(Báo Quảng Ngãi)- Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (KNĐMST) của tỉnh có tiềm năng, song vẫn đang ở giai đoạn hình thành. Vậy nên, việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái KNĐMST, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) KNĐMST phát triển sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Những kết quả đáng ghi nhận
So với các tỉnh, thành phố trong khu vực, Quảng Ngãi là một trong những địa phương có xuất phát điểm chậm nhất trong xây dựng hệ sinh thái KNĐMST. Thế nhưng, với sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh và các cơ quan liên quan, hoạt động KNĐMST trên địa bàn tỉnh đã có những khởi sắc. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, như xây dựng các chuyên mục: “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” trên Báo Quảng Ngãi, “Câu chuyện khởi nghiệp” trên Đài PT-TH tỉnh; tổ chức Ngày hội truyền lửa khởi nghiệp cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh... Năng lực của hệ sinh thái cũng được nâng cao thông qua lớp đào tạo kỹ năng hỗ trợ KNĐMST cho đội ngũ cán bộ tại các cơ quan, đơn vị liên quan, giảng viên các trường đại học, cao đẳng, THPT, câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên (thứ hai từ phải sang) tham quan các gian hàng khởi nghiệp. |
Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, Cuộc thi KNĐMST tỉnh đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng, với nhiều đối tượng khác nhau tham gia. Số lượng các dự án khởi nghiệp tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Trong đó, các ý tưởng khởi nghiệp tập trung phát triển nâng cao giá trị cho sản phẩm tại địa phương. Các cơ quan, ban, ngành đã quan tâm đến hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp; câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp bước đầu hoạt động hiệu quả...
Có 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đề xuất để thúc đẩy phát triển KNĐMST trên địa bàn tỉnh là: Nâng cao nhận thức về hệ sinh thái KNĐMST trong toàn hệ thống chính trị; xây dựng, phát triển văn hóa KNĐMST trong cộng đồng; xây dựng, hoàn thiện chính sách thúc đẩy hình thành hệ sinh thái KNĐMST; hình thành và phát triển hệ thống hỗ trợ cho hoạt động KNĐMST; phát triển nguồn nhân lực cho hệ sinh thái KNĐMST; huy động các nguồn tài chính hỗ trợ cho hệ sinh thái KNĐMST; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường; thúc đẩy mối liên kết giữa các chủ thể trong hệ sinh thái KNĐMST. |
Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn Lý Đình Quân cho rằng, hệ sinh thái KNĐMST tỉnh Quảng Ngãi trong 2 năm qua đã có sự phát triển, nhiều dự án khởi nghiệp bằng sản phẩm OCOP có kết quả tốt. Hoạt động khởi nghiệp của các tổ chức giáo dục, đoàn thanh niên, phụ nữ tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp sôi nổi qua từng năm. Việc hình thành Câu lạc bộ Khởi nghiệp Quảng Ngãi cũng đã thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động khởi nghiệp cộng đồng.
Cần có định hướng phát triển
Phó trưởng Phòng Quản lý công nghệ và chuyên ngành (Sở KH&CN) Phan Thị Cẩm Vân cho biết, hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh hiện ở cấp độ mới hình thành, còn sơ khai, các thành tố chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp. Các DN KNĐMST đã hình thành, nhưng số lượng chưa nhiều.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, có 15 DN KNĐMST được hình thành, có 74 dự án KNĐMST được hỗ trợ tư vấn, đào tạo, tập huấn để tiếp tục hoàn thiện và phát triển. Trong khi đó, con số này trung bình của cả nước là 47 DN. Bên cạnh đó, tính ĐMST trong đa phần các dự án khởi nghiệp vẫn còn ở mức độ đơn giản, hàm lượng KHCN chưa cao, chủ yếu là đổi mới về mẫu mã sản phẩm, hình thành một số sản phẩm mới. Đồng thời, các chính sách mới dừng ở giai đoạn đầu, chưa đầy đủ và chưa hỗ trợ trực tiếp đến sự phát triển bền vững, các cơ hội tăng trưởng mới của DN KNĐMST.
