(QNg)- Những ngày này cách đây 67 năm, đất Ba Tơ sục sôi khí thế cách mạng, quân và dân Ba Tơ khi ấy một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng quê hương khỏi gót quân thù tàn bạo. Tuổi trẻ Ba Tơ hôm nay được sống trên quê hương hòa bình, độc lập và tự do. Để rồi, thanh niên nơi đây bằng nhiều cách khác nhau đã tiếp nối truyền thống anh hùng của cha ông.
Thanh niên ở mảnh đất anh hùng này, ai cũng phát huy ý chí và nghị lực của bản thân để không ngừng vươn lên trong cuộc sống. Từ đó, tuổi trẻ Ba Tơ chung sức, chung lòng xây dựng quê hương giàu đẹp.
TIN LIÊN QUAN |
---|
"THỦ LĨNH" TRÊN MẶT TRẬN KINH TẾ
Là một huyện miền núi, nên cuộc sống của người dân Ba Tơ vẫn còn không ít gian khó. Nhưng tuổi trẻ nơi đây quyết không cam chịu đói nghèo. Vì thế ở Ba Tơ, thanh niên vượt khó vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình ngày càng nhiều. Trong số đó, có một người xứng đáng được gọi là "thủ lĩnh". Đó là anh Phạm Văn Bèo, người vừa được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng Lương Định Của.
Tuổi trẻ Ba Tơ giúp dân mở đường. |
Bèo quê xã Ba Điền, năm nay 34 tuổi, người dân tộc Hrê. Trước kia gia cảnh của Bèo nghèo lắm. Nhưng từ khi Bèo được Đoàn thanh niên hướng dẫn cho vay vốn, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế thì cuộc sống đã khởi sắc hơn. Bèo bảo, Bèo chỉ mới học đến lớp chín thôi, nên nhiều thứ Bèo phải tự học, tự tìm hiểu, khó khăn lắm. Nhưng Bèo có chí, có quyết tâm thoát nghèo. Hơn nữa, Bèo luôn tự hào mình là người con của mảnh đất Ba Tơ anh hùng. Thời chiến tranh gian khổ là vậy, mà cha ông vẫn kiên trì bám đất, bám làng đánh đuổi quân thù. Sao bây giờ mình lại chịu đói khổ mãi được? Nghĩ vậy, nên Bèo dốc tâm, dốc sức làm việc. "Mình phải thoát nghèo thì mới làm gương cho mọi người. Mình nghèo mà ngồi đó trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước mãi là không được đâu. Mình phải tự làm thì mới đủ cái ăn, có đồ đẹp để mặc. Sau này, con cái của mình có cái chữ, để giúp dân làng đuổi cái đói, con bệnh nữa chứ"- Bèo tâm sự.
Nghĩ là làm, năm 2005 Bèo bắt đầu trồng 2 ha cây keo. Đến năm 2009, Bèo tiếp tục vay vốn ngân hàng, xin đất địa phương trồng tiếp 7 ha keo nữa. Song song với việc trồng keo nguyên liệu, Bèo còn trồng 3 ha mì; 1 ha cây sầu đông, quế và huỳnh đàn và canh tác gần 7 sào lúa nước. Ngoài ra, Bèo nuôi 8 con trâu và hàng chục con gà, vịt. "Nếu không có 25 triệu đồng tiền vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo diện hỗ trợ cho thanh niên phát triển kinh tế, thì mình không có được cơ ngơi này đâu. Thời gian đầu gặp phải không ít khó khăn, thiếu kỹ thuật chăm sóc, cây giống phát triển không đều. Mình cũng nản, nhưng rồi tự nhủ sẽ thành công nên lại hì hục làm tiếp". Đến nay, mỗi năm rừng keo của Bèo cho thu nhập gần 100 triệu đồng; vườn mì trị giá trên 20 triệu đồng. Đó là chưa kể nguồn thu từ trâu, heo, gà, vịt... xấp xỉ 50 triệu đồng mỗi năm. "Bây giờ, gia đình mình đã xây được nhà kiên cố, mua ti vi, xe máy. Đời sống gia đình mình khá hơn trước nhiều rồi"- Bèo hồ hởi cho biết.
Bên cạnh phát triển kinh tế giỏi, Bèo còn nhiệt tình tham gia các hoạt động Đoàn tại địa phương. Hơn nữa, Bèo thường xuyên giúp đỡ vốn cho nhiều đoàn viên thanh niên làm ăn, giúp họ thoát nghèo.
VÌ CỘNG ĐỒNG
Không chỉ tích cực trên mặt trận kinh tế, thanh niên Ba Tơ luôn có những hành động thiết thực để giúp đỡ cộng đồng. Nhờ đó tuổi trẻ Ba Tơ đã tạo dấu ấn tốt trong lòng người dân nơi đây. Chị Trần Thị Thanh Thúy- Bí thư Huyện đoàn Ba Tơ, cho biết: Tính riêng trong nhiệm kỳ này (2007-2012), các cơ sở đoàn và Chi đoàn trực thuộc tổ chức trồng trên 7.000 cây xanh các loại; tặng trên 18 triệu đồng cho các em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi; huy động hơn 6.500 ĐVTN tham gia nạo vét hơn 25km kênh mương nội đồng; làm hơn 17km đường giao thông nông thôn; xây dựng 2 cầu tre có tổng chiều dài 220m; tặng 1.530 bộ quần áo cũ và 38 suất quà (trị giá gần 9 triệu đồng) cho các em học sinh nghèo vượt khó...
Các "Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè" trên địa bàn huyện Ba Tơ đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh việc tiếp tục thu hút đông đảo thanh niên và các tầng lớp nhân dân tham gia, các chiến dịch thanh niên tình nguyện hè còn thu hút đoàn viên, thanh niên các đơn vị như: Sư đoàn 307, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Huyện đoàn Đức Phổ, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, Trường đại học Phạm Văn Đồng và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh... Các đơn vị này cùng với thanh niên Ba Tơ tham gia nạo vét kênh mương phục vụ nước tưới cho 15 ha ruộng lúa và hoa màu; tặng 1 nhà tình nghĩa và 263 suất quà cho các gia đình chính sách nghèo; trao cho các cháu thiếu nhi 3.700 cuốn vở, trên 13.000 bộ quần, áo; khám và phát thuốc miễn phí cho hơn 1.300 đối tượng chính sách và trẻ em. Những việc làm ý nghĩa này đã làm sâu sắc thêm tình cảm của người dân Ba Tơ với tuổi trẻ quê hương.
Chị Thúy đúc kết: Có được những thành quả trên là nhờ Huyện đoàn Ba Tơ đã có nhiều cách làm sáng tạo. Công tác chỉ đạo tập trung về chủ đề, nhưng mở về nội dung nên từng đối tượng thanh niên tham gia đều phát huy được khả năng, thế mạnh của mình. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn đồng loạt thực hiện các hoạt động theo nội dung đã tạo được sự đồng thuận, dấu ấn tốt trong thanh thiếu nhi và xã hội. Nội dung hoạt động có chiều sâu, gắn với nhu cầu của thanh niên nên phát huy được tinh thần tự giác, chủ động của thanh niên trong tham gia các hoạt động, thể hiện rõ nét thông qua các hoạt động thanh niên xung kích, tình nguyện bảo vệ môi trường, thanh niên với nghề nghiệp và việc làm.
Nguyễn Triều