(Báo Quảng Ngãi)- Cá bống sông Trà đã trở thành đặc sản của Quảng Ngãi, có giá trị kinh tế cao nên người dân thường khai thác quá mức, khiến loài cá này đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Trước thực trạng đó, Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt miền Trung đã nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo và nuôi thử nghiệm thương phẩm cá bống cát sông Trà.
Đây là tiền đề để tiến tới phát triển nghề nuôi cá bống cát sông Trà, duy trì sinh kế cho cộng đồng làm nghề khai thác thủy sản ven sông Trà Khúc, góp phần giữ vững thương hiệu cá bống sông Trà của Quảng Ngãi.
Nghiên cứu sinh sản nhân tạo
Năm 2019, Sở KH&CN đã giao Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt miền Trung thực hiện đề tài “Nghiên cứu sinh sản nhân tạo và nuôi thử nghiệm thương phẩm cá bống cát sông Trà tỉnh Quảng Ngãi”, nhằm đánh giá khả năng sinh sản nhân tạo, ương giống và nuôi thương phẩm loài cá bống cát sông Trà trên địa bàn tỉnh.
|
Các bể thí nghiệm nuôi cá bống cát. |
Đề tài đã tiến hành thu thập đàn cá bố mẹ từ phương pháp đánh bắt bằng ngư cụ rập (hay còn gọi là bát quái, lợp) với số lượng 3.600 con, tổng khối lượng cá thu thập 132kg, khối lượng trung bình của cá bố mẹ khoảng 47g/con, chiều dài trung bình 17,4cm/con. Đồng thời, tiến hành nuôi thuần dưỡng trong ao nuôi có độ mặn thích hợp; thức ăn sử dụng là cá biển tươi (cá cơm), sau một thời gian cá thích nghi với điều kiện nuôi trong ao thì tập cho cá ăn thức ăn công nghiệp. Qua 5 tháng thả nuôi thuần dưỡng, tổng số lượng cá thuần dưỡng là 2.071 con, khối lượng trung bình 51,3g/con. Tỷ lệ sống của cá sau giai đoạn nuôi thuần dưỡng đạt 58,1%.
“Sản phẩm của đề tài là nghiên cứu đầu tiên ở nước ta về loài cá bống cát sông Trà Khúc. Đây là các sản phẩm rất có ý nghĩa về mặt khoa học, hình thành bước đầu về công nghệ sản xuất giống và nuôi cá bống cát, là cơ sở để tiếp tục thực hiện các nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sinh sản nhân tạo, ương giống và nuôi thương phẩm cá bống cát sông Trà trong những năm tới”.
Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt miền Trung
LÊ VĂN DIỆU
|
Từ số lượng cá nuôi thuần dưỡng, đề tài tiến hành nuôi vỗ phát dục thành thục cá bố mẹ trong ao nước ngọt và ao nước lợ. Thời gian nuôi vỗ cá bố mẹ từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm. Kết quả cho thấy, tỷ lệ cá phát dục thành thục trong ao nước lợ cao hơn trong ao nước ngọt, với tỷ lệ trung bình đối với cá cái là 36,4% so với 26,6% và cá đực là 39,8% so với 30,4%.
Đề tài nghiên cứu 2 phương pháp thụ tinh cho cá, gồm: Cho cá đẻ và thụ tinh tự nhiên và thụ tinh nhân tạo. Kết quả cho thấy, phương pháp cho cá đẻ và thụ tinh tự nhiên tỷ lệ thụ tinh trung bình đạt 48,3%; phương pháp thụ tinh nhân tạo tỷ lệ thụ tinh đạt khoảng 37,5%. Từ đó cho thấy, việc áp dụng phương pháp cho cá đẻ và thụ tinh tự nhiên là phù hợp. Nghiên cứu các loại thức ăn khác nhau trong ương giống cá bống cát cho thấy, các loại thức ăn kết hợp gồm tảo, lòng đỏ trứng gà và thức ăn công nghiệp (hoặc cá biển tươi xay) là phù hợp nhất. Kết quả các đợt sinh sản nhân tạo cá bống cát của đề tài đã thu được trên 2 triệu cá bột, ương giống thành công và thu được 148 nghìn con giống, kích cỡ 2 - 5cm/con.
