Giải pháp hạn chế dịch bệnh trên tôm

09:03, 17/03/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Với việc ứng dụng công nghệ tuần hoàn nước, Công ty TNHH Khoa học nuôi trồng thủy sản và môi trường SAEN (Công ty SAEN) đã giúp người nuôi tôm không chỉ hạn chế nguy cơ dịch bệnh đối với tôm nuôi, mà còn giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường.
 
[links()]
 
Nhiều năm trở lại đây, các loại bệnh xuất hiện trên tôm nuôi khiến cho nhiều hộ nuôi tôm bị thiệt hại. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tôm mắc bệnh là do ô nhiễm nguồn nước, môi trường nuôi tôm. Do đó, việc áp dụng công nghệ tiên tiến để xử lý nước, đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho tôm là rất cần thiết. Từ thực tế đó, Công ty SAEN phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 đăng ký thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ quản lý ổn định môi trường nước trong ao nuôi tôm siêu thâm canh ở huyện Mộ Đức”, thời gian từ tháng 7/2020 -12/2022.
 
Ứng dụng công nghệ tuần hoàn nước sẽ giúp nuôi tôm hiệu quả hơn.
Ứng dụng công nghệ tuần hoàn nước sẽ giúp nuôi tôm hiệu quả hơn.
Nhóm đề tài đã lựa chọn công nghệ tuần hoàn nước (RAS) cải tiến để thích ứng và ứng dụng trong mô hình tại địa phương. Hệ thống RAS nuôi tôm thẻ chân trắng hoặc nuôi tôm sú bao gồm các bộ phận: Bể nuôi tôm bằng khung sắt lót bạt, trống lọc tách thải rắn tự động (do Công ty SAEN sản xuất) và lọc sinh học kích thích vi sinh tự nhiên, máy bơm tuần hoàn nước. Tôm nuôi sẽ được chia làm 3 giai đoạn trong 3 bể nuôi khác nhau. Ở giai đoạn đầu tiên, tôm được nuôi trong bể nuôi 100m2 với thời gian 30 ngày. Ở giai đoạn 2, tôm được chuyển qua một bể nuôi khác 200m2 và nuôi trong thời gian từ 30 - 50 ngày. Đến giai đoạn 3, tôm sẽ được tách ra nuôi trong 2 bể (200m2/bể) với thời gian nuôi từ 40 - 50 ngày.
 
Theo công nghệ này, toàn bộ diện ích nuôi đều sử dụng khung sắt lót bạt. Trong quá trình nuôi không phải thay nước, môi trường nuôi sẽ được xử lý liên tục qua 2 hệ thống xử lý chất thải rắn bằng màng lọc và chất thải hòa tan bằng vi sinh. Nước trong ao nuôi luân chuyển liên tục, sau khi qua xử lý, nguồn nước nuôi tôm được trả về hồ đảm bảo các tiêu chí sạch, an toàn để cho tôm phát triển, hạn chế tối đa dịch bệnh, không sử dụng các chất kháng sinh.
 
Theo Tiến sĩ Nguyễn Nhứt (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2), trong vật liệu lọc sinh học mà đề tài nghiên cứu sẽ kích thích vi sinh phát triển để hấp thụ các chất hòa tan gây ô nhiễm. Các vi sinh trong bể lọc sinh học còn là nơi phát tán ra các enzim để chống lại các vi khuẩn gây mầm bệnh. Với các công nghệ khác, khi thực hiện thay nước ao nuôi rất dễ mang vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng vào bể, dù có xử lý như thế nào cũng không hết được. Với công nghệ này, việc không thay nước sẽ ngăn chặn được con đường lây lan nguồn bệnh theo dòng nước vào bể. Ngoài ra, với phương pháp nuôi theo từng giai đoạn trong thời gian ngắn, khi mầm bệnh chưa kịp phát triển thì bể đã được vệ sinh và thả tôm vào lại. Còn nuôi trong một bể với thời gian dài, mầm bệnh sẽ xuất hiện nhiều hơn.
 
Đề tài đã tiến hành thử nghiệm xây dựng một mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng và một mô hình nuôi tôm sú thâm canh với quy mô 700m2/mô hình tại xã Đức Chánh (Mộ Đức). Kết quả, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng có tỷ lệ sống đạt 75 - 80%; năng suất đạt 31 tấn/ha/vụ; kích cỡ trung bình tôm thu hoạch 33,4 con/kg; thời gian nuôi từ 110 - 120 ngày/vụ. Mô hình nuôi tôm sú thâm canh có tỷ lệ sống đạt 75 - 78%; năng suất đạt 15,1 tấn/ha/vụ; kích cỡ trung bình tôm thu hoạch 23,8 con/kg; thời gian nuôi 160 ngày/vụ. Ngoài ra, mô hình còn quản lý môi trường nước ao nuôi luôn ổn định tối ưu bằng kỹ thuật tuần hoàn (RAS), tái sử dụng nước không xả thải trong suốt quá trình nuôi. Quá trình nuôi tôm không ghi nhận xuất hiện các bệnh nguy hiểm thường gặp như các ao nuôi thông thường và chất lượng tôm nuôi đạt tiêu chuẩn thị trường trong nước và xuất khẩu.
 
Nhóm nghiên cứu đề tài đã phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư phát triển Thái Phát Hưng tiếp nhận và làm chủ công nghệ kỹ thuật thiết kế, chế tạo thiết bị, vận hành hệ thống nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú bằng công nghệ ổn định môi trường nước tại địa phương. Đây là công nghệ mới ở Việt Nam với quy mô sản xuất điều kiện nông hộ. Chất lượng sản phẩm tôm được đánh giá tốt hơn so với cùng mặt hàng tôm thẻ chân trắng và tôm sú nuôi trong ao truyền thống. Mô hình sản xuất này phù hợp với địa phương có diện tích canh tác nhỏ như ở Quảng Ngãi.
 
Bài, ảnh: PHƯƠNG DUNG
 
 

.