(QNg)- Năm 2012 là năm các cấp bộ đoàn tiến hành Đại hội tổng kết nhiệm kỳ 2007 - 2012. Cần phải tổ chức sao cho đại hội của tuổi trẻ thực sự là đợt hoạt động chính trị cao điểm, gắn với hành động thiết thực của mỗi đoàn viên, thanh niên, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế xã hội quê hương, đất nước.
Theo số liệu của Ban tổ chức Tỉnh đoàn, đến nay, các cơ sở đoàn ở xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã đại hội xong. Nhìn chung, các đại hội Đoàn đều hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra. Điểm mới, tiến bộ là tỷ lệ chi đoàn và đoàn cơ sở được chỉ đạo bầu bí thư trực tiếp tại đại hội khá nhiều; số cán bộ đoàn trong độ tuổi đoàn viên được cơ cấu vào ban chấp hành chiếm hơn 65%. Bí thư, phó bí thư đoàn cơ sở cơ bảo đảm bảo độ tuổi theo quy chế cán bộ Đoàn.
Đoàn viên thanh niên tham gia chiến dịch thanh niên tình nguyện ở Trà Quân. |
Tuy nhiên, để phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ đến thực sự trở thành hành động của tuổi trẻ, các cấp ủy đảng nên yêu cầu ban chấp hành Đoàn phải có kế hoạch hoạt động cụ thể hàng năm, sát với chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ và nghị quyết HĐND ở địa phương. Điều này là cần thiết, bởi vì qua thực tế, có lần đi cơ sở kiểm tra phong trào, khi hỏi về các tiêu chí, chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà HĐND xã thông qua, cán bộ Xã đoàn rất lơ mơ, dường như cho đó là việc của Đảng ủy, UBND xã. Còn đoàn thanh niên thì cứ lo hô hào ra quân, diễu hành, xin kinh phí làm văn nghệ, bóng đá là quá sức lắm rồi.
Chất lượng cán bộ Đoàn là vấn đề cần chú ý. Theo quy chế cán bộ Đoàn quy định, muốn cơ cấu chủ chốt đoàn cấp trên thì phải kinh qua cán bộ đoàn cấp dưới hoặc cấp phó. Đây là quan điểm cán bộ rất đúng đắn theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cán bộ phải trưởng thành từ phong trào thực tiễn. Tuy vậy, khá nhiều cơ sở lại đưa vào danh sách bầu bí thư, phó bí thư đoàn là những người trước đó chưa tham gia công tác đoàn, không có uy tín với thanh niên. Lý do vì những người hoạt động tích cực, đoàn viên tín nhiệm thì quá tuổi, phải đưa người trẻ vào, hoặc có lý do "tế nhị" không phải là hiếm, vì những cán bộ này là "nguồn" của xã. Cơ cấu cán bộ đoàn kiểu như vậy thì sau đại hội đoàn, phong trào tuổi trẻ sẽ khó mà mạnh lên được. Sau đại hội Đoàn ở một số xã, chúng tôi có gặp và trao đổi với các đại biểu, thì biết được đoàn viên cảm thấy băn khoăn trong công tác nhân sự của Đoàn. Sự bất hợp lý là có nhiều trường hợp cán bộ đã hơn 2 nhiệm kỳ là phó bí thư đoàn xã, nhiệt tình, làm công tác đoàn tốt, nhưng vì bí thư chưa chuyển được, nên phải làm phó, không được hưởng biên chế. Nay bí thư cũ chuyển đi, lại đưa người khác chưa từng làm đoàn thay thế, được vào biên chế. Còn phó bí thư đoàn xã kia không biết bố trí ở đâu dù đoàn viên tín nhiệm, đành phải chia tay phong trào đoàn, dẫn đến tư tưởng đoàn viên thanh niên sau đại hội sẽ phân tán.
Thiết nghĩ, cấp ủy cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn vừa đủ chuẩn về độ tuổi, có tính kế thừa, vừa tạo môi trường rèn luyện, trưởng thành qua công tác. Từ kinh nghiệm thực tiễn, nơi nào cán bộ Đoàn nhiệt tình với phong trào, có sức hút, tập hợp được thanh niên thì phong trào nơi đó mới phát triển. Vì vậy phải có chiến lược về công tác cán bộ Đoàn, bắt đầu từ bước lựa chọn cán bộ ngay từ cán bộ đoàn trường phổ thông. Những học sinh là bí thư chi đoàn lớp 10, 11, 12, ủy viên thường vụ đoàn trường cấp III, có khả năng, nguyện vọng công tác đoàn sẽ được định hướng quy hoạch, cho đi đào tạo từ khi mới tốt nghiệp phổ thông, để khi 20, 21 tuổi bố trí làm phó bí thư, bí thư đoàn cơ sở, sau đó 5, 7 năm, trở thành cán bộ đoàn cấp trên. Làm cán bộ đoàn phải có uy tín và trách nhiệm, vì vậy cần thiết là phải lấy phiếu tín nhiệm của đoàn viên trước khi đưa vào danh sách bầu bí thư, phó bí thư đoàn, để chọn được người mà tuổi trẻ cần chọn.
Bài, ảnh: TRỊNH CÔNG