(Báo Quảng Ngãi)- Để phát triển chăn nuôi bò thịt, làm cơ sở định hướng xây dựng thương hiệu thịt bò Quảng Ngãi, Trường Đại học Nông lâm (Đại học Huế) đã chủ trì thực hiện đề tài “Đánh giá, so sánh năng suất, chất lượng thịt và đề xuất giải pháp chăn nuôi hiệu quả cho các tổ hợp bò lai tại Quảng Ngãi làm cơ sở định hướng xây dựng thương hiệu thịt bò Quảng Ngãi”. Đề tài thực hiện từ tháng 7/2020- 12/2022, bước đầu đạt hiệu quả.
Chăn nuôi quy mô nhỏ chiếm tỷ lệ cao
Đề tài đã tiến hành điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng chăn nuôi tại các nông hộ và các mắt xích liên quan đến chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh. Địa điểm thực hiện nghiên cứu tại các huyện: Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, TX.Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi. Quy mô điều tra 350 hộ, trong đó có 200 hộ (mỗi địa phương 40 hộ) có nuôi bò lai chuyên thịt (bò lai BBB, lai Red Angus, lai Droughtmaster, lai Charolais); 15 người buôn bò; 10 lò giết mổ bò; 48 người bán sỉ, bán lẻ; 10 điểm bán thịt bê thui; 2 siêu thị có bán thịt bò; 50 người tiêu dùng thịt; 5 cơ sở cung cấp tinh; 10 đại lý bán thức ăn cho vật nuôi.
Nhóm nghiên cứu chất lượng chăn nuôi bò tại trang trại bò lai của ông Lê Xuân Thuyền, ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa). |
Bò thịt nuôi trong nông hộ tại Quảng Ngãi được tiêu thụ trong tỉnh chiếm 61% tổng số lượng bò thịt xuất chuồng; 39% số lượng bò được thu gom, vận chuyển đến các lò mổ ngoài tỉnh như Đà Nẵng, Nghệ An. Thịt bò giết mổ và tiêu thụ tại Quảng Ngãi chủ yếu là các loại bò lai, chiếm 94,7% tổng lượng thịt tiêu thụ trong tỉnh. Chuỗi cung ứng thịt bò ở Quảng Ngãi có 3 kênh tiêu thụ chính, gồm 32% được bán lẻ cho người tiêu dùng tại các chợ địa phương, 51% được tiêu thụ bởi các quán ăn và nhà hàng trong tỉnh và 17% lượng thịt bò được chế biến thành thịt bò khô. Riêng về thông tin thị trường, kỹ năng định giá bán bò của thương lái, người dân còn hạn chế; việc liên kết tiêu thụ còn yếu, kỹ thuật chăn nuôi hạn chế, thiếu nguồn thức ăn cho bò vào mùa mưa và dịch bệnh trên đàn bò thường xảy ra.
Đánh giá năng suất và chất lượng thịt bò lai
Đề tài đã tiến hành thiết kế thí nghiệm và khẩu phần. Thí nghiệm thực hiện tại trang trại ông Lê Xuân Thuyền, ở thôn An Hòa Nam, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa). Có 4 tổ hợp bò lai được đánh giá gồm bò lai BBB, lai Red Angus, lai Droughtmaster và lai Charolais (mỗi giống 8 con, tổng 32 con). Các giống bò được sinh ra từ tinh bò chuyên thịt tương ứng phối với bò mẹ là bò lai Brahman. Khẩu phần ăn được thiết kế ở 2 mức protein trong thức ăn tinh, gồm mức protein theo hiện trạng phổ biến của người chăn nuôi qua quá trình khảo sát (mức thấp) và mức protein theo thí nghiệm (mức cao). Bò được nuôi 2 giai đoạn: Sinh trưởng (9 tháng, từ bê 6 - 15 tháng tuổi) và giai đoạn nuôi kết thúc (3 tháng, từ 16 - 18 tháng tuổi).
Người tiêu dùng tham gia đánh giá chất lượng thịt bò của các tổ hợp chăn nuôi. |
Đề tài đã tiến hành giết mổ 32 con bò để đánh giá năng suất thịt của 4 tổ hợp bò lai. Tiến sĩ Lê Đức Thạo - Khoa Chăn nuôi (Trường Đại học Nông Lâm) cho biết, kết quả thí nghiệm sau khi giết mổ 4 tổ hợp bò lai cho thấy, năng suất thịt của 4 tổ hợp bò lai đều cao hơn so với tổ hợp bò Zêbu hiện có của tỉnh. Trong đó, năng suất thịt của tổ hợp bò BBB cao hơn so các tổ hợp còn lại, mặc dù khối lượng giết mổ của tổ hợp bò Charolais là cao nhất. Về chất lượng thịt, bò lai Red Angus có chất lượng thịt cao nhất. Qua đánh giá của người tiêu dùng, thịt bò của tổ hợp lai Red Angus được đánh giá cao hơn các tổ hợp còn lại. Tuy nhiên, nhược điểm chung về chất lượng thịt của 4 tổ hợp lai này là độ dai của thịt ở mức trung bình và cao.
Giải pháp nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Dũng, Khoa Chăn nuôi Thú y (Trường Đại học Nông lâm) cho biết, từ kết quả nghiên cứu, đề tài đề xuất một số giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng trong chăn nuôi bò ở Quảng Ngãi. Về con giống, trong 4 tổ hợp bò lai nghiên cứu, đề tài khuyến nghị 3 tổ hợp bò lai gồm lai BBB, lai Charolais và lai Red Angus nên được sử dụng trong chăn nuôi tại Quảng Ngãi và các địa phương có điều kiện tương tự.
Bò nuôi theo thí nghiệm khẩu phần ăn. |
Về thị trường tiêu thụ, việc bán bò vẫn chủ yếu qua thương lái nhỏ lẻ trong tỉnh đi thu mua (hơn 82%). Việc kết nối với thị trường tiêu thụ từ người chăn nuôi hiện tại chưa thực hiện. Chuỗi từ người nuôi bò đến người tiêu thụ thịt bò vẫn còn nhiều mắt xích và mang tính manh mún. Hiện tượng ép giá vẫn còn xảy ra. Do vậy, cần thiết phải có sự kết nối với thị trường tiêu thụ bò thịt, đảm bảo sự ổn định đầu ra trong chăn nuôi bò. Để làm được điều đó, cần phải hình thành các tổ hợp tác; hợp tác xã chăn nuôi; doanh nghiệp cổ phần chăn nuôi bò thịt; tạo điều kiện để các doanh nghiệp chủ động kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Có như vậy, chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh mới phát triển bền vững.
Bài, ảnh:
PHƯƠNG DUNG