Vừa trở về sau kỳ thi đại học căng thẳng nhưng Trần Xuân Bách (Thủ khoa Trường Đại học Y Hà Nội với 30 điểm và Á khoa Đại học Bách khoa với 28 điểm) đã lại tất tả giúp mẹ những công việc đồng áng.
Dù ham thích đá bóng, cầu lông, tập võ như bao thanh niên khác, nhưng đã đi làm với mẹ thì bạn bè có đứng bờ ruộng í ới rủ đi chơi, Bách cũng nhất quyết từ chối. Bách cuốc đất, trồng rau rất thành thạo, có điều là để vừa với vóc dáng cao 1m85 của Bách thì cái cán cuốc phải được bố thửa riêng…
Mong con được như... Bách "ngố"
Bách chăm học, nhưng việc nhà cũng chăm nên ngày nào cậu cũng mang theo sách vở ra đồng, lúc nghỉ giải lao lại lao vào ôn bài. Nhiều bữa đang ngồi học nhưng thấy mẹ tất tả ra đồng Bách lại buông bút sách ra giúp mẹ, khiến ai nhìn thấy cũng phải trầm trồ khen họ Trần có phúc sinh được người con hiếu thảo. Trước kỳ thi, không chỉ bố mẹ khuyên can con bớt việc nhà, mà ông nội cũng chống gậy sang, cấm "cậu cả ngố" không được ra ruộng để tập trung ôn thi. Thế mà vừa thi xong môn cuối cùng, về đến nhà, buổi chiều đã thấy Bách lúi húi ngoài ruộng.
Thủ khoa Bách đang cùng mẹ ra đồng. |
Đến xã Chu Minh, huyện Ba Vì hỏi nhà Thủ khoa Trần Xuân Bách không mấy khó khăn, nhiều người còn tình nguyện đưa đường cho nhà báo đến tận chân ruộng nơi Bách và mẹ đang làm việc đồng áng. Bà Trần Thị Thái (73 tuổi) tự hào cho biết: "Làng tôi tốt phúc thế mới sinh ra người tài cho quê hương đất nước như vậy. Từ bé cháu Bách đã chăm chỉ, học giỏi lại hiếu thuận với ông bà, cha mẹ. Cả làng cứ bảo nhau sinh con, đẻ cháu cứ được như cháu Bách "ngố" là có phúc. Gọi thế thôi nhưng cháu nó chẳng ngố tẹo nào". Mấy tuần nay, dân xóm Trại đi đâu cũng bàn tán: "Thằng Bách "ngố" thế mà giỏi, suốt ngày cuốc đất trồng rau mà vẫn đậu thủ khoa". Bà Trần Thị Thu, mẹ Bách không giấu nổi niềm tự hào khi nhận những lời khen chân thành của bà con. Bà nói: "Dù biết là cháu Bách đỗ cao nhưng lúc nào tôi cũng phải dặn cháu không được kiêu căng, phải chí thú học hành, sau này dù đi đâu về đâu cũng phải nhớ tới quê hương, đất nước thì mới mong thành tài".
Bí quyết thành tài
Bà Thu kể, Bách ham hiểu biết nên thấy chuyện gì lạ cũng hỏi, chỉ khi người lớn trả lời rõ ràng mới chịu thôi. Bách hỏi mẹ đủ thứ, từ việc vì sao chuồn chuồn cắn rốn lại biết bơi cho đến "vì sao cây lúa lại mọc dưới ruộng, cây tre lại mọc trên đồi"... Nhiều câu hỏi mẹ cũng chẳng trả lời được nên Bách lân la sang nhà ông nội, nhà hàng xóm để hỏi cho ra nhẽ. Rồi cái biệt danh "Bách ngố" loang khắp làng trên, xóm dưới.
Như cây lúa được chăm bẵm tốt, Bách lớn lên như thổi, lúc nào cũng giữ vị trí "thủ khoa" về chiều cao so với các bạn cùng trang lứa. Nhưng cái tính ham hiểu biết, hay hỏi và biệt danh "ngố" thì đã gắn chặt với cậu. Đầu năm lớp 10, Bách đã tâm sự với các bạn rằng quyết thi đỗ y khoa để sau này làm bác sĩ. Ước mơ cháy bỏng này xuất phát từ khi Bách xót xa nhận thấy bố gầy rộc, sức khỏe giảm sút do công việc lái xe phải đi sớm về khuya, lại thêm chứng đau lưng hành hạ. Bách muốn trở thành bác sĩ để chăm lo tốt hơn cho sức khỏe của bố và giúp được nhiều người nghèo. Quyết định này được cả họ, từ ông nội đến bố mẹ và bà con chòm xóm hết sức ủng hộ.
