Bình đẳng giới nhìn từ gia đình trẻ

03:03, 06/03/2011
.

Năm 2006, Luật Bình đẳng giới được ban hành. Đến nay đã 5 năm trôi qua, tuy nhiên vẫn không ít người băn khoăn khi nhìn vào thực trạng gia đình Việt Nam: có hay không sự bình đẳng giới? Chúng tôi ghi nhận trung thực cuộc sống hằng ngày của một số cặp vợ chồng trẻ để bạn đọc có câu trả lời cho riêng mình.
 
1. Thời kinh tế thị trường, nhiều gia đình mở mắt ra là thấy ngay những khoản chi tối mày tối mặt. Đó cũng chính là thách thức cho sự bình đẳng trong gia đình. Nhất là những gia đình thích… mây, gió, trăng, hoa như vợ chồng nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh và Nguyệt Phạm. Cưới nhau năm 2005 họ cũng chẳng quan tâm đến… chỗ ở sau này. Minh nói: “Sau ba đêm trăng mật ở khách sạn là bắt đầu chuỗi ngày lẩn quẩn với điệp khúc thuê nhà - dọn nhà - thuê nhà. Viết đơn (ly hôn) - xé đơn - viết đơn”.
 
Nguyệt kể: có căn phòng trên lầu sáu cho thuê mà vợ chồng cũng chỉ đủ tiền trả 1/2 căn. Còn một nửa cho sinh viên thuê lại. Minh thú nhận: “Mình chỉ thích làm văn nghệ thôi. Còn tiền mình không quan tâm. Chất lượng sống là do mình đặt ra chứ mình không theo thang điểm của xã hội”. Anh cho biết: “Chi tiêu hằng tháng cho gia đình, cho bản thân tương đương nhuận bút của sáu bài viết. Nếu viết thêm bài thứ bảy là sẽ dư, có thể tích cóp để dành. Nhưng chưa bao giờ mình có ý định viết bài thứ bảy. Còn Nguyệt? Cô ấy hay lắm! Ba lần dọn nhà đều một tay Nguyệt làm. Mới đây, Nguyệt quyết định mua một căn chung cư và tiền mua cũng một tay cô ấy chạy vạy”.

Trước câu hỏi: “Hình như với vai trò người chồng, người cha… Minh đã không phải làm gì?”, anh trả lời: “Có chứ! Giặt đồ, rửa chén, lau nhà, dỗ con… mình làm nhiều hơn vợ”. Minh tâm sự: Nguyệt hay làm việc khuya. Ngoài công việc hằng ngày ở công ty, cô ấy còn nhận viết kịch bản để kiếm tiền. Vì vậy, lúc về nhà, cô ấy bảo cần phải nghỉ ngơi để khuya thức làm việc. Mình “ô kê!”, ngủ cứ ngủ, việc linh tinh trong nhà để đó mình làm. Mới đây, Nguyệt bảo sẽ đi Hà Giang 10 ngày để lấy tư liệu. Biết tin, bạn bè bảo: “Vợ ông trẻ, đẹp mà ông dám để cho đi lang thang thế à?”. Sao không dám, vợ chồng mình thống nhất nhau rằng mỗi năm, mỗi người có quyền đi chơi một mình một lần bằng tiền của mình. Nguyệt có tiền, Nguyệt đi. Khi mình có tiền thì mình đi. Với tụi mình đó là bình đẳng!”.
 
2. Tính đến nay, vợ chồng anh Lê Thanh Tuấn (họa sĩ) và chị Lê Bảo Ngọc (cán bộ Trường Nghiệp vụ nhà hàng thành phố) cưới nhau đã 5 năm, sinh được hai con gái. Anh Tuấn (sinh 1977), quê Quảng Xương, Thanh Hóa. Chị Ngọc ở Tân Uyên, Bình Dương. Trước khi cưới chị Ngọc, gia đình anh ra sức ngăn cản vì không thích anh lấy vợ miền Nam, hơn nữa lại thấy cô dâu tương lai “lanh quá”, sợ con mình bị ăn hiếp. Còn gia đình chị Ngọc lo lắng cho con gái: “Họa sĩ vừa ở… dơ lại vừa lãng mạn, lấy về biết làm gì ăn”. Tuy vậy, sau một năm rưỡi kiên trì thuyết phục gia đình hai bên, cuối cùng anh chị cũng được hai bên gật đầu đồng ý với điều kiện: muốn cưới thì tự lo.

Vợ chồng Thanh Tuấn - Bảo Ngọc
Vợ chồng Thanh Tuấn - Bảo Ngọc
Cuộc sống ban đầu của họ gặp rất nhiều khó khăn. Đầu năm 2006 cưới, rồi thuê căn nhà trọ ở Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) để ra riêng. Cuối năm 2006, sinh con, lại chuyển đi thuê chỗ rộng hơn ở Q.Thủ Đức, TP.HCM. Vừa nuôi con, chị Ngọc vừa nuôi em chồng đi học. Năm 2007, em chồng tốt nghiệp, đi làm. Sau hai năm chắt bóp chi tiêu, vợ chồng quyết định về Tân Uyên, Bình Dương mua đất cất nhà và sinh thêm đứa con thứ hai.
 
