(QNg)- Trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo ở tỉnh ta những năm qua có sự đóng góp công sức rất lớn của tuổi trẻ. Nhiều đoàn viên thanh niên đã nỗ lực vượt khó vươn lên làm kinh tế gia đình, trở thành những gương thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi. Nhiều cơ sở đoàn đã có những hoạt động thiết thực, hiệu quả tạo bước chuyển mới trên mặt trận xóa đói giảm nghèo ở các địa phương.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Giàu lên từ... gà
Đó là chàng thanh niên Trương Quang Trang (1978) ở xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh), được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2011. Trang là thanh niên nông thôn sản xuất kinh doanh giỏi, có mô hình chăn nuôi gà kiến thuần tại địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao.
ĐVTN ra quân giúp dân khai hoang cải tạo đất sản xuất. Ảnh: Ngọc Đức |
Trò chuyện với tôi, Trang cho biết, anh vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội được 20 triệu đồng, cộng với vốn tự có của gia đình và mượn bạn bè, người thân đã đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi 300 con gà kiến. Sau một thời gian triển khai, mức thu nhập bình quân mang lại hơn 40 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 10 triệu đồng. Anh tiếp tục đầu tư mở rộng phát triển mô hình, đến nay diện tích chuồng trại chăn nuôi của gia đình anh tăng lên 1.000m2, nuôi 3.000 con gà kiến thuần, 50 con nhông, 100 con vịt đẻ, cung cấp sản phẩm tại địa phương và một số nơi trong, ngoài tỉnh. Mô hình này mang về thu nhập bình quân cho anh từ 250 đến 280 triệu đồng/năm; trừ hết chi phí còn lãi khoảng 150 đến 190 triệu đồng, tạo việc làm cho 5 lao động thanh niên (1,5 triệu đồng/người/tháng) và 8 lao động thanh niên thời vụ (1,2 triệu đồng/người/tháng), góp phần giảm tỷ lệ thanh niên địa phương bỏ đi làm ăn xa. Ngoài giỏi làm kinh tế, anh Trang còn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, hội, được Huyện đoàn Sơn Tịnh và các cấp khen thưởng.
Khá lên từ biển
Đó là chuyện về anh Nguyễn Chí Linh (1976) - ủy viên Ban chấp hành Đoàn xã Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh). Linh cũng là điển hình được Trung ương Đoàn tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2011, nhờ thành tích biết tập hợp anh em các tàu cá lại với nhau để đánh bắt hải sản trên biển mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với nguồn vốn 10 triệu đồng vay được từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và vốn tự có của gia đình, mượn bạn bè, người thân, Linh đã đầu tư mua sắm trang bị ngư lưới cụ để đánh bắt hải sản. Khi kinh tế ổn định, anh mạnh dạn đầu tư mua tàu riêng trị giá 150 triệu đồng và trang bị máy tầm ngư, bộ đàm, máy phát điện cao áp, máy định vị… trị giá trên 50 triệu đồng phục vụ việc đánh bắt theo mùa trong năm, nhờ đó mang lại thu nhập hàng tháng cho gia đình anh từ 50-70 triệu đồng.
