(QNĐT)- Ở cái tuổi 36 nhưng anh Nguyễn Hữu Hồng ở thôn Phước An, xã Bình Khương (Bình Sơn) đã sở hữu một trang trại hơn nửa tỉ đồng, gồm 10 ha bạch đàn và keo, đàn dê, bò trên 60 con...
Sau khi xuất ngủ, anh Hồng lập gia đình và sống chung với bố mẹ. Hai vợ chồng không có nghề nghiệp nên chỉ sống dựa vào 3 sào ruộng mượn của bố mẹ. Ngày tháng cứ thế qua đi. Cuộc sống lam lũ đè nặng trên đôi vai đôi vợ chồng.
Trang trại keo và bạch đàn của anh Hồng. |
Được gia đình cho “kế thừa” 10 ha đất rừng do ông bà khai hoang để lại, hàng ngày anh chị thức dậy từ sáng sớm nấu cơm mang vào rừng để đào từng cái hố trồng bạch đàn và cây keo do không có tiền thuê mướn nhân công.
Sau hơn 3 năm, 10 ha đất trống ngày nào đã được anh chị đã phủ xanh với hàng nghìn cây bạch đàn và keo lai.
Năm 2007, Hội nông dân xã Bình Khương tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê Bách Thảo, anh Hồng nhận thấy trang trại của mình có đủ điều kiện để nuôi nên anh quyết định thế chấp sổ đỏ vay vốn ngân hàng 30 triệu đồng để mua lại đàn dê 36 con (trong đó có 14 dê giống) về nuôi. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên đàn dê của anh đã chết gần phân nửa. Không nản lòng, anh tìm đến các trang trại lân cận để học hỏi kinh nghiệm.
Anh cho biết: “Bản thân con dê vốn là động vật hoang dã nên ít bị bệnh, dễ nuôi. Chủ yếu mắc các bệnh thông thường như chướng hơi dạ cỏ (sình bụng). Chỉ cần cho dê uống thuốc kịp thời là ổn”.
Kiểm tra sức khoẻ đàn dê. |
Trung bình 18 tháng dê đẻ 3 lứa. Mỗi lứa từ 1 - 2 con. Dê con nuôi chừng 8 tháng được 25 - 28 kg là có thể bán thịt với giá 60.000 đồng/kg. Nhờ giá ổn định nên chỉ sau 3 năm anh đã trả hết nợ ngân hàng và đàn dê cũng được nhân lên thành 60 con.
Không chỉ nuôi dê, trồng rừng mà vợ chồng anh còn phát triển đàn bò. Cũng xuất phát từ sự nghèo khó nên từ một con bò giống có từ trước, vợ chồng anh vừa nhân giống vừa bán bò thịt. Đến nay anh chị đã có đàn bò 9 con, trong đó có 3 bò giống.
Vợ chồng anh Hồng còn bắt tay vào đào ao nuôi cá nước ngọt, nuôi gia cầm. Đến nay đàn gà của anh chị đã lên đến gần trăm con. “Trang trại trên đồi núi nên khó khăn trong việc chợ búa. Vì vậy đàn gà chủ yếu phục vụ nhu cầu hàng ngày của gia đình cũng như tiếp khách” - chị Loan, vợ anh Hồng thổ lộ.
Khát vọng làm giàu luôn cháy bỏng trong chàng trai trẻ này. Vì vậy mà anh chưa bao giờ hài lòng với những gì mình đã có. Từ hai bàn tay trắng, sau hơn 3 năm cần cù lao động, vợ chồng anh Hồng đã sở hữu khối tài sản hơn nửa tỷ đồng, điều mà không phải thanh niên nào ở nông thôn cũng làm được. “Nhưng đây là số tiền còn nằm trên rừng. Chúng tôi cần phải tiếp tục đầu tư để có lợi nhuận cao” - anh Hồng bộc bạch.
Anh Hồng cũng cho biết, sắp tới vợ chồng anh sẽ phát triển mô hình lợn rừng lai, vì thịt lợn rừng có giá cao, đầu ra ổn định, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Bài, ảnh: Trịnh Phương