|
Công ty TNHH MTV Công nghệ cao Huy Long đoạt giải Nhất Cuộc thi Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo năm 2021. |
Các chính sách khuyến khích ĐMST còn hạn chế, chưa có chính sách liên kết các nhóm đầu tư thông qua cơ quan nhà nước, giúp dự án KNĐMST tiếp cận vốn. Việc tiếp cận các thông tin về cơ chế chính sách cũng chưa thuận lợi, thủ tục để thực hiện các chính sách này đôi khi còn bất cập. Bức tranh tài chính của hệ sinh thái KNĐMST vẫn chưa được hoàn thiện, chưa khai thông nguồn vốn xã hội, các kênh tài chính giúp DN ĐMST tăng khả năng tiếp cận vốn còn thiếu, như: Quỹ đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư cá nhân... Văn hóa khởi nghiệp ĐMST vẫn chưa thật sự được hình thành, nhận thức, tư duy về hệ sinh thái KNĐMST còn hạn chế. Các chủ thể trong hệ sinh thái KNĐMST, vẫn chưa thực sự quan tâm, xem KNĐMST là động lực để phát triển kinh tế và có định hướng hành động cụ thể. Sự kết nối và tham gia của đội ngũ doanh nhân đi trước còn yếu. Mạng lưới các tổ chức hỗ trợ KNĐMST còn thiếu và yếu.
|
Câu lạc bộ Khởi nghiệp Quảng Ngãi hướng dẫn xây dựng sản phẩm OCOP và ghi nhãn hàng hóa, tiêu chuẩn cơ sở cho các thành viên câu lạc bộ. |
Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 1 câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh và 3 câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo tại huyện Mộ Đức, Sơn Hà và Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Chưa hình thành các khu dịch vụ tập trung hỗ trợ khởi nghiệp, không gian làm việc chung. Các công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho khởi nghiệp còn rời rạc. Mặc dù đã kết nối, tuyển chọn, đào tạo đội ngũ tư vấn, cố vấn hỗ trợ khởi nghiệp từ các cơ quan nhà nước, trường đại học, cao đẳng, THPT nhưng chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng, chưa có nhà tư vấn về KNĐMST được công nhận. Nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn thiếu, chưa được đào tạo chuyên sâu, riêng biệt để đáp ứng nhu cầu thị trường. Năng lực mạng lưới kinh doanh, chuỗi giá trị tại địa phương vẫn chưa rõ nét và mang tính chiến lược toàn diện, lâu dài...
Theo bà Vân, KNĐMST là một quá trình mang nhiều khó khăn, thách thức và đầy rủi ro. Để hoàn thiện phát triển hệ sinh thái KNĐMST, tạo lập môi trường thuận lợi thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình DN gắn với ĐMST, tỉnh cần tập trung phát triển hệ sinh thái KNĐMST theo định hướng đẩy mạnh hiệu quả hoạt động KNĐMST, thông qua việc ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; đồng thời gắn chặt với đề án phát triển mỗi xã một sản phẩm; chương trình chuyển đổi số.
Chú trọng việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học các cấp. Khuyến khích tạo điều kiện để các dự án/DN KNĐMST tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Tập trung hình thành và hỗ trợ cho các tổ chức trung gian hỗ trợ KNĐMST, trên cơ sở tận dụng nguồn lực sẵn có và hỗ trợ để kết nối các nguồn lực xã hội hóa. Đẩy mạnh kết nối hệ sinh thái KNĐMST của tỉnh với vùng và quốc gia, để tận dụng nguồn lực có sẵn, giúp hệ sinh thái KNĐMST đi nhanh và hiệu quả hơn.
Bài, ảnh:
PHƯƠNG DUNG