*Thanh Thảo
(QNĐT)- Điều ngạc nhiên đầu tiên khi tôi tới làm việc tại Chi cục hải quan cửa khẩu (HQCK) cảng Dung Quất là gặp toàn thanh niên nam nữ đang ngồi nghiêm chỉnh trước bàn máy vi tính. Cứ nghĩ, hải quan là phải chạy đôn chạy đáo, kiểm tra xe này, thông quan tàu nọ, tay gõ miệng la…Nào ngờ, các cán bộ trẻ làm việc trong phòng vi tính lặng lẽ, ai phần việc nấy, cứ như ở một công ty tin học.
TIN LIÊN QUAN |
---|
*Hải quan điện tử:
Chi cục trưởng Trần Anh Quân có lẽ là người lớn tuổi nhất ở Chi cục, nhưng còn khướt mới tới tuổi… về hưu. Anh Quân vui vẻ nói: “Đúng là ngày xưa làm hải quan là phải chạy đôn chạy đáo thật, nhưng bây giờ khác lắm rồi anh ạ! Nếu ngày xưa mình gửi một bức thư cho người thân cứ phải chạy ra bưu điện mua tem mua phong bì rồi mới bỏ vào thùng thư gửi, thì bây giờ cứ ngồi trước máy vi tính có nối mạng internet rồi… gõ. Vèo một cái, thư mình đã tới địa chỉ người nhận. Chúng tôi thực hiện quy trình thông quan điện tử cũng đã nhiều năm nay, cách làm với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK) cũng tương tự như vậy”.
Cán bộ Cục Hải quan Quảng Ngãi tư vấn cho DN thực hiện thông quan điện tử. Ảnh TL |
Từ năm 2010 cho tới nay, việc hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện khai hải quan điện tử qua mạng đã được tiến hành đều đặn, và hầu hết các tờ khai hải quan đều được thực hiện khai hải quan điện tử thuộc các loại hình như kinh doanh, gia công, sản xuất xuất khẩu.
Tôi đã dừng lại khá lâu trước máy tính của một cán bộ trẻ, và yêu cầu anh cho xem việc cập nhật các tờ khai hải quan điện tử theo ba luồng màu: Xanh, đỏ, vàng. Chỉ trong chớp mắt, trước mắt tôi đã hiện lên những thông tin về doanh nghiệp khai thông quan hải quan: Hầu hết các doanh nghiệp đều có màu xanh-là màu an toàn “không có vấn đề gì”-màu cho phép thông quan lập tức.
Anh Quân nói: Khoảng trên 60% doanh nghiệp khai báo thông quan có được “màu xanh” này. Còn “màu đỏ” là màu “dừng lại, kiểm tra” vì có nghi vấn, màu đỏ chỉ chiếm khoảng 10-14%. Nhưng với những thông tin các doanh nghiệp có “màu đỏ”, chi cục hải quan phải lập tức kiểm tra trực tiếp, vì “có vấn đề”. Còn với “màu vàng”-một hình thức “màu chuyển tiếp”- thì vẫn có sự để ý và xem xét trước khi cho thông quan. Với phần mềm này, cán bộ chi cục đã khá dễ dàng để làm việc, khi sự phân loại hiện lên rất rõ qua các “màu”.
Tôi hỏi anh Quân: Làm sao để có những thông số từ đó làm hiện lên các “màu” khác nhau này một cách trung thực nhất? Anh Quân vui vẻ: “Qua tờ khai điện tử, chúng tôi phân loại được từ xuất xứ các doanh nghiệp, xuất xứ hàng hóa, những mặt hàng nào thuộc loại “nhạy cảm”, tới “lý lịch” của doanh nghiệp. Từ những thông tin tổng hợp ấy, sự phân loại hình thành và các “màu” hiện lên trên bảng điện tử”.
Tôi vẫn chưa hết thắc mắc: “Nhưng nếu có doanh nghiệp khai thông quan mặt hàng này nhưng dấu trong các container của họ là những… mặt hàng khác, kể cả mặt hàng cấm, thì sao?”. Anh Quân nói: “Đúng là có thể có những trường hợp ấy. Các chỉ thị màu có thể cho chúng tôi biết một phần nào sự nghi vấn. Và những thông tin từ bên ngoài sẽ cung cấp thêm để chúng tôi có cách kiểm tra và xử lý kịp thời”.
Chỉ qua một vòng của phòng thông quan điện tử, đã có thể hình dung được công việc hiện tại của cán bộ Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Dung Quất. Mới nhìn có vẻ nhàn hạ, vì toàn thao tác trên máy vi tính, nhưng nếu đi sâu vào nghiệp vụ của họ, lại thấy không đơn giản. Dù sao, với hệ thống thông quan điện tử, không những chi cục hải quan có được cách làm việc minh bạch, thông thoáng, mà các doanh nghiệp cũng làm quen và tiến tới hoàn toàn làm chủ với những thủ tục kê khai thông quan của mình qua mạng internet. Chính mạng internet đã khiến mọi công việc thông quan trở nên công khai, minh bạch và dễ dàng cho cả doanh nghiệp lẫn cho chi cục hải quan.
Trẻ và có học thức:
Tất cả cán bộ chuyên môn của Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Dung Quất đều có bằng cấp, hầu hết được đào tạo chính quy, và trải qua công việc họ đều nắm vững được những thao tác nghiệp vụ. Họ trẻ, và họ có học. Vì thế, với những công việc hàng ngày cần đến trình độ tin học và chuyên môn nhất định, họ đều có thể đáp ứng.
Những hình dung “cũ kỹ” của tôi về người cán bộ hải quan đã được thay đổi một cách căn bản khi tôi tận mắt thấy những cán bộ hải quan ở Chi cục hải quan cảng Dung Quất làm việc. Chính mạng internet và thủ tục thông quan điện tử đã khiến quan hệ giữa cơ quan chủ quản và “khách hàng” là các doanh nghiệp trở nên thông thoáng, gần gũi và thông cảm với nhau hơn. Dĩ nhiên, đó là với những “khách hàng” đàng hoàng, lương thiện, những “khách hàng xanh”.
Còn với những cán bộ hải quan trẻ tại đây, họ vẫn cứ miệt mài trước máy vi tính với các công việc được phân công của mình. Nếu công việc này có sự buồn chán nhất định, thì ngoài giờ làm việc, cơ quan luôn tạo điều kiện để các cán bộ trẻ của mình có những hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí nhằm “xả xì-trét” và hồi phục sức khỏe cho một ngày làm việc mới.
Chi cục hải quan Dung Quất luôn là nơi đi đầu và là điểm tập hợp cho các hoạt động thể thao ngoài trời. Cán bộ trẻ ở đây là những đoàn viên thanh niên luôn tham gia vào các hoạt động xã hội nhân đạo, và là địa chỉ tin cậy của bà con xã Bình Thuận mỗi khi bão lũ hoành hành.
Lợi thế của những người trẻ ở một chi cục hải quan cửa khẩu là rõ ràng. Trẻ, không chỉ khỏe, mà trẻ còn đồng nghĩa với sự năng động, dễ tiếp thu cái mới, dễ tương thích với những quy trình làm việc mới có sự hỗ trợ của những phương tiện kỹ thuật cao./.