(Báo Quảng Ngãi)- Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi được tổ chức 2 năm một lần, nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo kỹ thuật, phát hiện và khai thác tiềm năng trí tuệ, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 12 (2020 - 2021) đã phát hiện và tôn vinh nhiều giải pháp sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất và đời sống.
[links()]
Thu hút nhiều cơ quan, doanh nghiệp tham gia
Sau 2 năm phát động và tổ chức, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 12 nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, dù có nhiều trở ngại do dịch Covid-19. Theo đó, có 38 giải pháp đăng ký tham gia tại 5 lĩnh vực như: Cơ khí tự động hóa, xây dựng và giao thông vận tải; công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; vật liệu, hóa chất, năng lượng; y dược...
Hội đồng Giám khảo thực hiện việc đánh giá, chấm điểm các giải pháp dự thi tại Công ty Điện lực Quảng Ngãi. |
Theo đánh giá của Phó trưởng Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 12 Huỳnh Văn Tố, hầu hết các giải pháp đều có sự đầu tư công phu, đã ứng dụng có hiệu quả vào tổ chức sản xuất và quản lý điều hành tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Điều này được thể hiện ở số lượng giải pháp đoạt giải chiếm 79% số giải pháp tham dự, nhiều hơn hội thi lần thứ 11 khoảng 12%. Phần lớn các giải pháp này đã được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội mà còn góp phần tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.
"Điều đó cho thấy, đơn vị nào quan tâm, chú trọng phát triển phong trào nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh việc ứng dụng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật thì đơn vị đó có nhiều giải pháp tham dự và đoạt giải cao", ông Tố nhìn nhận.
Những sáng kiến hữu ích
Trong số các giải pháp được trao giải lần này, nhiều giải pháp đem lại lợi ích kinh tế từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng/năm cho các doanh nghiệp. Đơn cử như giải pháp: “Tăng nhiệt độ điểm chớp cháy cho sản phẩm dầu DCO đáp ứng tiêu chuẩn nền FO (FP) của BSR làm tiền đề cho việc nghiên cứu sản xuất MFO của BSR” của nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Tri đã giúp BSR tiết kiệm khoảng 11,6 triệu USD từ việc ngừng phối trộn residue vào dầu CO; đồng thời đem lại lợi ích 19,5 triệu USD/năm từ việc bán sản phẩm dầu MFO so với sản phẩm FO 180 cS... Hay như giải pháp “Thiết kế, chế tạo máy đột đa năng” của nhóm kỹ sư trẻ Đàm Việt Khoa, Công ty TNHH MTV Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam, đã giúp công ty tiết kiệm 10.342 giờ công cho 4 dự án tại Xưởng MHS, tiết kiệm 60 nghìn USD chi phí đầu tư thiết bị và rút ngắn 50% thời gian gia công.
Đối với Công ty Điện lực Quảng Ngãi, sáng kiến của kỹ sư Trần Quang Thắng, với giải pháp “Bộ giá đỡ kìm thủy lực trên không” đã rút ngắn thời gian thi công, giảm thời gian cắt điện, đảm bảo an toàn kỹ thuật trong quá trình thi công lưới điện, đem lại hiệu quả kinh tế cho công ty khoảng 1,9 tỷ đồng/năm. Giải pháp này đã được Tổng Công ty Điện lực miền Trung áp dụng rộng rãi từ năm 2019 đến nay.
Ông Huỳnh Văn Tố cho biết, sau khi tổng kết Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 12, Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là các kỹ sư trẻ ở doanh nghiệp, sinh viên, thanh niên nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giải quyết những nhiệm vụ đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đồng thời, tìm giải pháp cho vấn đề khai thác và ứng dụng triển khai thử nghiệm các đề tài, giải pháp có ý tưởng mới, sáng tạo, cũng như đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí cho nghiên cứu thử nghiệm, để đề xuất phát triển thành đề tài nghiên cứu chuyên sâu hơn...
Bài, ảnh: PHƯƠNG DUNG