(QNĐT)- Giá cả đồng loạt tăng cao, tác động đến cuộc sống của mọi nhà. Với sinh viên, những người phải phụ thuộc vào gia đình lại càng trở nên "khó thở". Để đối phó với những gì đang diễn ra, nhiều bạn sinh viên có nhiều "chiêu" tiết kiệm để vượt qua khó khăn.
* Góp gạo nấu cơm chung
Nương, Hằng, Thơm, Hoàn là 4 bạn nữ học Trường đại học Công nghiệp. Cả bốn người không cùng quê, nhưng lại có chung hoàn cảnh là gia đình đều khó khăn. Có người thì bố mẹ làm nông, có người ba mẹ phải vào Nam để kiếm tiền nuôi con ăn học.
Trước đây, chỉ 2 người cùng nấu ăn hoặc ăn cơm quán, nhưng nay phải thương lượng cùng nhau 4 người góp tiền, góp gạo nấu ăn chung.
Nguyễn Thị Hằng (quê Bình Định), sinh viên năm hai Trường đại học Phạm Văn Đồng cho hay, nhiều người góp tiền lại đi chợ thì đỡ tốn hơn, mà ăn cũng vui hơn. Đây là cách duy nhất để có thể tiết kiệm chi phí cho mọi người.
Cùng nhau góp gạo nấu cơm chung là cách nhiều bạn sinh viên lựa chọn để tiết kiệm chi phí. |
Với những sinh viên nam, là những người thích phóng túng, sau giờ học là vào thẳng quán cơm, sau khi đánh chén rồi về nhà, thì nay cũng phải tính toán lại hầu bao của mình. Xong buổi học, nhiều sinh viên nam thay vì ghé quán cơm quen thuộc thì họ lại phóng xe thẳng ra chợ mua thức ăn, số khác ở nhà nấu cơm.
Bạn Nguyễn Huy Tuấn, sinh viên năm 2, Trường đại học Phạm Văn Đồng cho biết: Hai năm nay, gia đình mỗi tháng gửi 1 triệu đồng để chi phí ăn, ở cũng đủ xoay sở. Còn bây giờ gia đình đã tăng thêm 200 ngàn đồng/tháng, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu vì chi phí quá đắt đỏ.
Với số tiền gia đình cung cấp mỗi tháng trên dưới một 1 đồng thì nhiều bạn sinh viên rất khó khăn cho cuộc sống. Tuy nhiên đó đã là sự cố gắng rất lớn của những gia đình nghèo.
Với việc góp tiền nấu cơm chung, gạo thì thay phiên nhau mang từ nhà lên nên mỗi bạn cũng tiết kiệm được phần nào chi phí.
Sau buổi học, mọi người phân công nhau mỗi người một việc. Người đi chợ, người nhặt rau, người vo gạo không bao lâu sẽ có bữa cơm thịnh soạn theo phong cách sinh viên.
"Mỗi người một việc làm rất nhanh mà lại dễ ăn hơn cơm quán"- bạn Tâm, một sinh viên chia sẻ. Với những bạn sinh viên thì khái niệm vui là có thừa, nhưng quan trọng nhất là tiết kiệm được một số tiền để dùng vào những việc khác.
Trong khi giá cả hàng hóa tăng cao thì từ tháng 3 này, giá phòng trọ, điện, nước đều được các chủ trọ nâng lên. Hầu hết các nhà trọ hiện nay ngoài tiền phòng trọ, thì họ kinh doanh luôn cả giá điện và nước khi bán cho sinh viên. Giá điện tại các phòng trọ ở thành phố Quảng Ngãi không dưới 2.000 đồng/kwh. Tiền nước thì tùy theo chỗ mà chủ trọ tính theo đầu người và giá cũng khá cao, khiến nhiều bạn sinh viên chới với.
Theo quy định của Nhà nước thì các chủ nhà trọ không có quyền kinh doanh bán điện, họ phải có trách nhiệm làm các thủ tục để họ được hưởng mức điện, nước ưu đãi. Thế nhưng điều này là rất khó đối với họ vì họ có một phần tiền lãi khi thu tiền điện, nước của người ở.
* Càng khó, càng năng động
Sinh viên được biết đến là những người năng động, thế nhưng nhiều người vẫn chưa hình dung được sự khó khăn hằng ngày đang tác động đến cuộc sống. Giá cả tăng vọt, khiến nhiều gia đình có con đi học không kịp phản ứng vì nguồn thu nhập lâu nay vẫn bấp bênh.
Để gánh bớt khó khăn cho gia đình, ngoài việc thắt chặc chi tiêu thì nhiều bạn sinh viên rủ nhau đi làm thêm.
Có bạn đi bán cà phê buổi tối, trông xe tại các nhà hàng, dạy thêm... để kiếm thêm thu nhập phục vụ cuộc sống. Vào các quán cà phê lớn, quán nhậu tại thành phố Quảng Ngãi không khó bắt gặp những phục vụ là các bạn sinh viên đi làm thêm.
Huỳnh Thị Thanh Thanh, sinh viên năm thứ nhất Trường cao đẳng Tài chính- Kế toán, cho biết: Em cùng với mấy bạn cùng trường đi bán cà phê để kiếm tiền vào buổi tối. Đi làm thêm cũng là cách để mình trở nên năng động hơn.
Cuộc sống sinh viên được biết đến lâu nay là "thừa sự thiếu thốn, thiếu sự đủ đầy", thì giờ đây, cuộc sống của họ tiếp tục gặp khó khăn bởi những cơn bão giá liên tục đánh vào túi tiền của những sinh viên nghèo.
Bài, ảnh: Thanh Xuân