(QNg)- Từ hai bàn tay trắng nhưng bằng nghị lực, niềm tin và ý chí vươn lên, anh Đinh Văn Bình ở thôn Dư Hữu, xã Long Mai (Minh Long) đã làm chủ trang trại trị giá vài trăm triệu đồng ở cái tuổi 29…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nằm lọt thỏm dưới ngọn núi Chốt, khu dân cư mới của thôn Dư Hữu không phải là "miền đất hứa" được nhiều người lựa chọn bởi đất đai khô cằn. Vậy mà, chàng thanh niên trẻ Đinh Văn Bình đã làm cho khu đồi vốn "kén" người ấy phải khuất phục trước nghị lực của con người bằng một trang trại bề thế. Đó là những gì mà anh cán bộ Huyện đoàn Minh Long bật mí, trước khi đưa tôi đến thăm mô hình vườn ao chuồng rừng (VACR) của anh Bình. Nghe vậy, nhưng quả thật tôi vẫn chưa thể nào tin được vì sao ở một cái nơi "khỉ ho cò gáy" ấy, lại có người có thể "cảm hóa" được đất như thế. Chỉ đến khi tận mắt nhìn đàn heo mập khỏe, keo, mía xanh tốt, cá lượn quẫy đuôi đớp mồi dưới hồ thì tôi mới thật sự tin rằng, chàng thanh niên 29 tuổi Đinh Văn Bình đã làm được điều tưởng chừng như không thể khi khiến đất cằn phải "nở hoa".
Anh Bình đang chăm sóc đàn heo vừa tròn tháng tuổi của mình. |
Chỉ dãy chuồng của 220 con heo đang tuổi lớn cùng ruộng keo, mía, đậu, mì xanh ngút mắt, anh Bình cho biết: "Cơ ngơi này có được là từ một con heo cái thoát nghèo mà Nhà nước cho năm 2008 đấy". Thấy tôi tròn mắt, anh Bình lý giải: Lúc ấy còn nghèo khổ, đất đai lại cằn cỗi nên ngoài việc phát rẫy trồng keo, mình cũng chẳng biết làm thêm việc gì để tăng thu nhập. Nhưng sau lần tham gia lớp tập huấn khuyến nông ở xã, mình chợt nghĩ rằng: Tại sao không thử… nuôi heo xem sao? Nghĩ thế, nhưng nghèo quá, cái ăn còn chưa đủ no thì lấy tiền đâu để mua heo giống. Vậy nên, vợ chồng anh chỉ biết gửi gắm hy vọng vào mỗi con heo Nhà nước cho.
Không biết có phải vì "mát tay" hay vì thương anh cần cù, chịu khó mà "heo thoát nghèo" rất mắn đẻ. Để rồi sau 3 năm, anh đã có trong tay đàn heo 50 con đủ lứa tuổi. Thấy mình có duyên với nghề nuôi heo nên năm 2011, anh Bình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng thêm 500 m2 chuồng kiên cố, cùng hệ thống xử lý chất thải bằng hầm biogas khi tăng số lượng heo lên 270 con. "Mình vừa xuất chuồng 50 con heo lứa hồi tuần trước. Trừ chi phí thức ăn, công chăm sóc thì mỗi tháng dư được 13 triệu đồng" - chị Phạm Thị Yến, vợ anh Bình phấn khởi chen vào câu chuyện.
Thoát nghèo và làm giàu từ con heo, nghe có vẻ thuận lợi nhưng ít ai biết rằng, để có được thành quả ấy, vợ chồng anh Bình đã phải đổ bao mồ hôi và nước mắt xuống hàng chục ha đất đồi dưới chân hố Chốt. Chẳng thế mà ngày ngày, bà con ở KDC mới thôn Dư Hữu chỉ thấy vợ chồng anh ở trên đồi hì hục phát dọn, trồng đủ các loại cây từ keo, mía, mì đến đậu, bắp hay chuối với diện tích lên đến hơn 7 ha. Để rồi mỗi năm, số tiền hàng trăm triệu đồng thu được từ cây cối, hoa màu lại được anh đầu tư cho con heo.
"Bao nhiêu năm gắn bó, đất đã trả công mình bằng những vụ mùa bội thu. Nhờ vậy, mình mới có điều kiện để mở rộng quy mô nuôi heo như hôm nay" - anh Bình trải lòng. Khi tôi hỏi vì sao anh lại quyết định chọn ngọn đồi đất sỏi này để bắt tay khởi nghiệp? Anh Bình trầm ngâm: Quê mình bao phủ bởi núi nên tôi thấy để diện tích đất lớn được "nghỉ ngơi” thì mình tiếc lắm. Có lẽ vì vậy mà ngoài 7 ha đất đã "đẻ vàng" ổn định, anh còn tận dụng những khoảng đất trống để trồng cỏ nuôi trâu, đào ao nuôi cá (3.500 con cá điêu hồng, chép, trắm cỏ… trên diện tích 1.400 m2), mỗi năm anh "bỏ túi" gần 50 triệu đồng.
Đi lên từ hai bàn tay trắng nên hơn ai hết, anh Bình thấu hiểu hoàn cảnh của những người có điểm xuất phát như mình. Nhất là khi thấy nhiều thanh niên địa phương bỏ xóm, làng đi nơi khác làm ăn vì kinh tế khó khăn. Để giữ chân họ, anh Bình không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn sẵn sàng chia sẻ vốn, kinh nghiệm chăn nuôi và trồng trọt với những thanh niên có khát vọng làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Tuy đã xây dựng thành công mô hình trang trại VACR, nhưng anh Bình vẫn còn nhiều trăn trở khi diện tích đất được... "nghỉ" vẫn còn nhiều. "Mình chỉ mong sớm được cấp giấy chứng nhận trang trại để được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, mở rộng quy mô sản xuất" - anh Bình cho hay. Nói về điều này, anh Huỳnh Văn Bốn - Phó Bí thư Huyện đoàn Minh Long khẳng định: Đây là mô hình trang trại VACR đầu tiên có quy mô lớn trên địa bàn huyện Minh Long do thanh niên làm chủ. Vì thế sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xúc tiến việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận trang trại VACR cho anh Bình. Điều này không chỉ tạo điều kiện để anh Bình đầu tư mở rộng sản xuất, mà còn thúc đẩy phong trào làm kinh tế trang trại, vừa tạo việc làm tăng thu nhập, vừa hạn chế tình trạng ly hương tìm việc của thanh niên hiện nay.
Bài, ảnh: MỸ HOA