(Báo Quảng Ngãi)- Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang tích cực thực hiện chuyển đổi số, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới dựa trên ứng dụng công nghệ hiện đại, góp phần đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng và đảm bảo an toàn cho hệ thống thanh toán.
[links()]
Nhiều tiện ích
Đầu năm 2022, Agribank Quảng Ngãi triển khai thẻ kép Lộc Việt tích hợp thông minh, đa tiện ích. Gọi là thẻ thông minh, vì thẻ Lộc Việt tích hợp 2 ứng dụng trên 1 chip, có đầy đủ các tính năng của 1 thẻ ghi nợ nội địa hạng chuẩn, cũng như thẻ tín dụng nội địa hạng chuẩn của Agribank. Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi Nguyễn Tấn Lực cho biết, với thẻ Lộc Việt, người dùng được đáp ứng nhu cầu đa dạng với tính năng thẻ ghi nợ nội địa như nhận lương qua tài khoản thẻ, thanh toán hàng hóa, dịch vụ, thanh toán trực tuyến, chuyển tiền nhanh Napas 247, rút tiền mặt qua ATM...
Sử dụng ngân hàng số, khách hàng có thể ngồi bất cứ nơi đâu vẫn có thể chuyển tiền, gửi tiết kiệm trực tuyến… |
Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi Võ Văn Linh cho hay, nhu cầu sử dụng ngân hàng số của người dân ngày một tăng. Theo đó, tính đến quý I/2022, số khách hàng đăng ký sử dụng ngân hàng số VCB Digibank của Vietcombank Quảng Ngãi là 9.000 khách hàng, tăng 3.000 khách hàng so với cùng kỳ năm 2021. Doanh số thanh toán qua thẻ đạt 225 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Không chỉ các ngân hàng lớn, các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ cũng không ngừng cải tiến, ra mắt nhiều ứng dụng công nghệ mới, đáp ứng mọi giao dịch cho người dùng. Ngoài ra, nhằm nâng cao bảo mật thông tin, các ngân hàng đã đồng loạt chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip. Thậm chí, giờ đây, khách hàng không cần mang theo thẻ ATM, chỉ cần điện thoại thông minh vẫn có thể rút tiền bằng cách quét mã QR...
Xu hướng tất yếu
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, thói quen của người tiêu dùng cũng dần dịch chuyển từ mua hàng truyền thống sang các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như: Ví điện tử Momo, Internet Banking, ATM, ứng dụng E-Mobile Banking... Do đó, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử ghi nhận mức tăng trưởng cao so với các năm trước.
Bên cạnh đó, hoạt động thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội tiếp tục được đẩy mạnh. Các ngân hàng tích cực phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Công ty Điện lực Quảng Ngãi, ngành y tế, giáo dục... triển khai thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ như: Thu thuế, tiền điện, nước, viện phí, học phí... thông qua việc xây dựng kết nối dữ liệu, thông tin hóa đơn của khách hàng để thanh toán trực tuyến, hoặc ký hợp đồng tự động trích tiền từ tài khoản để thanh toán cho đơn vị cung ứng dịch vụ.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về chuyển đổi số của Chính phủ...
Bài, ảnh:
HỒNG HOA