Khi võ sỹ treo găng đi... trồng gấc

09:02, 27/02/2010
.

Đang là vận động viên quyền Anh quốc gia, Ngô Sỹ Đạt quyết định "rẽ ngang" đi làm kinh tế, trở thành ông chủ trang trại gấc lớn nhất miền Bắc.
 
Boxer cấp quốc gia
 
Gặp Đạt lần đầu tiên, tôi khó có thể hình dung chàng trai đang ngồi đối diện... mới chưa đầy 24 tuổi bởi cái vẻ ngoài có vẻ già dặn, lại càng ngạc nhiên hơn khi anh chìa cái tấm "cạc" giới thiệu khá ngắn gọn: Ngô Sỹ Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Gấc Việt (Hướng Đạo, Tam Dương, Vĩnh Phúc).
 
 
Anh Đạt bên thành quả lao động của mình.
Anh Đạt bên thành quả lao động của mình.
Ngày còn nhỏ, Đạt theo bạn đi học võ ở Cung thể thao quần ngựa (Hà Nội). Anh bảo, học chỉ để cho vui và rèn luyện sức khỏe thôi. Mãi đến hè năm lớp 9, Đạt theo học quyền anh và bắt đầu "bén duyên" với nghiệp võ, được gọi vào đội tuyển của thành phố Hà Nội.
 
Đầu năm 2005, Đạt được gọi lên đội tuyển Quốc gia, "khăn gói" xuống Nhổn tập luyện và vào học ở trường Văn hóa Thể thao. Cũng trong năm đó, anh đã được cử đi thi đấu các giải vô địch châu Á, vô địch quốc gia, "nhưng nói thật, sức mình cũng chỉ ở mức nhàng nhàng", Đạt cười.
 
Vậy nên, sau 3 năm gắn bó với quyền anh, cuối năm 2005, anh quyết định giã từ sự nghiệp mà ngày trước, Đạt đã từng mong muốn sẽ gắn bó cả đời.
 
"Thú thực, khi đưa ra quyết định ấy, tôi cũng thấy tiếc và hơi buồn. Nhưng nghĩ lại thấy mình còn nhiều mục tiêu để theo đuổi, quan trọng nhất vẫn là bản lĩnh của mình có dám vượt lên hay không", Đạt tâm sự.
 
Đi làm thuê nuôi chị học cao đẳng
 
Cũng thời gian này, công việc buôn bán của mẹ Đạt không thuận lợi. Kinh tế gia đình bắt đầu rơi vào khó khăn. Chị gái anh đang học trường Cao đẳng du lịch Hà Nội có nguy cơ phải nghỉ học để đi làm.
 
Thương chị, lại nghĩ mình là con trai "sức dài vai rộng", Đạt nhận đi làm thuê bất kể việc gì. Sau đó, nhờ có người giới thiệu, anh vào làm cho một công ty thời trang có tiếng, lương tháng cũng "đủ để lo tiền học cho chị gái và tích góp mua xe cho chị đi".
 
Làm ở cửa hiệu, Đạt thường xuyên tiếp xúc với giới thượng lưu. Chàng trai 19 tuổi đã bắt đầu choáng ngợp bởi sự giàu có của các "đại gia".
 
Nhưng cũng chính thời điểm đó, anh đã hiểu được giá trị của những đồng tiền, "làm ra tiền không dễ, nhưng cái quan trọng nhất là những đồng tiền ấy phải là mồ hôi công sức của mình". Khát khao làm giàu cứ âm ỉ cháy trong anh.
 
Vừa làm, vừa đọc báo, anh nhận thấy dầu gấc đang rất có giá trị trên thị trường trong nước và quốc tế. Cây gấc lại dễ trồng và dễ chăm bón. Vậy là ý tưởng lập nghiệp bằng cây gấc bắt đầu nhen nhóm trong đầu Đạt.
 
Hiện hực hóa ý tưởng
 
Khi Đạt nói ý tưởng ấy cho mọi người trong gia đình, bố anh là người phản đối kịch liệt nhất. Ông đã có lý khi cho rằng, Đạt chưa hề biết đến công việc của nhà nông, lại không có vốn thì làm sao có thể trụ được. May thay, mẹ anh lại là người ủng hộ quyết định bỏ Hà Nội để lên Vĩnh Phúc trồng gấc của cậu con trai út.
 
