Chỉ vì những lý do: Phải viết kiểm điểm, bố mẹ ép học tập, sợ bị bố mắng vì mải chơi game, tiêu hết 16.000 đồng nhiều cái chết thương tâm ở cái tuổi học trò đã xảy ra. Những sự việc đó không chỉ gây bàng hoàng dư luận mà còn cho toàn xã hội: Vì sao các em lại có hành động như vậy?
Phản ứng tiêu cực do thiếu kỹ năng sống
Qua khảo sát của Viện Nghiên cứu Môi trường và các vấn đề xã hội (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) đối với nhóm trẻ vị thành niên tại Hà Nội cho thấy, một bộ phận trong số các em thiếu sự tự tin trong cuộc sống và các em có nhu cầu được học kỹ năng sống...
"Ngày 1/4/2010, một học sinh Trường THCS Quang Trung (Lý Thường Kiệt, phường 8, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) bất ngờ nhảy từ tầng 3 xuống sân trường, bị thương nặng. Theo những học sinh có mặt tại hiện trường thì khoảng 7 giờ 45 phút, T. vào lớp với vẻ mặt rất buồn. Lát sau, T. vùng bỏ chạy ra khỏi lớp (tầng 2) rồi chạy thẳng lên tầng 3, leo qua lan can nhảy xuống đất.
Chị Nguyễn Thị Lan Hương (giáo viên tiểu học), mẹ của T. tâm sự thường xuyên bị cô giáo dạy Văn la rầy trước lớp vì bài kiểm tra bị điểm kém. Sáng 1/4, cô hiệu trưởng có mời T. lên để khuyên bảo, động viên. Sau đó, chị Hương nhận được điện thoại của trường thông báo vụ việc trên".
Một vài biểu hiện về cách giao tiếp ứng xử của học sinh hiện nay cũng khiến người lớn không khỏi giật mình: Gặp thầy không thèm chào vì ghét, học sinh tạt axít vào mặt thầy giáo...
Không chia sẻ được với chính những người thân, với cha mẹ của mình, một bộ phận giới trẻ tự tìm đến những phương tiện kết nối như Internet, trung tâm tư vấn. Tại một diễn đàn (không tiện dẫn đường link), học sinh còn nêu lên những biện pháp...tự tử êm ái. Có học sinh vì buồn chuyện không hòa nhập được ở môi trường mới tự lập topic: "Chán đời muốn chết" để tìm những lời khuyên... tự tử. Nhiều phản hồi khuyên can nhưng có những phản hồi không kém phần tiêu cực.
Th.S Trần Thu Hương, giảng viên khoa Tâm lý, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: Để hạn chế tình trạng tự tử ở lứa tuổi học sinh, thì những người đang đứng trên bục giảng, bên cạnh những kiến thức học đường, cần nắm bắt được tâm tư, sự phát triền tâm sinh lý của mỗi cá nhân học sinh.
Từ đó mới có thể giúp học sinh hiểu được ở lứa tuổi mình những điều mình nên làm, những điều mình không nên làm. Nắm bắt kịp thời những biểu hiện bất thường của các em, để nhà trường và gia đình thông tin cho nhau biết, còn có biện phá ngăn chặn những hành vi nông nổi của các em.
Ở lứa tuổi học trò, nhất là lứa tuổi dậy thì, học sinh cần phải hiểu rằng nhà trường, gia đình, bè bạn chính là chỗ mình có thể nương tựa, chia sẻ ở mọi nơi mọi lúc. Như vậy, suy nghĩ "muốn được giải thoát", "chán sống", "ghét tất cả"...không còn trong suy nghĩ của các em nữa.
Ngay từ lứa tuổi học sinh cần phải cho các em biết rằng nhà trường, gia đình bạn bè là chỗ mình có thể nương tựa, chia sẻ mọi nơi mọi lúc để hạn chế tối thiểu suy nghĩ "chán sống", "ghét tất cả"...
Vấn đề giao tiếp, ứng xử với thầy cô, bạn bè là nội dung được rất nhiều học sinh quan tâm. Tổng đài tư vấn 1900.58.58.89 đã chia sẻ và giải đáp một lượng lớn các thắc mắc liên quan đến chủ đề này. Những vấn đề các em quan tâm là: Làm thế nào để hòa mình trong nhóm bạn; để cho bạn hiểu về mình hơn; cảm thấy bị cô giáo ghét thì làm thế nào; không muốn thầy gọi "chúng mày", xưng "tao"...
Khảo sát về cuộc gọi đến, trong 2 tháng đầu năm 2010, có 1.500 cuộc/tổng số cuộc gọi tư vấn, chiếm hơn 60% là học sinh hỏi về kỹ năng sống.
Khảo sát của Viện Nghiên cứu môi trường và các vấn đề xã hội về thực trạng và nhu cầu được đào tạo kỹ năng sống của nhóm trẻ vị thành niên tại 2 trường trên địa bàn Hà Nội đã dẫn một số kết quả trả lời của học sinh như sau: Với câu hỏi:"Bạn đã bao giờ được học về kỹ năng sống chưa?", ý kiến trả lời: 12.2% được học một lần, 5,8% được học nhiều lần và 82% chưa bao giờ được học kỹ năng sống.
Với câu hỏi: "Theo bạn việc trang bị kỹ năng sống có cần thiết không?" thì có 70,6% trả lời là rất cần, 25,8% trả lời là cần thiết. Câu hỏi "Gặp khó khăn trong cuộc sống, em thường giải quyết như thế nào?". Có 42,9% trả lời cố gắng tự giải quyết, 52,4% tìm sự giúp đỡ của người khác và 4,7% mặc kệ, mọi chuyện rồi sẽ qua.
Tổ khảo sát khẳng định: Những con số và thông tin trên cho thấy sự thiếu tự tin trong cuộc sống của các em và các em có nhu cầu được học về kỹ năng sống.
Theo Tin tức