Xây dựng cơ sở dữ liệu 4D phục vụ phát triển du lịch Lý Sơn

10:04, 12/04/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bằng công nghệ GIS (Geographic Information Systems, là công cụ dùng để thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu từ không gian địa lý...), Trường Đại học Huế đã xây dựng thành công cơ sở dữ liệu 4D phục vụ việc quản lý cơ sở dữ liệu và quảng bá du lịch Lý Sơn theo hướng tích hợp công nghệ hiện đại.
[links()]
 
Tiềm năng du lịch của đất đảo
 
Với diện tích 10km2, huyện Lý Sơn hiện có 56 di tích lịch sử, văn hóa. Với số lượng di tích ấy, huyện Lý Sơn có tiềm năng du lịch rất lớn.
 
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương - Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế, Chủ nhiệm đề tài, trao giấy chứng nhận chuyển giao sản phẩm khoa học cơ sở dữ liệu 4D cho lãnh đạo UBND huyện Lý Sơn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương - Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế, Chủ nhiệm đề tài, trao giấy chứng nhận chuyển giao sản phẩm khoa học cơ sở dữ liệu 4D cho lãnh đạo UBND huyện Lý Sơn.
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, huyện Lý Sơn chỉ đón được trên 39 nghìn du khách, giảm gần 55% so với năm trước đó. Tuy nhiên, sau khi mở cửa đón khách trở lại, chỉ riêng trong dịp tết Nhâm Dần 2022, Lý Sơn đã đón hơn 4.000 lượt du khách ra đảo du xuân. Hiện tại, mỗi ngày có khoảng 3 chuyến tàu cao tốc đến với  Lý Sơn, chở khoảng 400 du khách. Hệ thống cơ sở dịch vụ du lịch ở Lý Sơn phát triển nhanh, với 135 cơ sở lưu trú; trong đó có 17 khách sạn, 54 nhà nghỉ, 60 homestay, 4 nhà trọ và 15 nhà hàng ăn uống, cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí. Vì vậy, huyện Lý Sơn cũng là huyện duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
 
Tuy nhiên, tại huyện Lý Sơn, các thông tin phục vụ du lịch cũng như hệ thống thông tin về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế - xã hội vẫn còn chưa được hệ thống hóa, phân tán ở nhiều nơi; đặc biệt là các thông tin gắn với bản đồ hay cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác phát triển du lịch còn thiếu đồng bộ. Việc tập hợp, xử lý, khai thác và sử dụng những nguồn thông tin này còn nhiều khó khăn... Do đó, Trường Đại học Huế đã nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu 4D phục vụ cho phát triển du lịch cho huyện Lý Sơn.
 
Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ
phát triển du lịch 
 
“Cơ sở dữ liệu 4D trực quan này nếu được triển khai ứng dụng vào giáo dục cộng đồng và di sản sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ ở huyện Lý Sơn hiểu hơn về giá trị tự nhiên của địa phương đang có. Từ đó, họ sẽ là người chủ động lan tỏa thông tin quảng bá hình ảnh Lý Sơn, nhằm thu hút khách du lịch đến với Lý Sơn ngày càng nhiều hơn".
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn
LÊ VĂN NINH

Theo PGS-TS. Huỳnh Văn Chương- Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế, Chủ nhiệm đề tài “Xây dựng cơ sở dữ liệu 4D phục vụ cho phát triển du lịch huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi”, trong 2 năm (tháng 4/2020 - 4/2022), nhóm thực hiện đề tài đã hoàn thành 4 sản phẩm chính, gồm: Cơ sở dữ liệu nền địa lý của huyện Lý Sơn; cơ sở dữ liệu thực tế ảo 4D bằng ứng dụng công nghệ photogrammetry (UAV, scan) về điểm tổ chức lễ hội, làng nghề, danh lam thắng cảnh và hạ tầng du lịch (khách sạn, nhà nghỉ, homestay...); hệ thống quảng bá (panô, áp phích...) giúp tăng cường hình ảnh của Lý Sơn (kết nối với Zalo, Facebook, Google) để giúp nhiều người tìm hiểu, biết trước các thông tin khi đến Lý Sơn. Sản phẩm cuối cùng là ứng dụng (app) “Khám phá Lý Sơn", đây cũng là sản phẩm mà nhóm thực hiện đề tài kỳ vọng sẽ được lan tỏa nhanh và thúc đẩy phát triển du lịch Lý Sơn trong giai đoạn 2022 - 2030.

 
“Kết quả của đề tài còn hỗ trợ cho các cơ quan, ban ngành liên quan trong quá trình ra quyết định xây dựng và phê duyệt chiến lược điều hành, quản lý nhà nước trong hoạt động du lịch; phục vụ việc quảng bá hình ảnh của huyện đảo Lý Sơn đến với du khách trong và ngoài nước”, PGS-TS. Huỳnh Văn Chương nói.
 