Nhà Đạt vốn có hơn 2ha đất đồi ở làng Quế, xã Hướng Đạo. Lên đồi cũng có nghĩa Đạt bắt đầu học làm nông dân. Hai bàn tay của chàng trai Hà Nội vốn chỉ quen với việc tập luyện nay phải cầm xẻng đào đất, đóng cọc tre làm giàn đau rát, phồng rộp lên.
 
Ngày làm, tối về mẹ phải lấy dầu xoa bóp cho anh. Chưa kể đến những thiếu thốn trong sinh hoạt, bữa cơm không còn được đầy đủ như những ngày ở phố, lại phải sống biệt lập với người dân, nhìn quanh chỉ thấy đất đồi trập trùng, đêm đêm nghe tiếng côn trùng kêu rỉ rả gợi cảm giác hoang vu.
 
"Lúc đó mình thấy sao mà thèm được nghe tiếng ồn ào của phố phường đến thế", anh bùi ngùi nhớ lại. "May mà bên tôi luôn có mẹ. Mẹ là điểm tựa vững chắc cho tôi, cho tôi niềm tin và động lực".
 
Nhờ số vốn vay được của người hàng xóm trong khu tập thể được hơn chục triệu, Đạt bắt xe xuống Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang chọn mua cây giống. "Mình chọn mua ở nhiều nơi để đề phòng bất trắc xảy ra, vì có thể một giống gấc nào đó không phù hợp với đất đồi, như thế sẽ không bị mất trắng", Đạt chia sẻ.
 
Dẫu đã được tính toán đến những thiệt hại có thể xảy ra, song cả hai mẹ con anh đều không thể ngờ được rằng, hơn 200 gốc gấc trồng từ tháng 6 đã cằn cỗi do vào mùa hè không có đủ nước tưới. Nhìn giàn gấc, anh đã ngao ngán, thất vọng.
 
Cuối năm đó, hai mẹ con anh quyết định trồng su su lấy ngọn để "bù lỗ". Ông trời đã không phụ công người, vụ đó anh thu lãi gần 30 triệu từ tiền bán ngọn su su, trả hết nợ cho người hàng xóm và đầu tư mua tre về làm giàn cho gấc leo, làm giếng khoan để lấy nước tưới cho gấc. Đầu năm 2006, gặp mưa xuân nên vườn gấc lên xanh mơn mởn. Đạt hiểu, vậy là anh đã sống.
 
Làm giám đốc khi chưa học hết... lớp 10
 
Gấc cho thu hoạch về cuối năm. Vậy nên, ngay khi gấc đang bước vào thời kỳ sinh trưởng, Đạt đã nhanh chóng đi tìm mối ra cho sản phẩm. Không có mối quan hệ quen biết nào, anh phải đi gõ cửa nhiều công ty, doanh nghiệp chuyên lấy tinh dầu gấc.
 
"Những ngày ấy cũng căng thẳng lắm. Có nơi họ thấy mình trẻ, lại mới làm ăn nên còn tỏ ý nghi ngờ". Đến khi hợp đồng đầu tiên được ký, anh mới thở phào yên tâm. Vậy là khâu quan trọng nhất đã được giải đáp. Anh liền đi vay mượn thêm hơn 100 triệu đồng để đầu tư mua 6 giàn máy sấy gấc. Vụ đó thắng lớn, Đạt thu về hơn 100 triệu đồng.
 
Để thuận lợi cho công việc kinh doanh, tháng 3/2008, Công ty TNHH Gấc Việt được thành lập, giám đốc là ông chủ 22 tuổi. Cũng từ đó, tên tuổi của Đạt cùng Công ty Gấc Việt đã lan rộng, đến tận các tỉnh trong Nam.
 
Những hợp đồng làm ăn liên tục được gửi đến, giá trị lên tới hàng trăm triệu. "Đặt tên công ty là Gấc Việt, mình chỉ với mong muốn khẳng định được thương hiệu của mình, mong muốn gấc Việt Nam sẽ vươn rộng ra thị trường thế giới", Đạt chia sẻ...
 
Một điều thú vị nữa về "giám đốc nông dân" Ngô Sỹ Đạt như anh tự nhận, đó là anh chưa học hết... lớp 10. "Có lẽ một phần vì thế nên tôi đã không thể tránh khỏi những thất bại trong kinh doanh, có lần bị một công ty "quỵt nợ" gần hai chục triệu đồng".
 
Dẫu vậy, anh vẫn có niềm tin khi thông báo cho tôi tin vui: "Tôi vừa kết thúc khóa đào tạo dành cho doanh nhân của Viện Quản trị Kinh doanh, trường Đại học Kinh tế Quốc dân".
 
Theo Bee

.