(Báo Quảng Ngãi)- Để nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và tiến tới xuất khẩu thực phẩm từ mực xà, Công ty TNHH MTV Minh Quang đã ứng dụng khoa học công nghệ cải tiến phương thức sơ chế, bảo quản mực xà tươi trên tàu và chế biến các sản phẩm từ mực nguyên liệu.
Đầu tư bảo quản sản phẩm
Khai thác mực xà là nghề truyền thống của ngư dân huyện Bình Sơn, tập trung chủ yếu ở xã Bình Chánh với khoảng 120 tàu thuyền (tổng công suất 79.982 CV). Sản lượng khai thác mực hằng năm đạt 4.500 tấn, doanh thu trên 590 tỷ đồng.
Tàu khai khác mực xà của ngư dân xã Bình Chánh (Bình Sơn). |
Thiết bị đánh tơi tạo bông sản phẩm chà bông mực. |
Ông Lê Văn Thọ chia sẻ, từ trước đến nay, tôi cũng như các ngư dân ở địa phương đều phơi khô mực sau khi câu được ngoài khơi. Vì phơi trên tàu vừa chật hẹp, vừa phụ thuộc vào thời tiết, bảo quản lại không đúng cách và thời gian đi biển dài ngày nên khi đem vào bờ, sản phẩm thường màu đen, có mùi và đắng nên giá bán rất thấp. “Bây giờ được dự án đầu tư hầm lạnh bằng foam bọc composite giữ được độ lạnh tốt, nên mực khi đem về đất liền đảm bảo chất lượng và được Công ty TNHH MTV Minh Quang thu mua với giá hợp lý. Nhờ đó, ngư dân thu được lợi nhuận nhiều hơn”, ông Thọ nói.
Gia tăng giá trị sản phẩm
Để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm mực xà, dự án đã phối hợp với nhóm giảng viên của Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) nghiên cứu, xây dựng quy trình xử lý nguyên liệu mực xà khô và chế biến chà bông mực.
Thạc sĩ Phan Đỗ Dạ Thảo, giảng viên bộ môn Công nghệ thực phẩm, Khoa Cơ khí và Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm cho biết, để xử lý vị chát, vị đắng trong cơ thịt mực, chúng tôi sử dụng phương pháp điều chỉnh pH kết hợp với muối NaCl hoặc sử dụng ion Na+ trong muối NaCl nhằm trung hòa hết lượng ion Cl- trong cơ thịt mực... Nguyên liệu mực xà khô được xử lý màu triệt để và loại bỏ vị chát, vị đắng khó chịu trong cơ thịt mực xà khô. Đồng thời, nhóm nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để phục hồi chất lượng cơ thịt mực trước khi tạo ra sản phẩm chà bông mực đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có giá trị dinh dưỡng cao.
Bên cạnh đó, dự án đã thực hiện chế biến 3 sản phẩm chính từ nguyên liệu mực xà khai thác gồm: 12,48 nghìn kí-lô-gam chả mực quế; 12,72 nghìn kí-lô-gam mực nhồi quế, 12,48 nghìn kí-lô-gam xúc xích mực từ mực xà tươi và 2 sản phẩm phụ là nước mắm nguyên chất 3.255 lít và mực xé tẩm từ phụ phẩm mực xà. Kết quả thử nghiệm các chỉ tiêu dinh dưỡng, kim loại nặng, vi sinh của các sản phẩm chế biến từ mực xà đều đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm theo QCVN 8-2:2011/BYT và QCVN 8-3:2012/BYT; TCVN 5107:2018; Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT; đủ điều kiện công bố sản phẩm và đưa ra tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Sản xuất xúc xích mực. |
Giám đốc Công ty TNHH MTV Minh Quang Đỗ Ngọc Vinh, chủ nhiệm dự án, cho biết, qua hơn 24 tháng triển khai, dự án “Thực nghiệm mô hình chế biến mực xà tại huyện Bình Sơn” đã đem lại hiệu quả. Theo đó, dự án đã nâng cấp chuỗi giá trị mực đại dương. Các thành phần tham gia vào chuỗi giá trị mới sẽ có giá trị cao hơn so với chuỗi giá trị cũ. Qua kết quả phân tích chi phí lợi nhuận của 2 nhóm tác nhân trong chuỗi cho thấy, đối với nhóm tác nhân khai thác mực, sản phẩm mực khô trước khi nâng cấp có giá bán là 120 nghìn đồng/kg và sau khi nâng cấp có giá 150 nghìn đồng/kg. Đối với nhóm tác nhân thu mua, chế biến, tiêu thụ, trước khi nâng cấp, sản phẩm sau chế biến là mực khô tẩm gia vị có giá trị là 300 nghìn đồng/kg; sau khi nâng cấp, sản phẩm sau chế biến là chà bông mực có giá trị là 500 nghìn đồng/kg.
Ngoài ra, dự án đã góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch (30%) so với việc khai thác và bảo quản trước đây; tạo mới các sản phẩm có giá trị gia tăng từ nguồn nguyên liệu mực xà, đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm, bổ dưỡng và tiện lợi. Đồng thời, hình thành chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và ngư dân trong khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo hướng bền vững.
Bài, ảnh:
PHƯƠNG DUNG
Có 4 doanh nghiệp tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2022
Hội đồng sơ tuyển Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2022 tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất đề xuất 4/5 hồ sơ hợp lệ và đủ điều kiện tham dự giải, gồm: Công ty CP Đường Quảng Ngãi, Công ty CP Đầu tư xây dựng Thiên Tân; Công ty CP Dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi và Công ty CP Hóa chất Quảng Ngãi.
Theo kết quả đánh giá hồ sơ báo cáo của các doanh nghiệp, về cơ bản các doanh nghiệp đã bám sát theo hướng dẫn mẫu báo cáo tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2022 của Bộ KH&CN, kết quả hoạt động kinh doanh có hiệu quả; đồng thời không vi phạm các quy định của pháp luật về thuế, bảo hiểm xã hội và môi trường; đóng góp tích cực vào các hoạt động an sinh xã hội và hỗ trợ cộng đồng.
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ trao cho các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, đồng thời đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội.
ANH KHUÊ
|