(QNg)- Trong 3 năm qua Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã giúp đỡ hàng ngàn thanh niên nghèo làm kinh tế, từng bước xóa nghèo, vươn lên làm giàu. Trong đó không ít thanh niên từ nghèo khó đã trở thành "thanh niên làm kinh tế giỏi" và được nhận giải thưởng Lương Định Của - Giải thưởng dành cho thanh niên tiêu biểu trong lập nghiệp.
* Từ Đề án 103…
Đề án "Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015" (gọi tắt là Đề án 103) được triển khai gần 3 năm qua trên địa bàn tỉnh. Xác định đây chính là "đòn bẩy" tạo động lực giúp thanh niên nghèo trong tỉnh có thêm điều kiện học nghề, tìm việc làm, vay vốn phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp, Tỉnh đoàn đã xây dựng các phương án thực hiện hiệu quả.
Thanh niên nghèo huyện Bình Sơn vay vốn phát triển nghề nuôi thủy sản đạt hiệu quả cao. |
Cùng với công tác chỉ đạo, định hướng cho các cơ sở đoàn thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên trong tỉnh, Tỉnh đoàn đã phối hợp với các cơ quan chức năng giúp thanh niên khởi sự kinh doanh, chủ động lập thân, lập nghiệp. Hằng năm, Tỉnh đoàn ký văn bản thỏa thuận với Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Quảng Ngãi về việc ủy thác cho vay hộ thanh niên nghèo. Trong đó đặc biệt ưu tiên cho vay giải quyết việc làm, học nghề và xuất khẩu lao động; cho vay thực hiện các mô hình kinh doanh giảm nghèo.
Hiện nay, Tỉnh đoàn phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh Quảng Ngãi đã ký ủy thác cho 323 tổ tiết kiệm và vay vốn, với tổng số tiền hơn 146 tỷ đồng, cho gần 10.000 hộ thanh niên nghèo vay. Nhiều thanh niên nghèo sau khi vay vốn đã đầu tư làm kinh tế và đã thu được thành công.
Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo Trung tâm dạy nghề thanh niên tỉnh phối hợp với ngành chức năng tư vấn, hợp tác trong xuất khẩu lao động. Bằng cách làm đó, sau 3 năm, trong tỉnh đã có 200 thanh niên nghèo được vay tín chấp để xuất khẩu lao động, với số tiền được vay hơn 3 tỷ đồng. Hầu hết các thanh niên này đã có thu nhập, gửi về gia đình trả nợ vay, đồng thời tích lũy sửa chữa, xây mới nhà ở hoặc đầu tư phát triển kinh tế gia đình. 3 năm qua, toàn tỉnh đã có 80 thanh niên nghèo sau khi được hỗ trợ học nghề, vay vốn, tạo việc làm đã vươn lên trở thành tấm gương tiêu biểu trong lập thân, lập nghiệp.
* Đến thanh niên nghèo nhận giải thưởng Lương Định Của
Trong 3 năm qua, Quảng Ngãi đã có 15 thanh niên được nhận giải thưởng Lương Định Của - Giải thưởng cao quý của Trung ương Đoàn dành cho những thanh niên nghèo vươn lên lập thân, lập nghiệp, xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi. Trong đó chỉ riêng năm 2011, có tới 7 thanh niên vinh dự được nhận giải thưởng này. Đó là các thanh niên: Phan Văn Vĩnh, Phạm Hồng Nhân, Nguyễn Chí Linh, Trương Quang Trang, Trần Anh Tuấn, Huỳnh Anh Trúc, Phạm Văn Bèo.
Những mô hình kinh tế mà các thanh niên nghèo này chọn để đầu tư đều được các cấp bộ đoàn và chính quyền, ngành chức năng định hướng, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn tìm đầu ra cho sản phẩm… Mỗi mô hình kinh tế của các thanh niên này có một thế mạnh riêng gắn liền với tiềm năng, lợi thế của địa phương như mô hình vườn rừng ở miền núi, chăn nuôi ở nông thôn, nuôi thủy sản ven biển… nhưng tất cả đều có một điểm chung là ý chí, nghị lực, quyết tâm làm giàu bằng con tim, trí tuệ của tuổi trẻ.
Năm 2009 và 2010 Quảng Ngãi là một trong những tỉnh, thành phố điển hình trong phong trào hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp. Với hàng chục thanh niên từ nghèo khó vươn lên làm kinh tế giỏi được xướng danh trong lễ trao giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn tổ chức đã khẳng định được phần nào sự nỗ lực không ngừng của tuổi trẻ Quảng Ngãi trên bước đường lập thân, lập nghiệp. Đây cũng chính là mô hình giảm nghèo có hiệu quả của tỉnh được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chọn để nhân rộng trong toàn quốc. Đó là các thanh niên Phạm Ngọc Hiền, ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) từ gia đình nghèo, khó khăn sau khi được hỗ trợ giúp đỡ phát triển kinh tế, thu nhập hiện nay của Hiền đã đạt khoảng 150 triệu đồng/năm. Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt của thanh niên Nguyễn Quang Vinh ở xã Đức Phú (Mộ Đức) đạt bình quân 200 triệu đồng/năm. Mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng của thanh niên Lê Đình Rít, ở xã Bình Khương (Bình Sơn) đạt mức thu nhập bình quân 150 triệu đồng/năm…
Trao đổi về vấn đề hỗ trợ thanh niên nghèo có thêm điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, từng bước làm giàu, anh Trần Quang Tòa - Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: "Mục tiêu đến 2015, toàn tỉnh có 90% thanh niên có nhu cầu lập nghiệp, lập thân, phát triển mô hình sản xuất, có nhu cầu vay vốn được tiếp cận các nguồn hỗ trợ, tư vấn". Tỉnh đoàn đề ra giải pháp phối hợp đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình sản xuất nông nghiệp và ngành nghề công nghiệp nông thôn; hướng dẫn các mô hình, phương thức sản xuất kinh doanh mới hiệu quả; liên kết với doanh nghiệp trẻ hỗ trợ bao tiêu sản phẩm; phát triển mô hình kinh tế tập thể nông thôn. Đặc biệt, Tỉnh đoàn sẽ tăng cường phối hợp đẩy mạnh công tác giải ngân, hỗ trợ thanh niên có nhu cầu vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội.
Bài, ảnh: THANH NHỊ