Phong trào trượt patin: Nhiều mối lo

10:05, 24/05/2013
.

(QNĐT)- Năm nay, phong trào chơi patin tại Quảng Ngãi lại bắt đầu nở rộ. Phong trào này thu hút lượng khách lứa tuổi thanh thiếu niên tham gia khá đông. Tuy nhiên, bên cạnh tác dụng là một môn thể thao còn có nhiều mối lo đến từ phong trào này.


* Nhiều sân patin

Dạo quanh thành phố Quảng Ngãi có thể thấy khá nhiều sân patin đang hoạt  động, một số đang được xây dựng. Thời điểm chuẩn bị vào hè này, các sân patin trở thành nơi tụ tập của đông đảo các bạn trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học sinh cấp II, III.

Các bạn trẻ trượt patin trên đường phố gây nguy hiểm cho người đi đường và bản thân
Các bạn trẻ trượt patin trên đường phố gây nguy hiểm cho người đi đường và bản thân


Em Nguyễn Tiến Luân, một học sinh cấp III cho biết: “Trước đây em rất thích chơi trượt patin nhưng không có sân, tiền mua giày trượt lại quá đắt nên chỉ biết ngậm ngùi xem người ta chơi. Giờ có nhiều sân chơi nên buổi tối em và các bạn hay tới sân chơi vài tiếng. Hè đến rồi, chắc ngày nào em cũng đi trượt”.

Nhận thấy đây là cơ hội kinh doanh, nhiều người đã đầu tư xây dựng các sân patin. Một chủ sân patin cho biết: “Đầu tư một sân patin khá tốn kém, nhất là giày trượt còn mặt bằng phải tìm được nơi rộng rãi. Tôi đã phải đầu tư hơn 500 triệu đồng để mở sân trượt patin này. Hiện mỗi ngày sân tập thu hút 200 - 300 lượt khách”. Với 10 nghìn đồng cho một giờ chơi và có thể thấy doanh thu của cơ sở là không nhỏ. Ngoài việc cho thuê giày, sân trượt, các dịch vụ đi kèm như kinh doanh giải khát, giữ xe... cũng thu lợi nhuận cho sân trượt.

Không chỉ trên địa bàn thành phố, các sân patin cũng đã xuất hiện ở nhiều vùng nông thôn như Mộ Đức, Sơn Tịnh…

Nhiều mối lo

Theo những người trượt patin thành thạo, để trượt patin an toàn và điêu luyện, đòi hỏi người mới bắt đầu làm quen phải tập giữ thăng bằng trên giầy trượt, phải biết giữ tốc độ khi di chuyển, đồng thời phải biết phối hợp nhịp nhàng giữa tay, chân, đầu gối, mắt và tư thế của thân để có động tác trượt đẹp.

Khi đã qua bước cơ bản, từ từ tập các động tác khó như: Trượt lùi, trượt qua các dốc lên - xuống, nhảy lên bậc cao hay vượt qua các chướng ngại vật... Để chơi patin giỏi, người chơi ngoài năng khiếu còn phải thường xuyên kiên trì tập luyện.

So với những trò chơi khác thì patin là môn thể thao lành mạnh với lứa tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên, từ phong trào này cũng đang nảy sinh nhiều mối lo. Theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn những sân trượt patin trên địa bàn thành phố đều chưa đáp ứng yêu cầu an toàn, nhiều cơ sở chỉ đầu tư vào giày trượt chứ ít chú trọng đến sàn trượt. Mặt sàn chủ yếu chỉ được tráng một lớp bê tông rất dễ bị bong tróc.

Hầu hết các sân trượt patin đều không có dụng cụ bảo hộ cho người chơi
Hầu hết các sân trượt patin đều không có dụng cụ bảo hộ cho người chơi


Các dụng cụ bảo hộ bắt buộc trong bộ môn này như mũ bảo hiểm, ốp khuỷu tay, khuỷu chân... hầu như không có. Đặc biệt, tại các vùng nông thôn, sân trượt patin được làm rất tạm bợ, sàn trượt lồi lõm, giày trượt được các chủ sân mua rẻ từ các đại lý giày cũ, hoàn toàn không có thiết bị bảo hộ nào…

Ngoài ra, hầu hết các sân patin đều không có người hướng dẫn tập luyện cụ thể mà chỉ là người chơi trước chỉ vài đường cơ bản cho người mới chơi rồi ra sân tự tập luyện là chính. Do di chuyển với tốc độ cao nên những em mới bắt đầu chơi patin rất dễ bị tai nạn, chấn thương.

 Trường hợp gần đây nhất là cái chết thương tâm của một học sinh cấp III tại huyện Mộ Đức do một lần theo bạn đi trượt patin, vì sân trượt không có mũ bảo hộ nên em học sinh này bị ngã đập đầu xuống đất và ngất xỉu hơn 1 tiếng đồng hồ, vài ngày sau đó em bị đau đầu dữ dội, khi đưa vào bệnh viện cấp cứu được chẩn đoán bị chấn thương sọ não và chết ngay sau đó.

Không chỉ tại các sân trượt patin, có rất nhiều thanh thiếu niên trượt patin trên đường phố gây nguy hiểm cho bản thân và người đi đường. Đã đến lúc cần phải quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh sân patin và phụ huynh cũng cần nhắc nhở quản lý con em tham gia trò chơi này sao cho đảm bảo an toàn cho các em.


Bài, ảnh: Vũ Yến
 


.