Sáng kiến triệu đô

07:06, 30/06/2012
.

(QNĐT)- Chỉ từ một sáng kiến của nhóm kỹ sư trẻ Nhà máy lọc dầu Dung Quất mà mỗi năm, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã lợi nhuận thêm từ 7 triệu USD-10 triệu USD. Đó chính là công trình “Nghiên cứu điều kiện hoạt động của cụm phân xưởng Reforming xúc tác (CCR) và công thức pha trộn xăng nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi xăng thương phẩm”.

Sau gần 3 năm kể từ khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động (tháng 2 năm 2009) đã có hàng chục sáng kiến cải tiến kỹ thuật của các kỹ sư trẻ đưa ra nhằm tối ưu hóa quá trình vận hành nhà máy. Và sáng kiến “Nghiên cứu điều kiện hoạt động của cụm phân xưởng Reforming xúc tác (CCR) và công thức pha trộn xăng nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi xăng thương phẩm từ nhà máy lọc dầu Dung Quất” của nhóm kỹ sư trẻ gồm Bùi Đức Việt, Đỗ Văn Thức, Võ Duy Bảo Sơn, Đỗ Đức Nhuận, Nguyễn Bá Trí Quang, Nguyễn Đức Hữu, và các kỹ sư khác đã tạo được bước đột phá mới trong công nghệ lọc hóa dầu.

Sáng kiến này cũng đã vượt qua hàng trăm sáng kiến khác trong cả nước để được vinh danh trong cuộc thi sáng tạo ngành dầu khí Việt Nam tổ chức tại thủ đô Hà Nội cuối năm 2011. “Sáng kiến này của kỹ sư Việt và cộng sự Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn trong khi vẫn đảm bảo chất lượng đầu ra của sản phẩm Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

 

Nhóm kỹ sư trẻ
Kỹ sư Bùi Đức Việt (thứ 2 từ phải sang) cùng nhóm kỹ sư trẻ đang triển khai một số sáng kiến mới để đưa vào vận hành


Kỹ sư Bùi Đức Việt, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, mục đích của việc nghiên cứu đề tài này là nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi xăng thương phẩm và đảm bảo an toàn của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Theo thiết kế, xăng từ NMLD Dung Quất được sản xuất từ 4 thành phần phối trộn chính, đó là: xăng từ phân xưởng Reforming xúc tác; xăng từ xưởng của quá trình Isome hóa; xăng từ phân xưởng cracking xúc tác; và hỗn hợp Hydro Cacbon.  

Thời gian qua, do nhu cầu của thị trường và khả năng phân phối đối với xăng A95 còn hạn chế nên NMLD Dung Quất chủ yếu phối trộn xăng A92 thương phẩm, làm tổn thất một lượng lớn trị số ốc tan dẫn đến hao tổn chi phí của Nhà máy trong quá trình sản xuất. Khắc phục hạn chế này, nhóm kỹ sư đã nghiên cứu và đề xuất giải pháp trộn trực tiếp một phần xăng thô từ phân xưởng xử lý naphtha bằng hydro vào xăng thương phẩm.

Đồng thời điều chỉnh thông số vận hành nhằm cân bằng trị số ốc tan trong quá trình lọc dầu. Nhờ đó đã nâng cao hiệu suất thu hồi xăng thương phẩm nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật mới nhất đối với xăng A92 và A95 của thị trường Việt Nam. Kỹ sư Bùi Đức Việt cho hay: Nghiên cứu của nhóm đã đưa vào thực tế sản xuất và đã cân bằng được xăng 95 và 92 theo thị trường Việt Nam.

