(Baoquangngai.vn)- Xuất thân từ một gia đình đông anh em, anh Phạm Nhỏ (dân tộc H’rê) ở làng Suối Chá, thôn Trũng Kè 2, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) đã sớm tự lập, vươn lên, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
19 tuổi, chàng thanh niên Phạm Nhỏ lên đường nhập ngũ. Năm 1995, anh xuất ngũ. Không như những thanh niên khác, vào TP. Hồ Chí Minh để kiếm việc mà quyết chí về quê tìm hướng làm ăn. Anh tin rằng, với những kiến thức đã được học cùng với ý chí đã được tôi luyện trong quân ngũ, anh sẽ vượt qua khó khăn để làm giàu trên chính quê hương mình.
Thoát nghèo nhờ chịu khó
Năm 1996, Phạm Nhỏ lập gia đình và ra ở riêng. Tài sản lúc này của vợ chồng anh vỏn vẹn 2 sào ruộng lúa nước và 1 con trâu do gia đình vợ chia cho. Mới đầu do chưa biết tính toán làm ăn nên cái đói, cái nghèo cứ bủa vây, lúa không đủ ăn giáp hạt.
Năm 2000 được chi hội nông dân hướng dẫn vay vốn sản xuất, chăn nuôi, anh quyết định vay 5 triệu đồng để đầu tư buôn bán hàng tạp hóa phục vụ bà con trong xóm. Đồng thời xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo, kết hợp nấu rượu.
Anh Phạm Nhỏ bên chiếc ô tô tải trị giá gần 400 triệu đồng. |
Nhờ chăm chỉ, siêng năng học hỏi cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chăn nuôi nên việc chăn nuôi của anh luôn thuận lợi. Chỉ tính riêng tiền bán heo, một năm anh cũng thu lãi được 20 – 25 triệu đồng.
Anh Nhỏ chia sẻ: “Nuôi heo phải kết hợp với nấu rượu thì mới có lãi được. Phải chăm chỉ làm nhiều thứ chứ chỉ làm ruộng không thì sẽ nghèo mãi”.
Để tận dụng quỹ đất và tăng thêm thu nhập, anh áp dụng kỹ thuật trồng cây keo lai xen cây mì đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau 5 năm, anh thu được 120 triệu đồng từ cây keo lai. Thấy cây keo mang lại hiệu quả kinh tế cao, vợ chồng anh tiếp tục phát triển, mở rộng thêm diện tích. Hiện tại, gia đình anh đã có được 9ha cây keo lai, 12 con trâu, chục con heo, góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình và nuôi con ăn học.
Giúp đỡ người khác
Giờ đây cuộc sống ấm no, đầy đủ nhưng anh vẫn không quên việc giúp đỡ cho bà con khó khăn trong thôn xóm. Đồng thời, hướng dẫn khoa học kỹ thuật trong sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi, giúp bà con vượt qua nghèo khó, nâng cao mức sống cho bà con trong xóm.
Đặc biệt để tạo công ăn việc làm cho bà con trong xóm, anh bàn với vợ thành lập đội thu mua cây keo. Để thuận tiện và chủ động vận chuyển gỗ keo về nhà máy, anh mạnh dạn mua 1 chiếc xe tải, trị giá gần 400 triệu đồng.
Từ ngày có đội thu mua keo của anh Nhỏ, 20 lao động trong xóm đã có việc làm thường xuyên với thu nhập cao từ 120.000 - 150.000đ/ngày. Đặc biệt giá thu mua keo cho bà con trong thôn xóm cũng được anh tính “nhỉnh” hơn, không để bà con chịu thiệt. Anh Nhỏ tâm sự: “Mình làm ăn được thì phải giúp đỡ những người khó hơn mình chứ. Mọi người có giàu lên thì làng mình mới phát triển được”.
Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, anh còn tích cực tham gia các hoạt động của Chi đoàn thôn phát động như: Ttuyên truyền đoàn viên, thanh niên trong thôn tích cực tham gia phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo; phong trào thanh niên mẫu mực, thanh niên vượt khó...
Bên cạnh đó, anh còn thường xuyên vận động bà con, thanh niên trong làng không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục, không đốt rừng làm rẫy, không gây mất đoàn kết trong xóm. Vì vậy, mặc dù 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng khu dân cư Suối Chá luôn được UBND xã Hành Tín Tây chọn làm KDC điển hình tiên tiến của xã.
HỒNG HOA