(Baoquangngai.vn)- Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) được hỗ trợ đầu tư kỹ thuật, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo… theo Đề án Hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025. Các chính sách quy định từ đề án đã phần nào tạo động lực để các doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) tiếp cận nguồn hỗ trợ thuận lợi hơn.
[links()]
Tiếp sức cho doanh nghiệp khởi nghiệp
UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án Hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2022 - 2025. Đề án có nhiều nội dung và mức hỗ trợ khác nhau, trong đó có nhiều mức hỗ trợ cho nhóm DNNVV tham gia KNĐMST.
Theo đề án, từ năm 2022 - 2025, doanh nghiệp KNĐMST được hỗ trợ đầu tư cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, cũng như thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh mới.
|
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường thực HĐND tỉnh Đinh Thị Hồng Minh và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn tham quan các sản phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp. |
Cùng với đó, DNKN được hỗ trợ công nghệ, đào tạo, huấn luyện chuyên sâu; hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo. Tổng kinh phí hỗ trợ giai đoạn 2022 - 2025 đối với nhóm DNNVV tham gia KNĐMST hơn 7,2 tỷ đồng.
"Doanh nghiệp trong giai đoạn khởi nghiệp sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Hiện nay, tôi đang có nhu cầu mở rộng cơ sở sản xuất, đầu tư trang thiết bị để nâng cao chất lượng và giảm giá thành cho sản phẩm. Việc sớm triển khai Quyết định 1325/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 của UBND tỉnh, phê duyệt Đề án Hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025 sẽ tạo động lực để người khởi nghiệp sớm vượt qua những trở ngại, khởi nghiệp thành công hơn trong thời gian đến. Hầu hết các DNKN đều mong muốn đơn vị chủ trì thực hiện các thủ tục, hồ sơ xét duyệt đơn giản, nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi để DNKN có cơ hội tiếp cận nguồn hỗ trợ.
Anh BẠCH THANH PHÚ, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh.
|
Cụ thể, hỗ trợ 100% chi phí sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung nhưng không quá 20 triệu đồng/năm/doanh nghiệp; hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thủ tục xác lập, chuyển giao, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước nhưng không quá 30 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp; hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn quản lý và phát triển các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp...
Hỗ trợ tối đa 50% chi phí thử nghiệm sản phẩm mới tại các đơn vị, tổ chức thử nghiệm sản phẩm hàng hóa nhưng không quá 30 triệu đồng/năm/doanh nghiệp; hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/ năm/doanh nghiệp…”, đề án nêu rõ.
Yêu cầu đặt ra đối với DNKN, đó là phải kinh doanh, sản xuất những sản phẩm được tạo ra từ các kết quả nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp cơ sở; dự án sản xuất thử nghiệm sản phẩm mẫu và hoàn thiện công nghệ. DNKN phải có sản phẩm đạt giải cao tại các cuộc thi KNĐMST cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế; đạt các giải thưởng về khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp quốc gia theo quy định...
Bệ phóng để doanh nghiệp phát triển
Theo Phó phòng Quản lý Công nghệ, Thị trường công nghệ và chuyên ngành (Sở KH&CN tỉnh) Phan Thị Cẩm Vân, hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh tuy hình thành muộn hơn so với các tỉnh, thành trong khu vực nhưng đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng trong suốt 3 năm qua. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành, phát triển được khoảng 15 doanh nghiệp KNĐMST. Đây là những doanh nghiệp có sản phẩm ứng dụng công nghệ, mô hình mới để khởi nghiệp, mang tính đột phá cao. Có doanh nghiệp, doanh thu mỗi năm đạt gần 5 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp KNÐMST bước đầu đã tiếp cận được một số nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ của tỉnh, chương trình ưu đãi vốn của ngân hàng với số tiền hỗ trợ khoảng 1,7 tỷ đồng. Các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường và khách hàng tiềm năng được quan tâm, triển khai.
|
Doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh, sản xuất các sản phẩm khởi nghiệp đoạt giải cao tại các Cuộc thi KNĐMST có thể nhận được hỗ trợ từ đề án. |
“Đây được xem là đòn bẩy để hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh triển khai thuận lợi, hiệu quả và lan tỏa hơn trong thời gian đến. Để xây dựng kế hoạch vốn cho năm 2022, Sở KH&CN sẽ nghiên cứu, lựa chọn các doanh nghiệp tiềm năng đề nghị tỉnh bố trí kính phí phù hợp. DNKN có thể gửi hồ sơ đề xuất nhu cầu. Trên cơ sở này, Sở KH&CN tỉnh sẽ xem xét các điều kiện để hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp”.
Bà PHAN THỊ CẨM VÂN
Phó phòng Quản lý Công nghệ, Thị trường công nghệ và chuyên ngành (Sở KH&CN)
|
Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ sinh thái KNĐMST Quảng Ngãi vẫn chưa hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, các văn bản quy định về quản lý, điều hành, hỗ trợ. Nội dung và hình thức hỗ trợ cho các dự án, DNKN chưa nhiều. Việc tiếp cận các nguồn vốn từ nhà nước, các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư cá nhân từ DNKN còn hạn chế.
"Đề án Hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025 được xem là chính sách đầu tiên mà tỉnh ban hành, hỗ trợ trực tiếp cho DNKN, thể hiện được sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh. Đề án có nhiều tiêu chí phù hợp với DNKN. Nội dung hỗ trợ phong phú nên doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận để phát triển", bà Vân nhấn mạnh.
Bài, ảnh:
THIÊN HẬU