Ngôi nhà gia đình Bách đang ở xây cách đây 5 năm, hoàn thiện dở do hết kinh phí. Trước đó, cả nhà 4 người quây quần sống trong gian nhà tuềnh toàng, gia tài vỏn vẹn chiếc giường cũ và bộ chõng tre bố tự đóng. Thương bố mẹ phải thức khuya, dậy sớm Bách thường sang ngủ với ông bà nội gần đó để tranh thủ học được nhiều hơn. Hồi học lớp 4, có một bài toán rất khó làm Bách loay hoay mãi, tới mười một giờ đêm ông nội giục đi ngủ, Bách nghe lời nhưng chỉ lát sau lại dậy chong đèn cố giải nhưng không được, cậu liền ngồi khóc tấm tức bên trang vở. Thấy cháu có chí, ông nội động viên: "Nếu khóc mà xong được bài thì cháu hãy khóc". Được ông động viên, Bách đã thức trắng đêm, giải bằng được bài toán đó. Suốt mấy năm học THPT, Bách không đi học thêm ở đâu mà học sách giáo khoa là chủ yếu. Nhiều lần gặp bài toán khó, cả đêm cậu trằn trọc không ngủ, chỉ nằm thở dài. Sáng hôm sau, Bách đứng đợi ở cổng Trường THPT Quảng Oai (Ba Vì) từ sớm, chờ thầy cô đến để nhờ giảng bài cho bằng hiểu mới chịu thôi.
Trở thành thủ khoa ĐH, được nhiều người biết đến nhưng Trần Xuân Bách tự nhận "không có thành tích học tập nổi bật". Hồi tiểu học cũng có tham gia một số kỳ thi học sinh giỏi, bẵng đi một thời gian, do bách ham chơi điện tử nên học hành cứ sa sút dần. Thương con, bố mẹ hứa sắm cho chiếc máy tính xách tay nếu cậu từ bỏ chơi điện tử, học hành nghiêm túc. Lời hứa đó phải sau hơn 5 năm mới thực hiện được. Từ chỗ học hành chểnh mảng, chỉ đạt học sinh tiên tiến ở cấp THCS, Bách đã tự vươn lên thành học sinh giỏi liên tục trong những năm học THPT. Lên lớp 12 Bách đi thi và giành luôn giải nhì học sinh giỏi toán toàn thành phố. Nói về bí quyết học tập của mình, Bách tâm sự: "Tài liệu học tập của em rất ít, hầu hết là sách giáo khoa và các bộ đề thi của các năm trước. Em học rất kỹ những kiến thức cơ bản, bởi đó là nội dung cốt lõi, có thể áp dụng cho hầu hết các câu hỏi trong đề thi đại học. Bên cạnh đó, món quà của bố mẹ là chiếc máy tính xách tay đã cho em nhiều kiến thức để học và thi trực tuyến. Ham học rồi thì cũng chẳng còn ham chơi điện tử nữa". Hóa ra bí quyết của thủ khoa cũng chẳng phải cao xa gì, cũng chẳng cần phải tối mắt tối mũi nhồi nhét kiến thức trong các lò luyện thi. Tất cả đều xuất phát từ nghị lực và một trái tim khát khao vươn lên. Theo Bách "ngố" ai cũng có thể trở thành thủ khoa nếu như nắm vững tất cả những kiến thức cơ bản được dạy ở trường.
Trường THPT Quảng Oai trước đây cũng đã từng có nhiều học sinh đỗ cao, nhưng đỗ thủ khoa với số điểm tuyệt đối thì Bách là học sinh đầu tiên. Kỷ lục này không chỉ với nhà trường mà Bách đã ghi danh mình là thủ khoa 30 điểm tuyệt đối đầu tiên của các tỉnh, thành phía Bắc. Cô Lê Thị Bích Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A3 của Bách tự hào kể về học trò: "Bách được bầu làm lớp phó học tập suốt 3 năm học. Em rất hiền lành, kiệm lời, không bao giờ tỏ ra kiêu căng. Tôi là người đầu tiên gọi điện báo tin đỗ thủ khoa, em còn không tin là sự thật. Bách đỗ thủ khoa, cả trường ai cũng mừng nhưng không bất ngờ lắm vì đã biết cậu trò đặc biệt này sẽ làm nên kỳ tích". Không chỉ cô chủ nhiệm gọi điện báo tin mà sau đó nhiều anh chị phóng viên gọi điện chúc mừng và hẹn phỏng vấn nhưng Bách vẫn nghĩ họ nhầm với ai đó. Đến tối hôm đó, sau khi lên mạng xem điểm thi Bách mới tin là sự thật... Bách chia sẻ thêm: "Em nghĩ đỗ thủ khoa nhưng đó chỉ là cái mốc quan trọng mà em đã vượt qua, để đạt được ước mơ của mình, em còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa".
Theo Hà Nội mới