Anh Nguyễn Chí Linh cho biết, hiện nay anh đã mở rộng quan hệ với nhiều tàu công suất lớn, có điều kiện ngư cụ phục vụ khai thác đầy đủ, với kết quả đánh bắt hải sản bình quân 50 tấn/tàu/20 ngày; tổng mức thu nhập hơn 700 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 300 triệu đồng/tháng, giải quyết việc làm cho 6 thanh niên. "Nhờ liên hệ với anh em đánh bắt hải sản ngoài biển khá đông, kể cả ở huyện Lý Sơn, khai thác theo hình thức tập thể nên hiệu quả kinh tế đạt cao hơn"-anh Linh tâm sự. Hiện tại anh đang đầu tư khoảng 2 tỷ đồng để sắm mới 2 chiếc tàu cùng trang thiết bị hiện đại phục vụ khai thác hải sản; đồng thời kết hợp với các bạn chủ tàu trong nhóm cùng đầu tư phương tiện đánh bắt để nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Sự đồng hành từ phía tổ chức Đoàn
Không chỉ anh Linh, anh Trang ở Sơn Tịnh, mà hiện nay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều gương thanh niên vượt khó làm giàu. Có thể kể đến là các điển hình như: Phạm Hồng Nhân (1978), ở xã Bình Chánh, ủy viên BCH LHTN huyện Bình Sơn với mô hình chăn nuôi heo (thu nhập 200 triệu đồng/năm). Đoàn viên Huỳnh Anh Trúc (1982), ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) với mô hình cơ sở nhôm-kính-sắt tại địa phương (thu nhập 150 triệu đồng/năm; tạo việc làm cho 16 thanh niên ở địa phương). Hay như Phan Thanh Vĩnh (1977), ủy viên BCH Đoàn xã Bình Thuận (Bình Sơn) với mô hình nuôi cá mú và ghẹ bằng lồng bè (thu nhập 100 triệu đồng/năm); giải quyết việc làm cho 5 lao động địa phương. Còn đoàn viên Trần Anh Tuấn (1985) ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) thì thực hiện mô hình trồng keo lai, mì, cây cảnh (thu nhập 100 triệu đồng/năm). Đoàn viên Phạm Văn Bèo (1978) ở xã Ba Điền (Ba Tơ) với mô hình vườn-ao-chuồng, kết hợp trồng rừng (có thu nhập bình quân hàng năm từ 30-50 triệu đồng…).
Anh Trần Quang Tòa- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho biết, thời gian qua hoạt động dạy nghề, hỗ trợ vốn, tạo việc làm giúp thanh niên (TN) giảm nghèo nhanh và bền vững được các cấp bộ Đoàn đẩy mạnh thực hiện. Năm 2011, toàn tỉnh đã giải ngân hơn 40 tỷ đồng cho 3.821 hộ TN vay, nâng tổng dư nợ trong toàn tỉnh hơn 154 tỷ đồng/12.560 hộ TN vay. Hầu hết các hộ TN vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho TN. |
Được biết, trong những năm qua các cấp bộ Đoàn luôn sát cánh với ĐVTN trên con đường lập thân, lập nghiệp, hỗ trợ vốn, tạo việc làm giúp TN giảm nghèo nhanh và bền vững. Năm 2011, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo Trung tâm dạy nghề TN thành lập, khai trương 2 văn phòng tư vấn, hướng nghiệp, học nghề, giới thiệu việc làm, vay vốn cho TN tại 2 huyện Đức Phổ và Bình Sơn; đồng thời liên kết, mở các lớp dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động cho TN. Cụ thể, đã tư vấn cho hơn 1.000 TN tìm việc làm; phối hợp với các đơn vị, ngành chức năng đưa hơn 300 TN đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Malaysia, các tiểu vương quốc Ảrập Thống Nhất… Riêng hoạt động tình nguyện với chủ đề "Thanh niên tình nguyện vì an sinh xã hội" thời gian qua đạt nhiều kết quả nổi bật: Hơn 10.000 lượt TN tham gia cùng nhân dân và chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường, giữ gìn an toàn giao thông; cải thiện, phát dọn và nạo vét 1.242m kênh mương nội đồng, phục hóa hơn 10ha ruộng bị sa bồi thủy phá, đắp hơn 3km kênh mương, góp phần giúp nhân dân sản xuất, phát triển kinh tế gia đình…
Có thể nói, những năm qua tuổi trẻ Quảng Ngãi đã phát huy tốt tinh thần "đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên". Bên cạnh nỗ lực làm kinh tế gia đình, họ đã có nhiều việc làm thiết thực đóng góp tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà. Hy vọng tinh thần và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ Quảng Ngãi sẽ còn tiếp tục phát huy, mang lại nhiều thành quả cao hơn nữa trong những năm đến.
P.D