Từ chân gành đến... sách giáo khoa

01:07, 08/07/2013
.

(QNg)- Dù rất muốn nhảy chân sáo ra đồng tung tăng dõi theo cánh diều bay, nhưng những đứa trẻ ở làng chài Phổ Châu (Đức Phổ) đành “gác lại” vì chiều nào cũng bận lặn ngụp dưới chân gành mò ốc, bắt nhum kiếm từng đồng để nuôi heo đất.

Những “thợ lặn” nhí

Cái cặp, vở sách, tấm áo mới sẽ từ heo đất “bước ra”. Nhưng để có cái “bước ra” nhẹ nhàng ấy, các em phải đổ những giọt mồ hôi non nớt. Với những đứa trẻ may mắn sống trong gia đình khá giả, những thứ ấy thật đơn giản. Nhưng với những học trò nghèo này, điều đó là cả một ước mơ. Biết là ước mơ không thể “tự nhiên thành”, bọn trẻ đã “nhúng” ước mơ của mình trong góc biển dưới chân gành. Chúng đi “tìm” sách vở bằng cách lặn bắt nhum, cua, sò, ốc.

 

 Nhọc nhằn lặn biển để kiếm tiền mua sách giáo khoa.
Nhọc nhằn lặn biển để kiếm tiền mua sách giáo khoa.


Bọn trẻ như những ngư dân tí hon, cũng gương lặn trên trán, móc sắt cầm tay, nhảy ùm xuống biển. Tôi nghĩ dại, lỡ… thì sao? Nhưng kìa, chúng đã ngoi lên. Lần lặn đầu tiên dù ít nhưng bốn năm đứa cũng có cái để bán, hoặc là con nhum, con cua, không nhum, cua thì vài ba con ốc. Cũng chừng ấy đứa chưa có “lộc biển”. Chúng lấy hơi rồi lại lặn xuống rất nhanh.


Nơi những “thợ lặn” nhí tiêu thụ hải sản là dãy quán ven bờ dương cách đó gần 200 mét. Chúng ào qua triền cát nóng chạy lên bán tươi cho chủ quán. “Sao không để cả mớ rồi bán một lần cho gọn?”, tôi hỏi. Một đứa nhanh nhảu giải thích là bán vậy mới ngon. Chờ đủ mớ mới bán thì con cua, con nhum “ngủm” rồi. Chủ quán chê hàng chết không mua. Mà có mua cũng rẻ lắm, vài ngàn là cùng.

Tôi biết trong những nắm tay nhỏ nhắn ấy là mấy đồng tiền lèo tèo, bèo bọt như chính tuổi thơ nghèo khó của chúng. Còn chúng thì rất vui. Cứ tíu ta tíu tít khoe nhau: Tao được 5 ngàn. Tao nhiều hơn mày, tới 8 ngàn lận. Một đứa bĩu môi, xòe tay ra, nói đây nè, 10 ngàn chẵn đó nghen. Bỗng chúng giơ nắm tay lên, đồng thanh la lớn “ye” rồi chạy xuống mé biển, tiếp tục một đợt lặn mới.

Âm thầm nuôi chí  học hành

Không hiểu sao những tiếng “ùm, ùm” khi bọn trẻ nhảy xuống biển cứ  vang một cách u trầm trong tôi. Ngay cả những nụ cười rất tươi khi chúng khoe với tôi mấy con ốc, con cua sau khi lặn được cũng cho tôi cảm giác thương cảm trong lòng. Không đầy 2 tháng nữa, các em sẽ hân hoan tựu trường. Khi ấy, liệu thầy cô có biết các em đã nhọc nhằn như thế nào trong suốt mùa hè nắng nôi để có được những trang sách mới?

Chúng “ùm” xuống, ngoi lên. Lại “ùm” xuống, ngoi lên… Chân gành trắng xóa bởi bọt nước bắn lên tung tóe. Chiều nay trời chuyển, biển hơi động nên số lượng “đánh bắt” sụt giảm so với mọi bữa. Chúng “tổng kết” một buổi chiều lặn ngụp bằng con số. Nhưng chẳng có đứa nào vượt qua “ngưỡng” 20 ngàn. Thế mới biết, từ chân gành… đến bộ sách giáo khoa, vài chục quyển vở, cái cặp, bộ đồ mới là những gập ghềnh và biết mấy gian nan.

Một ngư dân vần cái thúng chai lên bãi. Tôi và lũ trẻ đến giúp. Bọn nhóc gọi người này là bác Sáu rồi tranh nhau khoe: Bữa nay con được 12 ngàn; con được 14 ngàn… Ông Sáu nói tụi bay “nuôi heo” phụ cha mẹ được mức nào hay mức đó nhưng đừng có ham hố. Và khi bơi lặn coi chừng chuột rút rồi đuối nước...
 
Tôi nghe vị mằn mặn trong câu nói của bác ngư dân, trong khi bọn trẻ nhao nhao rằng không sao đâu bác, tụi cháu là trẻ con vùng biển mà. Cũng đúng. Chúng có vẻ giống như những cây xương rồng miền gió cát, còi cọc vậy rồi âm thầm lớn lên, âm thầm nuôi cái chí học hành để ngày mai tỏa sáng...

 

Trần Cao Duyên

 


.