. Bà Võ Thị Liên, bà ngoại của Ánh tâm sự: “Giờ có việc làm rồi, mong sao nó kiếm được chỗ nương thân, tôi có chết cũng mãn nguyện rồi”. Rời căn nhà nhỏ của em khi trời đã tối, bữa cơm đạm bạc của 2 bà cháu cũng vừa dọn lên. Chiếc bóng nhỏ bé của em khi đang đút cơm cho bà in trên khoảng tường vôi loang lổ chợt trở nên thật to lớn, khiến tôi vô cùng cảm phục.
Bài, ảnh: Hà Xuyên