Ngọc kể: “Hồi mới cưới nhau, vợ chồng cứ tranh cãi về việc phân công lao động trong gia đình, nhất là lúc sinh con. May mắn, chồng em không phải là người cố chấp. Khi thấy chồng em giặt đồ, rửa chén, bên nhà chồng đã có tiếng vào tiếng ra: “Đàn ông như mày chết cho rồi”, chồng em ổng tâm tư lắm. Nhưng em nói, đừng nghĩ giặt đồ rửa chén không phải là đàn ông. Khi thấy chuyện chi tiêu trong gia đình luôn ở dạng ăn đong, ổng thắc mắc, em bảo “anh giỏi tính toán, anh giúp em quản lý chi tiêu đi”.
 
Kết quả, sau ba tháng nắm tay hòm chìa khóa, ổng gật đầu thừa nhận: “Anh chi còn tốn hơn em nhiều”. Mấy năm gần đây, vợ chồng em không hề cãi nhau về chuyện tiền nong. Bây giờ, hễ thấy em tắm con thì ổng đi nấu cơm. Em đi giặt đồ thì ổng rửa chén một cách tự nguyện và thoải mái. Để đi đến ngày hôm nay, vợ chồng em cũng có lúc nghĩ phải ly dị nhau. Nhưng vượt qua rồi mới thấy yên ổn, hạnh phúc. Theo em cái gì cũng phải từ từ, chuyện bình đẳng cũng vậy”.
 
3. Căn nhà của vợ chồng nghệ sĩ Hoài Ân khá nhỏ. Ngang 2,6m, dài 7m. Phần trệt, phía ngoài để ghế cắt tóc, làm móng, phía trong để giường gội đầu. Một gác suốt vừa làm nơi ngủ của vợ chồng con cái, vừa làm nơi nhậu với bạn bè mỗi khi tầng trệt kẹt khách của vợ. Đó là nơi gia đình nghệ sĩ Hoài Ân trú ngụ gần 10 năm nay. Công việc của nghệ sĩ ở ngoài nhiều hơn ở nhà, trong khi công việc của vợ anh phải ở nhà nhiều hơn ở ngoài khiến người ta dễ hình dung sự bất bình đẳng giữa vợ chồng họ. Tuy nhiên, tiếp xúc với vợ chồng anh ngay trong ngôi nhà chật hẹp này mới thấy sự chia sẻ công việc trong gia đình là “chuẩn” của bình đẳng.

Chẳng hạn, “lịch làm việc” buổi sáng ngày thứ bảy 27/2 của vợ chồng anh như sau: 6g45 - chị Hằng (vợ nghệ sĩ Hoài Ân) đi chợ. 7g - Hoài Ân làm bữa ăn sáng với món nui nấu sườn heo. 7g30 – chị Hằng đưa bé Đỗ Tín Nghĩa đi học. Hoài Ân tiếp tục cho bé Đỗ Hào Hiệp ăn sáng và rửa chén bát. 9g chị Hằng có khách đến gội đầu. Hoài Ân đưa con lên gác và tiếp khách. 10g – chị Hằng có khách hàng tiếp theo. 11g - Hoài Ân đi đám giỗ. 11g30 - chị Hằng rước con về và chuẩn bị bữa trưa. 
 
Nhắc đến chuyện bình đẳng, Hoài Ân khẳng định: “Mình tin chuyện bình đẳng giới sẽ thành hiện thực. Vấn đề còn là thời gian”. Anh nói: “Thế hệ trẻ bây giờ được sống trong môi trường bình đẳng. Nói đâu xa, ngày 8/3 mà mình không tặng hoa cho bà xã là thằng con nhắc liền…”. Nhắc lại thắc mắc của nhiều người về độ chênh tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, anh bảo: “Riêng cái đó là đàn ông… ưu tiên cho phụ nữ. Nếu phân tích kỹ thì đó là bất bình đẳng với nam”. 
 
4. Gặp một đôi vợ chồng lao động thời vụ ở Q.7, TP.HCM. Đó là vợ chồng của chị Huỳnh Thị Kim Phượng (1981)  và anh Phan Việt Trung (1977), ngụ Gò Công Đông, Tiền Giang. Họ thành vợ chồng nhờ mai mối, nhưng do cả hai đều hiền nên sáu năm cưới nhau chẳng hề xích mích gây gổ gì. Ngày ra riêng, bố mẹ hai bên cho mảnh đất nhỏ cất nhà. Nhưng công việc cuốc đất làm thuê theo thời vụ ở quê chẳng nuôi nổi bốn miệng ăn (hai vợ chồng, hai con).
 
Vợ chồng họ mang con gửi cho ông nội, bán đất, lấy ít tiền mua chiếc xe hon đa cũ và chở nhau lên TP.HCM kiếm việc làm. Ba năm nay cứ đèo nhau chạy kiếm việc khắp các công trình ở TP.HCM. Thỉnh thoảng vợ chồng về quê thăm con và mang tiền phụ cho ông bà nội. Cuộc sống vất vả nhưng gương mặt họ vẫn rất tươi. Hỏi về chuyện bình đẳng giới, vợ chồng anh cười và cùng kết luận: “Theo tụi em, đồng vợ đồng chồng là bình đẳng rồi”.
 
Theo Phụ nữ online

.