Trị số ốc tan của xăng hoàn toàn thoả mãn đúng theo thị trường và theo đó tổng lợi nhuận của Nhà máy được tăng lên. Ba kỹ sư trẻ Việt, Thức và Hữu rất vui mừng khi Ban lãnh đạo Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho áp dụng chạy thử và thành công. Đến tháng 6/2010 công trình sáng kiến của các anh đã được chính thức áp dụng tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

 

Một trong những phân xưởng của Nhà máy
Một trong những phân xưởng của Nhà máy


Ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lọc Hóa dầu Bình Sơn cho biết, công trình nghiên cứu của các kỹ sư trẻ này đã giảm hao tổn cho Nhà máy từ 7-10 triệu đô la Mỹ/năm, tương đương khoảng 150 tỷ - 200 tỷ đồng Việt Nam.

Sáng kiến này đã giúp tăng hiệu quả về tổng thể, đáp ứng một cách linh động yêu cầu của thị trường về sản phẩm xăng dầu, đồng thời nó đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo một cú hích cho phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong toàn nhà máy, qua đó tạo được điểm nhấn để các công nhân, kỹ sư noi theo.

Kỹ sư Đỗ Văn Thức, một thành viên tham gia sáng kiến này cho biết, chính những phong trào thi đua của Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam và Ban lãnh đạo Công ty phát động đã tạo động lực cho anh em kỹ sư, công nhân tìm tòi, sáng tạo. Tuổi trẻ Việt Nam không những học hỏi, tiếp nhận chuyển giao công nghệ  từ các chuyên gia nước ngoài, mà còn sáng tạo trong quá trình lao động để làm chủ công nghệ, làm chủ nhà máy.

Vì vậy sau khi thành công với công trình sáng kiến đem lại lợi ích hàng trăm tỷ đồng, nhóm kỹ sư trẻ này đã tiếp tục nghiên cứu một số sáng kiến mới như: Xây dựng hệ thống mô phỏng công nghệ cho nhà máy; Tăng hiệu suất thu hồi propylene; tối ưu hóa vận hành phân xưởng Isom; tối ưu hóa phân bố nhiệt ở phân xưởng CDU và nhiều nghiên cứu khác.

Công nghệ lọc hóa dầu đến thời điểm này vẫn là lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam. Cách đây 3 năm, khi công trình Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, công trình lọc dầu đầu tiên của Việt Nam được hoàn thành và đưa vào vận hành, những chuyên gia nước ngoài đã từng có nhiều lời khen ngợi về sự tiếp thu công nghệ nhanh chóng của tập thể kỹ sư trẻ người Việt. Nay, với công trình về phối trộn xăng nâng cao hiệu quả thu hồi xăng thương phẩm của 3 kỹ sư trẻ Việt Nam, đã thêm một lần nữa gây ngạc nhiên cho những chuyên gia nước ngoài.

Ông Harrrie Van Kolok- Chuyên gia về lọc hóa dầu người Hà Lan, hiện đang làm việc cho công ty (KBC) tư vấn về lọc hóa dầu của Vương quốc Anh cho biết, ông đã có 17 năm làm việc trong lĩnh vực tư vấn lọc hóa dầu tại một số nước như Đức, Slovakia, Bĩ, Hy Lạp, Pháp, Nigeria, Úc… Khi đến tư vấn và chuyển giao công nghệ về lọc hóa dầu cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, ông rất bất ngờ vì sự tiếp thu nhanh của  các kỹ sư ở đây, nhất là việc đưa ra sáng kiến hay làm lợi cho nhà máy trên 7  triệu USD/năm .

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, hiện có hơn 1.000 kỹ sư, công nhân từ khắp mọi miền đất nước về làm việc và thử sức trong môi trường sáng tạo. “Biểu tượng công nghiệp Việt Nam” – câu slogan đang chạy trên website của Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã thể hiện phần nào khát vọng của đội ngũ cán bộ, kỹ sư trẻ tuổi ở đây. Sáng tạo là đường đi, là những con đường mới mà tuổi trẻ ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất muốn tìm ra, để chinh phục được những đỉnh cao của công nghiệp Việt Nam vốn vẫn còn non trẻ.



                        Xuân Từ

                        

 


.