|
Thu hoạch cá bống cát sông Trà nuôi thương phẩm trong ao nước lợ. |
Giám đốc Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi Võ Thành Nhân cho biết, trong các đối tượng thủy sản nước ngọt mà trung tâm phối hợp nghiên cứu thì cá bống sông Trà là đối tượng tương đối khó thực hiện. Các thí nghiệm ban đầu chúng tôi triển khai đều không thành công, do vậy chúng tôi phải nghiên cứu điều chỉnh các biện pháp kỹ thuật và mất một thời gian khá dài. Vấn đề cốt lõi trong quá trình sinh sản của cá bống từ giai đoạn nuôi vỗ đến ương cá giống quan trọng nhất là việc điều chỉnh các yếu tố môi trường và thức ăn cho phù hợp với từng công đoạn gồm: Nuôi vỗ, cho cá sinh sản, ấp trứng, ương cá giống...
Thử nghiệm mô hình nuôi thương phẩm
Từ kết quả nghiên cứu sinh sản nhân tạo và ương giống cá bống cát sông Trà, đề tài đã xây dựng mô hình thử nghiệm nuôi thương phẩm cá bống cát sông Trà với 2 hộ tham gia trong ao nước ngọt và ao nước lợ, với diện tích 1.000m2/hộ. Mô hình nuôi cá bống trong ao nước lợ (độ mặn 5 - 10ppt) được thực hiện tại hộ ông Nguyễn Hữu Còn, ở thôn Cổ Lũy, xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) từ tháng 10 - 12/2021.
|
Thả cá bống cát sông Trà để tái tạo nguồn lợi thủy sản tại xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi). |
Số lượng cá giống thả nuôi 13 nghìn con, mật độ 16 con/m2. Số lượng cá thu hoạch 9.265 con, khối lượng cá đạt 11,3g/con, sản lượng thu hoạch 105kg, tỷ lệ sống đạt 71,3%. Mô hình nuôi cá bống trong ao nước ngọt được thực hiện tại hộ ông Đặng Văn Hươi, ở thôn Hiền Lương, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi), từ tháng 8 - 10/2022, số lượng cá giống thả nuôi 85 nghìn con, mật độ 64 con/m2. Số lượng cá thu hoạch 27,572 nghìn con, khối lượng cá đạt 9,4g/con, sản lượng thu hoạch 260kg, tỷ lệ sống đạt 32,4%.
Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt miền Trung Lê Văn Diệu cho biết, mô hình nuôi thử nghiệm thương phẩm cá bống cát đã thực hiện thành công. Cá bống cát sông Trà thích nghi và sinh trưởng tốt trong cả môi trường nước ngọt và nước lợ. Sau 3 tháng nuôi, cá đạt khối lượng trung bình khoảng 10g/con, khá nhanh so với thời gian dự kiến nuôi trong thuyết minh đề tài (8 - 10 tháng). Tốc độ tăng trưởng của cá bống cát sông Trà nuôi trong ao nước lợ có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với ao nuôi trong ao nước ngọt. Tuy nhiên, sự chênh lệch này là không quá lớn. Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về khối lượng là 0,09g/ngày và chiều dài là 0,07cm/ngày. Điều này cho thấy, có thể nuôi thương phẩm cá bống cát sông Trà trong môi trường nước lợ và nước ngọt.
Thả cá giống tái tạo nguồn lợi trên sông Trà Khúc
Qua kết quả khảo sát, đề tài đã chọn được một số vị trí trên sông Trà Khúc phù hợp cho việc thả cá bống cát sông Trà tái tạo nguồn lợi. Các vị trí thả cá nằm ở phía bờ nam sông Trà Khúc, thuộc địa bàn các xã Nghĩa Phú và Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi). Tổng số cá thả gần 30 nghìn con, từ nguồn cá giống sản xuất nhân tạo và ương nuôi của đề tài. Cá bống cát được thả vào sông Trà Khúc sẽ góp phần tái tạo nguồn lợi cá bống tự nhiên đang sụt giảm, duy trì sinh kế cho người dân địa phương, góp phần phát triển thương hiệu “Cá bống sông Trà” của Quảng Ngãi.
|
Bài, ảnh:
PHƯƠNG DUNG