Chàng trai 8x bén duyên cùng củi trấu

09:08, 19/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM, ngành quản trị kinh doanh, Nguyễn Phương Nam (1984) quê ở xã Bình Thạnh (Bình Sơn) không xin việc làm mà quyết định về quê lập nghiệp với việc lấy trấu làm củi.

Năm cuối đại học, trong một lần lên mạng tìm kiếm thông tin Nam vô tình đọc được bài viết nói về cách chế biến trấu thành củi vừa làm chất đốt vừa cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại các tỉnh miền Tây. Từ đó Nam thường tìm kiếm tài liệu liên quan đến chế biến vỏ trấu thành chất đốt có nhiệt lượng cao có thể thay thế than trong các nhà máy công nghiệp. Vừa ra trường, Nam bắt xe ngược xuống miền Tây, ròng rã cả mấy tuần liền học hỏi kinh nghiệm thực tế ở các cơ sở chế biến củi trấu nơi đây. Có được vốn kiến thức nho nhỏ, Nam về lại quê nhà bắt đầu xây dựng cơ sở chế biến vào năm 2009.

 

Anh Nguyễn Phương Nam cùng với  sản phẩm củi trấu của mình.
Anh Nguyễn Phương Nam cùng với sản phẩm củi trấu của mình.


Ban đầu lập nghiệp Nam gặp không ít khó khăn bởi nguồn vốn ít ỏi chỉ có 300 triệu đồng vay mượn từ người thân nhưng phải đầu tư  thuê mặt bằng, mua sắm máy móc... Năm 2010, cơ sở chế biến củi trấu chính thức đi vào hoạt động với một máy ép, mỗi ngày sản xuất ra 1,5 tấn củi trấu. Vào thời điểm đó các nhà máy công nghiệp chưa biết nhiều về củi trấu, nên Nam chỉ bán cho các lò bánh mì, cơ sở hấp cá trong huyện.

Việc thu mua nhỏ lẻ không thể tiêu thụ hết sản phẩm làm ra nên Nam mang sản phẩm của mình đi chào hàng tại các nhà máy trong và ngoài tỉnh. Sau khi thấy việc tiện lợi và hữu ích của củi trấu các nhà máy đã gật đầu bao tiêu sản phẩm. Nam mạnh dạn tăng thêm máy ép củi và mở rộng nhà xưởng. Sau 4 năm, cơ sở củi trấu của Nguyễn  Phương Nam  đã mở rộng  từ 100m2 lên 500m2, gồm 3 máy ép, mỗi ngày sản xuất 5 tấn củi và đã giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 12 lao động địa phương, với mức lương bình quân từ 3 triệu đồng đến 4,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, Nam đã thành lập Công ty sản suất củi trấu mang tên Hùng Nam với vốn đầu tư 4,8 tỷ đồng, gấp hơn 15 lần so với nguồn vốn ban đầu.

Để có nguồn nguyên liệu làm củi trấu quanh năm, hằng ngày Nam tìm đến các điểm máy xay xát gạo trong và ngoài tỉnh để đặt mua. Trước đây các cơ sở máy xay xát cho không, nhưng giờ một số nhà máy bia, nhà máy mì cũng thu mua nên Nam phải đặt cọc tiền trước và thu mua với giá 500 đồng/kg trấu. Sau khi thành phẩm 1 thanh củi trấu dài 40 cm, nặng hơn 2kg và bán với giá 1.600 đồng/kg.

Theo anh Nam, hiện nay nguồn đầu ra rất dễ dàng, vì các nhà máy công nghiệp rất thích dùng củi trấu để đốt lò vừa rẻ, vừa không độc hại so với than đá. Tuy sức nóng của củi trấu không bằng than đá nhưng nếu đốt 1 kg than hết 6.000 đồng, các nhà máy đốt 2kg củi trấu chỉ hết 3.200 đồng nên vẫn lợi hơn.

Tôi hỏi về lợi nhuận thu được từ việc làm củi trấu, Nam chỉ cười rồi bảo đủ sống thôi. Mặc dù không nói rõ con số thu nhập nhưng với sản lượng 150 tấn củi trấu làm ra trong 1 tháng cũng đủ thấy số tiền thu nhập của Nam là khá lớn, cùng với cơ ngơi đang sở hữu.

 Hiện giờ Nam không dám tìm thêm đối tác vì sợ không đủ lượng hàng cung cấp bởi nguồn nguyên liệu đôi khi khan hiếm. Do đó, mỗi tháng nhà máy của Nam sản xuất 150 tấn củi nhưng chỉ cung cấp cho 4 nhà máy 100 tấn, còn 50 tấn phải để dành dự trữ, phòng khi thiếu nguyên liệu. Dự định của Nam sang năm 2015 sẽ mở rộng nhà máy lên 800 đến 1.000m2 và tăng từ 3 máy lên 5 máy ép.

Nhiều người khâm phục Nam không chỉ ở suy nghĩ độc đáo, biến trấu thành củi mà còn nể phục bởi sự tìm tòi sáng tạo. Nam còn chế tạo lắp ráp 3 máy ép củi bán cho các cơ sở chế biến củi trấu tại Thanh Hóa. Mới đây sản phẩm củi trấu của Nam đã được huyện Bình Sơn công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2014.

Bài, ảnh:  Nguyên Hương
 


.