(QNg)- Với tuổi đời còn khá trẻ, nhưng anh Lê Hồng Rít, ở thôn Phước An, xã Bình Khương (Bình Sơn) đã sở hữu mô hình kinh tế VAC trị giá gần trăm triệu đồng. Chúng tôi đến xã Bình Khương tìm gặp anh Rít, hầu như bà con ở địa phương không ai không biết anh. Họ bảo: “Cứ đi thẳng về hướng nhiều cao su là thấy trang trại của nó". Và tôi gặp anh Rít tại trang trại của anh nằm trên vùng đất đồi.
Trò chuyện với anh, tôi được biết anh vừa lo công việc trang trại, vừa kiêm thêm nghề thú y. "Mình tranh thủ thời gian vận dụng kiến thức đã học để giúp bà con, lại có thêm thu nhập, đúc kết nhiều kinh nghiệm quý báu khi tiếp xúc với từng loại bệnh của con vật nuôi. Từ đó mình chủ động phòng ngừa cho gia súc gia cầm ở trang trại, nên hạn chế được dịch bệnh xảy ra"- anh Rít tự tin chia sẻ với tôi.
Những ngày đầu khởi nghiệp, anh được bạn bè gọi là Rít "liều". "Bạn bè thường nói tôi liều quá, không ai điên gì vào nơi "vườn không mông quạnh" ở một mình. Nhưng cũng chính sự "liều" ấy, với quyết tâm dám nghĩ, dám làm đã giúp anh Rít gây dựng nên trang trại từ những khởi đầu với nhiều khó khăn. Anh là con út trong gia đình, bố mẹ làm nông, quanh năm kinh tế gia đình chẳng khá lên. Sau khi ba anh em của anh trưởng thành, kinh tế gia đình càng khó khăn hơn.
Anh Rít đang cho cá ăn. |
Học hết phổ thông và khi ước mơ vào đại học không thành hiện thực, anh Rít trở về mở hướng phát triển kinh tế trang trại. Anh theo học hai năm hệ trung cấp ngành Chăn nuôi thú y (Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Quảng Nam) để vừa có nghề, vừa có kiến thức thực hiện mô hình kinh tế trang trại. Trong thời gian học ở Quảng Nam, anh thường đi tham quan các mô hình kinh tế để tích lũy kinh nghiệm.
Trở về địa phương, anh Rít bàn bạc với gia đình vay mượn tiền từ gia đình, người thân để làm kinh tế trang trại. Ban đầu anh tự cắt tranh, lợp chòi ở một mình, rồi đào ao nuôi đủ các loại cá mè, trắm cỏ…, với 700m2 ao nuôi, sau thời gian chăm sóc, anh thu hoạch cá lứa đầu tiên được 8 triệu đồng. Anh đào giếng để lấy nước sạch nuôi lứa cá tiếp theo và xây 3 hồ nuôi ba ba. Nói về ý tưởng nuôi ba ba, anh Rít cho biết: Năm 2009 sau khi đi tham khảo một số mô hình làm kinh tế, anh quyết định đầu tư mô hình nuôi ba ba. Bởi đây là loại đặc sản cho giá trị kinh tế cao, lại dễ nuôi, thức ăn cho chúng dễ kiếm, chủ yếu là cá, ốc.
Sau hơn một năm ba ba cho thu hoạch lứa đầu tiên với hơn 30 triệu đồng, trừ chi phí anh lãi 15 triệu đồng. Nhận thấy nghề nuôi ba ba hiệu quả, năm 2010 anh vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn vay thanh niên để đầu tư xây dựng hai ô nuôi ba ba tiếp theo. Với diện tích nuôi mới, anh tăng số lượng ba ba lên trên 450 con. Không những thành công với mô hình nuôi baba, hiện nay anh Rít có mô hình kinh tế VAC khá hiệu quả, với diện tích hơn 1ha, trong đó hơn 1000 m2 ao hồ gồm 5 ô nuôi ba ba, 700m2 ao nuôi cá.
Bên cạnh đó anh còn đầu tư nuôi 3 con bò lai sind, 400 con gà, 200 con vịt; ngoài ra, thu hoạch từ kinh tế vườn mía, mì đều đạt trên 15 tấn/năm, hằng năm anh thu lãi gần trăm triệu đồng. Từ mô hình kinh tế trên anh Rít đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động tại địa phương. Tuy khá bận rộn với kinh tế trang trại, nhưng anh Rít luôn tranh thủ thời gian làm thêm công tác thú y, truyền đạt kinh nghiệm giúp không ít bà con trong vùng phát triển kinh tế chăn nuôi.
Nhờ kiến thức trong nghề thú y cũng như đi tham quan nhiều mô hình tại các địa phương, anh trở thành "chuyên viên" trong việc hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng cho đoàn viên thanh niên và bà con tại địa phương. Không những là một thanh niên làm kinh tế giỏi, anh Rít từng là cán bộ đoàn xã năng nổ, nhiệt tình, thường xuyên giúp đỡ kỹ thuật chăn nuôi cho thanh niên địa phương.
Bài, ảnh: KIM NGÂN