Đoàn thanh niên đồng hành với ngư dân trẻ: Ngư dân trẻ lại về với biển

01:03, 30/03/2012
.

(QNg)- Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, huyện đoàn Bình Sơn, Báo Thanh Niên và nhiều nhà tài trợ đã xây dựng và bàn giao 5 ngôi nhà nhân ái cho ngư dân tỉnh Quảng Ngãi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào cuối năm 2011. Tìm đến căn nhà các ngư dân nhưng họ đã trở lại với biển.

6 NĂM XA BIỂN

Những ngày cuối năm, người dân làng chài thôn Phước Thiện xã Bình Hải (Bình Sơn) đã chộn rộn đến chứng kiến lễ khởi công xây dựng 3 ngôi nhà nhân ái cho 3 ngư dân trẻ. Đó là anh Huỳnh Văn Hưng, Huỳnh Văn Phương và Tu Thanh Sơn. Trước đó, vào ngày 27/6/2007, ba chàng ngư dân tuổi gần 30 đi đánh cá và bị thương tật nặng, mất sức lao động.


Khi trở về địa phương, 3 chàng trai này đã phải chật vật với những năm tháng nghèo khó. Việc lo toan cho cả gia đình đặt lên vai người vợ.

 

Chị Nguyễn Thị Quý (vợ ngư dân Tu Thanh Sơn), tuổi chưa đến 30 nhưng đã già sọm vì phải chạy vạy thuốc men nuôi chồng con. Không có nhà ở, 2 vợ chồng thuê một căn nhà tồi tàn với giá cực rẻ - 50.000đồng/tháng.

Ngư dân trẻ Tu Thanh Sơn được Tổng biên tập Báo Thanh Niên trao tiền hỗ trợ làm nhà nhân ái.
Ngư dân trẻ Tu Thanh Sơn được Tổng biên tập Báo Thanh Niên trao tiền hỗ trợ làm nhà nhân ái.


Các ngư dân từ những thanh niên có sức vóc, giờ trở thành người tàn phế và được gắn thêm cái tên phụ Sơn dẹo, Hưng quắp... Không có gạo ăn, ngư dân Huỳnh Văn Hưng hàng ngày xuống tàu ở quê để đi bạn. Không thể kéo lưới, thò tay nhấc nồi cơm xuống cũng không được vì bàn tay co quắp. Bạn trên thuyền gọi Hưng là thợ đụng. Việc gì cần thì sai vặt, khi vào bờ chủ thuyền thảy cho bao nhiêu tiền thì hay bấy nhiêu.

Sau những năm tháng nỗ lực tột cùng, các ngư dân bắt đầu trở lại với nghề lặn gần bờ. Thời đi Hoàng Sa, họ là những thợ lặn thiện chiến giữa đại dương. Còn giờ đây thì bì bõm thâu đêm với ngọn đèn dọc theo gành đá. Tự tay kiếm được bữa cơm hàng ngày, các ngư dân tâm sự, "vậy là mừng rồi nhà báo à".

Tết năm 2012, thấy tôi đường đột đến thăm, vợ chồng ngư dân Huỳnh Văn Hưng vui mừng kể lại: "Các nhà tài trợ cho 40 triệu đồng, vợ chồng đi khắp xóm mượn mỗi người một ít. Bà con thương tình không tính lời lãi. Tuy nhiên, để trả hết nợ thì nhất quyết phải trở lại Hoàng Sa". Vậy là qua tết, anh Hưng tạm biệt vợ con, xuống xã Bình Châu đi bạn cho một tàu cá trở lại với biển.

CÓ NHÀ LẠI RA BIỂN

Trong ngôi nhà nhỏ gắn tấm biển "nhà nhân ái, chương trình đồng hành cùng ngư dân bám biển", chị Quý vợ ngư dân Tu Thanh Sơn tâm sự: "Hồi mấy năm đầu khổ cực vô cùng, hiện nay có nhà, vợ chồng vay nợ bà con làm thêm, nhưng nhờ đoàn thanh niên mình mới có nhà ở".

Còn nhớ, cách đây chưa lâu, ghé thăm nhà chị vào một buổi chiều. 2 đứa con nheo nhóc, quần áo tả tơi, khuôn mặt gầy sọp, chân tay khẳng khiu của đứa trẻ suy dinh dưỡng. Một bà hàng xóm cho biết, "vợ chồng thằng Sơn phải mượn gạo và chạy lòng vòng mượn đầu này đắp đầu nọ thì mới đủ ăn. Có đợt vợ nó đau, cả xóm phải vận động, quyên góp". Ngôi nhà lụp xụp của 2 vợ chồng đã 3 lần bị bão phá tan hoang nhưng vẫn phải dựng lại để tá túc qua ngày.

Còn giờ đây, cuộc sống đã đổi thay phần nào trong ngôi nhà mới xây. Mừng khách quý đến thăm, chị vào nhà mang ra đĩa bánh tết vẫn còn để đãi khách. Chị Quý tổng kết việc làm nhà nhân ái: "Đoàn thanh niên hỗ trợ 40 triệu, vợ chồng nhẩm tính làm hết 90 triệu, thiếu mỗi người một tí, cố làm mà trả". Đầu năm vừa rồi, anh Hưng chạy vội xuống xã Bình Châu tìm tàu đi biển. Chuyến đi này, anh trở lại với biển. Còn chị ở nhà hằng ngày ra bến mua cá, gánh cá, làm bất cứ việc gì có thể giúp gia đình trang trải qua ngày.

Những ngư dân trẻ đặt chân ra khơi khi mới vừa tròn tuổi 20. Giờ đây, sau nhiều năm gián đoạn, họ lại về với biển và mang theo khát vọng mưu sinh và giữ biển.


   Bài, ảnh: HẢI ANH
 


.