(QNg)- Tròn 1 năm bám trụ tại vùng cao, vùng sâu, vùng khó khăn, những trí thức trẻ tình nguyện của Quảng Ngãi đã tạo nên nhiều dấu ấn đẹp trong lòng dân và cán bộ địa phương. Bằng ý chí, nghị lực và tấm lòng của mình, những trí thức trẻ đang góp phần làm thay đổi diện mạo miền núi, nông thôn Quảng Ngãi...
Tấm lòng trí thức trẻ với vùng cao
Cứ 4 giờ sáng thứ hai hàng tuần, Trương Văn Ca- quê ở Bình Sơn cán bộ văn phòng UBND xã Trà Phong (Tây Trà) đã trang phục chỉnh tề, lên xe máy vượt hơn 100 cây số từ nhà đến trụ sở UBND xã, bắt đầu một tuần làm việc. Nhà xa là vậy, những lúc nắng ráo hay khi mưa giông, 1 năm qua Ca vẫn luôn có mặt đúng giờ. "Mình là cán bộ văn phòng, nếu đi trễ - về sớm sẽ ảnh hưởng đến công việc chung của xã, gây phiền hà cho nhân dân" - Ca tâm sự. Một năm công tác gắn bó, gần gũi với đồng bào Cor Tây Trà, "ông cán bộ trẻ" - biệt hiệu mà đồng bào nơi đây đặt cho Ca đã hiểu và lúc nào cũng sẵn lòng giúp đỡ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, cho dù đã hết giờ làm việc. "Nhiều nơi từ nhà đến xã mất nửa ngày đường đi bộ, không linh động giúp dân thì gây khó cho người dân lắm!"- Ca nói.
Cán bộ Văn phòng UBND xã Trà Phong (Tây Trà) Trương Văn Ca - trí thức trẻ vừa được tăng cường (áo trắng bìa trái) giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân trên địa bàn. |
Cái tính cần mẫn, chăm chỉ, tận tuỵ của Ca đã chiếm được cảm tình không chỉ của người dân, mà của cả đồng nghiệp trong bộ máy chính quyền xã. Với trình độ đại học chính quy cộng, với kỹ năng hành chính được đào tạo bài bản, Ca trở thành "cánh tay đắc lực" của xã trong giải quyết công việc hành chính ở cơ quan. Phó Chủ tịch UBND xã Trà Phong Hồ Văn Lập nhận xét: "Kể từ khi tỉnh tăng cường cán bộ Ca cho xã, hoạt động của bộ máy hành chính nhịp nhàng, hiệu quả hơn. Ca còn là đảng viên trẻ nhiệt tình, gương mẫu, nói đi đôi với làm và là tấm gương sáng để cán bộ xã noi theo".
Ở xã Trà Thọ năm 2010 được tỉnh tăng cường sinh viên Hồ Văn Khánh tốt nghiệp đại học chính quy tình nguyện về công tác. Ngay từ những ngày đầu, Khánh đã bắt nhịp được với công việc và tạo được niềm tin trong cán bộ, nhân dân nơi đây. Vì vậy chỉ sau 8 tháng làm việc, Khánh được tín nhiệm giới thiệu ứng cử và đã trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã, nhiệm kỳ 2011 - 2016. "Được tín nhiệm bầu làm đại biểu của nhân dân, mình lại càng phải cố gắng hơn, để xứng đáng với niềm tin yêu ấy" - Khánh tâm sự.
Vững lòng bám trụ
UBND tỉnh vừa hoàn tất công tác rà soát, thống kê và lập danh sách 53 xã thực hiện Dự án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 6 huyện nghèo của tỉnh. Trong đó số lượng Phó Chủ tịch xã được tăng cường thêm cho các xã cụ thể là: Sơn Tây 8; Minh Long 4; Tây Trà 8; Ba Tơ 17; Trà Bồng 7 và Sơn Hà 9. Ưu tiên cho người được đào tạo ở các chuyên ngành như: kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nông, lâm nghiệp và thủy sản, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, luật. |
Tạm biệt vợ trẻ, con thơ ở quê nhà, Linh khăn gói đến Trà Lãnh làm việc. Ở môi trường công tác mới, Linh luôn cố gắng, chủ động tham mưu cho lãnh đạo xã giải quyết công việc trôi chảy, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền. Linh tâm sự: "Ở đây em được làm việc, được cống hiến hết mình và luôn tìm thấy niềm vui trong công việc. Đó là điều quan trọng nhất mà tuổi trẻ chúng em cần sau khi tốt nghiệp đại học, tìm việc làm. Em mong muốn được tin tưởng giao nhiệm vụ, tạo môi trường làm việc, để vững lòng bám trụ với vùng cao".
Tại buổi lễ gặp mặt một năm ngày 69 sinh viên đại học chính quy tình nguyện về công tác tại các xã vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, đồng chí Trần Văn Thanh - Giám đốc Sở Nội vụ đã khẳng định: "Ngoài chế độ lương hiện hưởng theo ngạch bậc, các sinh viên tình nguyện còn được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Đó là chế độ ưu đãi mà UBND tỉnh dành cho những trí thức trẻ tình nguyện, nhằm động viên, chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện để các cán bộ trẻ yên tâm công tác".
Trong buổi làm việc với UBND tỉnh về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho rằng: Chính sách thu hút sinh viên đại học chính quy về công tác tại các xã miền núi, vùng cao, vùng sâu đặc biệt khó khăn của Quảng Ngãi là hướng đi phù hợp với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các huyện miền núi nghèo trong giai đoạn hiện nay. Đây sẽ là những "hạt giống tốt" để Quảng Ngãi thực hiện thành công Dự án đưa trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc các huyện miền núi nghèo.
Bài, ảnh: THANH NHỊ