Thông qua ứng dụng “Khám phá Lý Sơn”, du khách có thể tìm hiểu trước về địa điểm, địa chỉ và có thể quan sát địa điểm trước khi tham quan. Ứng dụng được triển khai trên nền tảng điện thoại di động phổ biến hiện nay là IOS và Android. Du khách có thể tải ứng dụng bằng cách truy cập vào trang web của ứng dụng: http://khamphalyson.net, chọn mục tải ứng dụng, nhấn vào nền tảng di động mà du khách đang dùng. Trang chủ của ứng dụng giới thiệu các tính năng mà du khách có thể sử dụng, bao gồm: Tiện ích xem thời tiết; xem lịch trình tàu thuyền đi lại giữa đảo và đất liền; khám phá các đặc sản và ẩm thực tại địa phương thông qua các bài viết PR; chức năng tham quan các địa điểm trên đảo. Khi người sử dụng cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, họ có thể tra cứu các thông tin để phục vụ cho việc lên kế hoạch và lựa chọn các dịch vụ trước khi đến Lý Sơn như: Lễ hội, lưu trú, thời tiết, lịch trình tàu thuyền, đặc sản và ẩm thực...
 
Thạc sĩ Nguyễn Quang Huy, Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) cho biết, cơ sở dữ liệu 4D dựa trên nền tảng công nghệ hệ thống thông tin địa lý (GIS) và phát triển thêm công nghệ 3D dưới sự hỗ trợ công nghệ 4.0 sẽ tăng cường sự kết nối, tương tác tốt hơn, chân thật hơn với người dùng. Cơ sở dữ liệu 4D đáp ứng cho trình diễn phối cảnh, cung cấp thông tin không gian sáng tạo, trực quan, ứng dụng trên điện thoại thông minh để hỗ trợ cho phát triển du lịch ở huyện Lý Sơn. Ngoài ra, các dữ liệu 4D này xác định được cấp độ chi tiết, mô tả đầy đủ về các thông tin, đặc điểm, chức năng của các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, các địa điểm du lịch, các loại ranh giới giao thông cũng như ranh giới hành chính của đảo phục vụ cho việc nghiên cứu. Đồng thời có thể ứng dụng trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, xây dựng đô thị, cảnh quan; ứng dụng trong giáo dục di sản...
 
Tiện ích cho du khách
 
Giao diện ứng dụng “Khám phá Lý Sơn”.
Giao diện ứng dụng “Khám phá Lý Sơn”.
Bà Nguyễn Thị Nga, chủ khách sạn Hưng Thịnh, ở thôn Đông An Vĩnh cho biết, khách sạn của tôi vừa mới xây nên lượng khách biết đến chưa nhiều, phương thức tiếp cận thông tin cho du khách còn rất hạn chế, chủ yếu là qua kênh bán hàng booking và agoda. Mặc dù các kênh này được phổ biến rộng rãi nhưng có nhược điểm là giữa khách hàng và đơn vị cung cấp dịch vụ không nắm bắt được thông tin với nhau. Du khách không biết được thông tin khách sạn có bao nhiêu phòng, chất lượng dịch vụ như thế nào, vị trí nằm ở đâu... Chủ khách sạn cũng không biết được các thông tin như: Bao giờ khách đến, lịch trình của khách như thế nào và có khi khách hàng đã đến đảo rồi nhưng không tìm được khách sạn nên lại hủy phòng...
 
"Qua đợt tập huấn về kỹ thuật khai thác dữ liệu trên ứng dụng “Khám phá Lý Sơn”, tôi thấy ứng dụng này rất thuận lợi cho đơn vị cung cấp dịch vụ và cả du khách. Qua đó, chúng tôi có thể cung cấp đầy đủ những hình ảnh, thông tin về các dịch vụ của cơ sở mình; còn du khách có thể biết được thông tin cụ thể về khách sạn, các dịch vụ khách sạn cung cấp, vị trí của khách sạn, số điện thoại để liên hệ trực tiếp. Đặc biệt, du khách có thể tìm đường tới khách sạn bằng tính năng chỉ đường Google map, trải nghiệm hình ảnh thực tế ảo VR hoặc hình ảnh 3600 của khách sạn và đánh giá, bình luận về nơi lưu trú", bà Nga chia sẻ.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh nhấn mạnh, sau thời gian tiếp nhận vận hành và khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu 4D, chúng tôi thấy rằng cơ sở dữ liệu này rất thuận lợi cho người dân, du khách tìm hiểu về di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các dịch vụ du lịch của huyện. Trong thời gian đến, để phát huy hiệu quả sản phẩm cơ sở dữ liệu 4D phục vụ phát triển du lịch, UBND huyện sẽ chỉ đạo Phòng VH-TT huyện phối hợp với các ngành chức năng của huyện ban hành quy chế hoạt động, vận hành, khai thác sử dụng các sản phẩm của đề tài. Thường xuyên cập nhật các thông tin liên quan về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; các di tích lịch sử, các sự kiện, danh lam thắng cảnh, sản phẩm du lịch... tạo điều kiện thuận lợi cho du khách truy cập, tìm hiểu thông tin về huyện Lý Sơn.
 
Bài, ảnh: PHƯƠNG DUNG
 
 

.