(QNg)- Ước mơ từ thuở chăn bò của cậu bé nhà nghèo lớn lên sẽ trở thành một bác sĩ giỏi chữa bệnh cho thật nhiều người nghèo. Để rồi, ngã rẽ cuộc đời đã đưa anh đến với người nghèo nhưng không phải là chăm lo sức khỏe cho người dân mà đi nghiên cứu lai tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả cho người nông dân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Không chỉ vậy, anh còn về với nông dân cầm tay, chỉ việc giúp người nông dân nghèo tìm kế sinh nhai thoát nghèo bền vững. Anh là kỹ sư Đỗ Kim Cường - Phó phòng Kinh tế kỹ thuật, Trung tâm hỗ trợ Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Dung Quất.
Ngã rẽ…
"Học hết 12, ước mơ lớn nhất của mình là thi đỗ vào ngành bác sĩ đa khoa Trường ĐH Y dược Huế, thế nhưng kết quả "rớt cái tỏm". Chán. Suốt ngày nằm lì trong nhà. Thấy mình buồn, bạn bè, cha mẹ động viên nộp nguyện vọng 2 vào Trường ĐH Nông lâm Huế. Lúc đó, cứ nghĩ đi học cho đỡ buồn, ai ngờ vào học rồi, càng học càng thích cái nghề "không mong muốn này" - anh Cường tâm sự.
Kỹ sư Đỗ Kim Cường (bìa phải) hướng dẫn cho một thanh niên phương thức trồng và chăm sóc cây hoa phong lan. |
Bốn năm dùi mài đèn sách, ngày ra trường Cường cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi trên tay và một khát vọng mới "cháy" lên trong chàng cử nhân trẻ . Vừa về quê, người thân bảo ở Trung tâm giống cây trồng vật nuôi Quảng Ngãi đang tuyển người. "Mình làm ngay bộ hồ sơ và mang đi nộp, hai ngày sau nhân viên Trung tâm gửi giấy mời lên cơ quan nhận việc. Câu đầu tiên các anh chị nói với mình: "Kỹ sư nhưng nhận lương thấp đó". Ban đầu mình suy nghĩ dữ lắm, có nên tiếp tục công việc mới này hay không, hay là tìm một chỗ làm khác lương cao hơn. Nhưng rồi, những ngày vào làm việc, được tự tay tiêm thuốc cho đàn gà của bà con nông dân quanh thị xã Quảng Ngãi, được về với những ruộng rau xanh mướt ở các xã ven sông Trà hướng dẫn người dân mô hình trồng rau sạch dần dà đã làm mình "mê" công việc này" - Cường chia sẻ.
Thế nhưng, ngã rẽ lại tiếp tục đến với Cường. Sau 14 năm gắn bó với Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh, Cường nhận ra một điều, đó là tại sao người nông dân cần mẫn cày sâu, cuốc bẫm mà vẫn nghèo, trong khi đất đai có nhưng người nông dân không biết cách nào để làm giàu. Nhiều đêm thức trắng Cường đưa ra một quyết định khiến nhiều người bất ngờ: Chuyển công tác.
"Lúc đó, mình muốn tìm một nơi nào đó phù hợp hơn và tập trung sâu vào nghiên cứu để tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi hiệu quả nhất và mình đã chọn Trung tâm Nông Lâm nghiệp Dung Quất" - anh Cường cho biết. Và từ đây những sản phẩm nông nghiệp được chính Cường và đồng nghiệp nghiên cứu, lai tạo đã mang lại niềm vui mới cho nhiều hộ dân ở Khu Kinh tế Dung Quất
Về với nông dân
Chúng tôi gặp Cường, khi anh đang hì hục làm cỏ cho ruộng bắp lai vừa lai tạo thành công. Trên người bộ quần áo công nhân màu xanh cũ bạc màu, mồ hôi nhễ nhại. Thấy chúng tôi, Cường hào hứng cho biết, để nghiên cứu giống bắp lai cao sản này, anh và đồng nghiệp phải mất hơn một năm thai nghén và bắt tay vào nghiên cứu. Vừa nói, Cường vừa dẫn chúng tôi tham quan vườn bắp anh đang trồng thử nghiệm sai quả. "Tạo ra giống bắp lai cao sản thì dễ rồi, nhưng phải làm sao để khi đưa vào sản xuất phải cho năng suất cao nhất. Khi nghiên cứu phải tính đến cây bắp có thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng ở đây hay không, ngoài ra phương thức canh tác cũng khác so với mọi nơi vì thời tiết cũng quyết định một phần. Do vậy mà một khi đưa sản phẩm sau nghiên cứu vào ứng dụng trong nhân dân thì phải chắc chắn hiệu quả" - Cường nói.
Với những nông dân sống ở Khu Kinh tế Dung Quất, chuyên về chăn nuôi gia súc, gia cầm hay trồng hoa cảnh đều quen mặt chàng kỹ sư lúc nào cũng quần ống thấp, ống cao và đôi khi xắn quần lên tận gối lội xuống ruộng bùn chỉ cho người dân cách chăm sóc cây lúa trong giai đoạn làm đòng. Đôi khi người dân gặp "khó" vấn đề nào đó trong chăn nuôi hoặc cây hoa, cây bắp trồng hoài không lớn, chỉ cần nhấc điện thoại lên là Cường sẽ có mặt ngay. Ba năm làm việâc tại Trung tâm, Cường và đồng nghiệp đã nghiên cứu, lai tạo ra hàng chục sản phẩm mang lại hiệu quả cao. Trong số đó phải kể đến như hoa lay ơn trên vùng đất pha cát, cúc vàng, mì cao sản (sắn), bắp lai…
Ngoài ra, nhiều giống vật nuôi hiệu quả như trùn quế, cá diêu hồng, cá chình cũng được nuôi thử nghiệm thành công và sau đó triển khai đại trà trong dân.
Không chỉ mày mò, nghiên cứu tạo ra những sản phẩm mang lại lợi ích cho hàng trăm người dân phải di dời nhường đất xây dựng các công trình trong Khu Kinh tế Dung Quất mà Cường và đồng nghiệp còn vào tận các thôn, xóm gặp gỡ người dân để hướng dẫn phương pháp nuôi trồng hiệu quả.
Điển hình như cây hoa cúc, từ trước đến nay vùng đất khu Đông huyện Bình Sơn luôn được xếp vào dạng "khó sống". Thế nhưng, nhiều năm qua, những sản phẩm được Trung tâm nghiên cứu đưa vào thực tiễn đã mang lại một màu sắc tươi mới. Chính hoa cúc được trồng trên vùng đất khó đã tô thắm lộng lẫy mỗi khi xuân về trên đất Vạn Tường.
LÊ ĐỨC