(Báo Quảng Ngãi)- Qua 4 tháng triển khai, mô hình canh tác lúa theo hướng an toàn sinh học đã có tín hiệu khả quan, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, an toàn sức khỏe, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, an toàn.
[links()]
Năng suất tăng từ 10 - 12%
Mô hình do Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ khoa học công nghệ (Sở KH&CN) phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai thực hiện trong vụ hè thu năm 2021. Đây là một nội dung của đề tài KH&CN “Điều tra đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa, gạo và một số loại rau chủ yếu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”, do Trung tâm chủ trì thực hiện.
Ruộng lúa an toàn sinh học của ông Lê Tiếng, ở thôn Vùng 4, xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ), cho năng suất cao. |
Là một trong 12 hộ tham gia mô hình, ông Lê Tiếng, ở thôn Vùng 4, xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ) cho biết, trước đây, chúng tôi có tập quán sạ dày, bón phân không cân đối, phun thuốc nhiều lần (khoảng 20 ngày phun 1 lần), không theo chu kỳ sinh trưởng của cây lúa. Khi tham gia mô hình này, chúng tôi được tiếp cận kỹ thuật canh tác lúa an toàn, thực hiện mật độ sạ hợp lý, bón phân cân đối, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật sự cần thiết nên ruộng lúa ít bị sâu bệnh hơn so với các ruộng bên ngoài mô hình. Nhờ đó, năng suất lúa cao hơn so với sản xuất đại trà từ 10 - 12%.
Sẽ nhân rộng
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nguyễn Thế Vĩnh cho biết, mô hình đã hướng dẫn nông dân sử dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, đặc biệt lưu ý về mật độ sạ hợp lý, bón phân cân đối đúng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa và chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi các đối tượng sâu bệnh đến ngưỡng gây hại cần phòng trừ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp; ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học thay thế thuốc hóa học và tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc, đảm bảo thời gian cách ly của thuốc.
Trên thực tế, so với lúa sản xuất theo tập quán của nông dân địa phương, thì năng suất lúa mô hình cao hơn 8 tạ (60 tạ/ha so với 68 tạ/ha). Một hécta lúa của mô hình cho thu nhập 47,6 triệu đồng; sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đem lại 17,31 triệu đồng/ha; trong khi đó, ruộng ngoài mô hình chỉ cho lợi nhuận 7,52 triệu đồng/ha. Sở dĩ có lợi nhuận cao là nhờ ruộng tham gia mô hình giảm lượng giống gieo sạ, ít thuốc bảo vệ thực vật, công phun thuốc và năng suất lúa tăng.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân TX.Đức Phổ Võ Minh Châu, mô hình canh tác lúa theo hướng an toàn sinh học triển khai tại địa phương đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người sản xuất, người tiêu dùng và mở ra một hướng canh tác bền vững cho địa phương. Trong thời gian đến, Hội Nông dân thị xã sẽ phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền cho nông dân trên địa bàn nhân rộng mô hình này, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Bài, ảnh: PHƯƠNG DUNG