(Baoquangngai.vn)- Vừa là Bí thư chi đoàn thôn kiêm chức Trưởng ban công tác mặt trận thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh), anh Phan Văn Đức là tấm gương sáng cho thanh niên địa phương noi theo. Từ đôi bàn tay tài hoa và lòng kiên nhẫn, anh đã sống tốt với nghề tiện gỗ và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Buổi sáng mùa thu trong lành, xóm Khê Ba, thôn Mỹ Lại bỗng bừng tỉnh theo tiếng máy reo ồ ồ phát ra từ xưởng tiện gỗ nhỏ của anh Phan Văn Đức. Đối với người dân nơi đây, tiếng máy ấy đã quá quen thuộc, lặp đi lặp lại mỗi ngày, đồng hành cùng sự chăm chỉ, cần mẫn của chàng thanh niên trẻ.
Đam mê với nghề
Tiếp xúc với chúng tôi, anh Đức (31 tuổi) với gương mặt xương xương, dáng người gầy có phần rụt rè. Nhưng khi hỏi về công việc anh đang làm thì cái nhút nhát ban đầu đã bay biến đâu mất, thay vào đó là niềm đam mê ánh lên từ đôi mắt. Anh kể: Anh bén duyên với nghề thật tình cờ. Sau khi tham gia quân ngũ được 3 năm, anh trở về quê hương với đôi bàn tay trắng.
Năm 2006 là thời điểm thanh niên trong vùng lần lượt bỏ vào Nam sinh sống. Ai cũng khuyên anh nên vào đó làm ăn, sẽ có thu nhập, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, anh quyết tâm ở lại, bám trụ lấy mảnh đất quê hương tuy còn nghèo khó, nhưng nặng tình người này.
Với bàn tay tài hoa của anh Đức, các sản phẩm gỗ vô tri vô giác trở thành những sản phẩm nghệ thuật. |
Anh Đức cho biết: Ngày đó, để bám trụ lại với xóm làng, tôi đã trăn trở nhiều lắm. Gia đình thì chẳng có ruộng đất để làm nông. Sau một thời gian dò hỏi, tôi nhận thấy rằng cả 3 xã khu Đông huyện Sơn Tịnh gồm Tịnh Khê, Tịnh Hòa, Tịnh Thiện chưa có xưởng tiện gỗ nào. Trong khi đó, các xưởng mộc đã mở ra rất nhiều.
Nắm bắt được nhu cầu đó, anh khăn gói về TP.Quảng Ngãi học nghề tiện 1 năm ròng. “Nghề này thấy thì đơn giản nhưng ai có lòng kiên nhẫn mới học thành được. Ngày đó, có 4 người cùng học chung với tôi, nhưng chỉ có tôi theo đến cùng và mở xưởng bám trụ với nghề đã học”- anh Đức tâm sự.
Đôi bàn tay thô ráp tỉ mẩn gọt những khúc gỗ vô tri, vô giác thành hình thù sống động. Cảnh tượng ấy đã chứng minh được cho sự tài hoa của anh. Các vật dụng quen thuộc như bàn ghế, giường, lan can cầu thang, độc bình… được bàn tay anh biến hóa, trở nên mềm mại, uyển chuyển nhưng vẫn giữ được sự chắc chắn của chất liệu gỗ.
Ban đầu khi mở xưởng, nghề “kén” người nên chưa có mấy nguồn hàng để anh gia công, kiếm thu nhập. Nhưng tiếng lành đồn xa, sự khéo tay, sáng tạo của anh trong từng sản phẩm gỗ được nhiều người trong vùng ngưỡng mộ, chọn đặt hàng để có những đồ dùng bằng gỗ ưng ý. Hơn 6 năm gắn bó với nghề, sự sáng tạo, kiên nhẫn đã giúp anh làm nên điều kỳ diệu.
Nhiệt huyết vì cộng đồng
Người cùng xóm làng, ai cũng yêu quý chàng thanh niên Phan Văn Đức. Một phần vì sự tu chí làm ăn, một phần vì công sức bỏ ra cho tập thể, cộng đồng. Ban ngày, anh cặm cụi bên những chiếc máy tiện gỗ thân thuộc. Ban đêm, anh lại tranh thủ tổ chức sinh hoạt Đoàn và thực hiện nhiệm vụ của Trưởng ban công tác mặt trận thôn Mỹ Lại.
Ngoài việc tu chí làm ăn, anh còn tạo công ăn việc làm cho các đoàn viên trong thôn và làm tốt vai trò của một Bí thư chi đoàn và trưởng ban công tác mặt trận. |
Bà Nguyễn Mai ngụ xóm Khê Nam không tiếc lời khen ngợi anh: Ở thôn này, ai mà chẳng biết anh thợ tiện tên Đức. Vừa giỏi làm nghề, lại chịu khó trong công tác phong trào tại địa phương. Ít có ai được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch mặt trận thôn khi tuổi mới vừa qua 30 lắm. Thế mà anh Đức lại được.
Từng nẻo đường, từng nóc nhà của thôn Mỹ Lại đều có dấu ấn của anh. Bởi, ở đâu trong thôn có chuyện mâu thuẫn, hay có vấn đề anh đều có mặt kịp thời. Dù trẻ tuổi, nhưng uy tín của chàng thanh niên trẻ luôn khiến bà con nghe theo, làm theo những lời khuyên giải đúng đắn.
Với hơn 30 đoàn viên thanh niên của thôn Mỹ Lại, ngoài việc huy động làm việc công ích, tình nguyện trong thôn, anh Đức còn hướng dẫn, giúp đỡ họ những khi khó khăn. Hiện dù xưởng tiện gỗ của anh rất nhỏ, nhưng anh vẫn thu nhận thêm 2 đoàn viên trong thôn đến dạy nghề và trả lương. Dù hành động nhỏ, nhưng thể hiện được tấm lòng của anh bí thư đoàn trẻ tuổi.
Anh Phan Thanh Nam- là đoàn viên hiện đang theo học nghề tại xưởng của anh Đức chia sẻ: Gia đình tôi rất khó khăn, tôi phải bươn chải từ sớm nhưng rất vất vả vì chẳng có nghề trong tay. Khi tham gia sinh hoạt Đoàn, thấy hoàn cảnh tôi vậy nên anh Đức đã ngỏ ý nhận tôi về học nghề. Vừa được chỉ dẫn tận tình về cách tiện gỗ, vừa được trả lương, có thu nhập ổn định, tôi cảm thấy thật cảm động trước tấm lòng của anh Đức.
Dù điểm xuất phát của anh Đức rất thấp so với nhiều người, nhưng những gì anh đạt được hôm nay đã chứng tỏ được tài đức của anh. Ở xóm nhỏ Khê Ba ấy, đang có một tấm gương trẻ với nét tài hoa và bầu nhiệt huyết tuổi trẻ để cho những thanh niên khác noi theo, học hỏi.
Bài, ảnh: Thanh Phương