Người trẻ gìn giữ võ cổ truyền

10:04, 18/04/2013
.

(QNĐT)- Cả thầy và trò đều rất trẻ. Họ đến với môn võ cổ truyền ngoài niềm đam mê còn vì mong muốn gìn giữ một môn võ tinh hoa của dân tộc. Lớp học võ cổ truyền của chàng thanh niên Nguyễn Tấn Thuận đang là “điểm hẹn” của những người trẻ yêu võ cổ truyền.

TIN LIÊN QUAN


Ngày ngày, cứ 5 giờ chiều, tại Trung tâm Văn hóa- Thể dục thể thao Sơn Tịnh (thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh) lại xuất hiện hơn 50 võ sinh mặc đồng phục xanh, hàng ngũ chỉnh tề thực hiện các bài khởi động. Phía đối diện với các võ sinh, một chàng trai thân hình nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi hô “một, hai, một, hai...”. Chàng trai đó là Nguyễn Tấn Thuận, người được các võ sinh gọi là thầy trong lớp võ cổ truyền này.

 

Thuận đang chỉnh từng động tác của các võ sinh.
Thuận đang chỉnh từng động tác của các võ sinh.


Hỏi chuyện mới biết, Thuận năm nay 30 tuổi (sinh năm 1983). Thuận bảo đến với nghiệp võ cũng thật tình cờ. Năm 2004, xuất ngũ nhưng chẳng có nghề nghiệp gì trong tay, Thuận loay hoay tìm hướng đi cho cuộc đời mình. Bôn ba khắp các thành phố lớn với đủ thứ nghề không đầu không cuối. Chán. Thuận quay lại quê nhà.

Những ngày tháng “ăn không ngồi rồi” đã hun đúc niềm đam mê võ cổ truyền trong Thuận. Rồi Thuận lần tìm ra tận huyện Bình Sơn để tầm sư. Sau hai năm miệt mài khổ luyện, lò võ của thầy Giang đã giúp Thuận có được những nền tảng vững chắc về võ cổ truyền.

Thuận bảo: “Học võ là để rèn luyện thân thể. Nhưng mình còn muốn truyền lửa cho các bạn trẻ để cùng giữ gìn môn võ cổ truyền của dân tộc”. Thế là năm 2010, Thuận xin phụ dạy cho một thầy ở TP. Quảng Ngãi. Những năm tháng tại đây đã giúp Thuận ngộ ra nhiều điều. “Nếu dạy võ mà chỉ nghĩ đến kinh tế thì sẽ chẳng bao giờ thành công. Trước tiên, người dạy phải truyền được đam mê cho võ sinh, tận tình chỉ bảo từng động tác, kĩ thuật, nhất là phải gieo được vào lòng các võ sinh “đạo của người học võ”. Sao cho người học thấy được cái hay, cái nổi trội của môn võ cổ truyền dân tộc so với các môn võ khác”- Thuận chia sẻ.

Thuận bảo, các bài võ cổ truyền không chỉ nằm trong các quyền thế, mà còn hàm chứa những đòn thế tuyệt kỹ. Võ cổ truyền của Việt Nam rất đặc thù. Tấn pháp rất chắc chắn, thân pháp uyển chuyển, đa dạng, di chuyển tiến thoái nhu cương song toàn. So sánh với Karatedo, Taekwondo… võ cổ truyền Việt Nam có đặc trưng lấy yếu thắng mạnh, lấy nhu thắng cương, lấy ngắn thắng dài.

Ngẫm nghĩ mãi, Thuận quyết định: Mở lớp võ cho riêng mình. Lại tiếp tục tầm sư. Nhưng lần này, Thuận khăn gói ra Đà Nẵng học võ để tìm cho mình chứng chỉ được phép đứng lớp dạy võ. Ba tháng trôi qua, Thuận trở về Quảng Ngãi với mục tiêu tạo ra lứa võ sinh thừa đam mê và giàu tinh thần võ học.

Chưa có nhiều tiền, Thuận phải tự tay làm thảm, binh khí, áo giáp... Những buổi tối một mình ngồi chỉnh sửa từng đôi găng tay cũ đã giúp Thuận thêm yêu nghiệp võ hơn. Rồi lớp học cũng được mở trong niềm vui sướng của Thuận.

Nếu như ngày đầu chỉ có 2 học viên, thì đến nay số võ sinh trong lớp của Thuận đã lên đến 50 người. Hầu hết các em đều là học sinh, sinh viên, nam có, nữ có. Ai đến với môn võ cổ truyền cũng để thỏa đam mê và rèn luyện sức khỏe.

Em Châu Đại Vũ, sinh viên năm nhất Đại học Phạm Văn Đồng, vừa đeo găng cho bạn, vừa cho biết: “Phái võ này hợp với thể trạng người Việt. Những động tác bay, nhảy, kẹp cổ… trong lúc tập võ giúp cơ thể thả lỏng, gân cốt được kéo giãn. Việc học võ không chỉ để rèn luyện sức khỏe, tinh thần mà còn là để những người trẻ như chúng em thể hiện trách nhiệm với tiền nhân, những người đã sáng tạo ra môn võ tuyệt kĩ này”.

Nhìn cách các bạn trẻ chăm chút cho từng áo giáp, binh khí của nhau mới thấy hết đam mê của họ. Thuận tâm sự: “Các bạn trẻ tìm đến lớp võ để giải tỏa áp lực trong công việc, học tập; đồng thời tăng khả năng tự vệ. Điều quan trọng hơn, các bạn trẻ rèn được đức tính kiên trì, nhẫn nại và tinh thần tự tôn dân tộc”.

 

Các em đến với môn võ cổ truyền cũng vì tình yêu và cũng vì thấy được tinh thần cao thượng của người học võ.
Các em đến với môn võ cổ truyền cũng vì tình yêu và cũng vì thấy được tinh thần cao thượng của người học võ.


Thuận chia sẻ, học phí chỉ vài chục ngàn đồng một tháng, nhưng có những em vì gia cảnh khó khăn cứ “thầy ơi cho em nợ”. Mình cho luôn. “Các em đến với môn võ cổ truyền cũng vì tình yêu và cũng vì thấy được cái tinh thần cao thượng của người học võ. Dạy võ mà nghĩ đến lợi nhuận sao được”- Thuận cười hiền.

Lớp võ của thầy Thuận còn là nơi các bậc phụ huynh yên tâm để con mình đến học. Chị Nguyễn Thị Lan (thị trấn Sơn Tịnh, Sơn Tịnh) cho biết: “Chiều nào mình cũng chở con đến tập võ để giúp cháu khỏe mạnh và bền bỉ hơn. Từ ngày cháu tập võ, về nhà ngoan lắm, lại lễ phép nữa, chứ không lầm lì như trước. Nghe nói thầy Thuận không chỉ dạy võ mà con chỉ bảo các cháu sống sao cho phải đạo nữa”.

Gắn bó với nghiệp võ không đem lại cho Thuận danh tiếng hay tiền tài. Nhưng được nhìn các bạn trẻ miệt mài tập luyện võ cổ truyền mỗi ngày, chắc chắn giúp Thuận thanh thản với quyết định của mình. Có những tình yêu không thể quy đổi bằng vật chất. Và tình yêu với võ cổ truyền của Thuận, có lẽ là thứ tình yêu trong sáng ấy.



Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU
 


.