Nhiều sáng kiến góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy

10:09, 03/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bằng lòng yêu nghề và đam mê sáng tạo, đội ngũ giảng viên tại các trường đại học và cao đẳng trong tỉnh đã tìm tòi, sáng tạo những mô hình, phương pháp dạy - học mới, phục vụ tốt cho công tác giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
[links()]
 
Những nghiên cứu hữu ích
 
Những năm qua, Ban Giám hiệu Trường Đại học Phạm Văn Đồng luôn xác định hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên là một hoạt động quan trọng trong việc biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Ngoài hoạt động đào tạo, giảng dạy cho sinh viên, hoạt động nghiên cứu khoa học luôn được lãnh đạo nhà trường quan tâm, khích lệ. Điều này giúp cho cán bộ, giảng viên, cũng như sinh viên có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được các hội đồng chấm giải và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Nhiều đề tài mang tính ứng dụng thực tế và hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác giảng dạy.
 
Phần mềm lập trình vi điều khiển kiểu đồ họa của thầy giáo Phạm Trường Tùng, Trường Đại học Phạm Văn Đồng.
Phần mềm lập trình vi điều khiển kiểu đồ họa của thầy giáo Phạm Trường Tùng, Trường Đại học Phạm Văn Đồng.

Tiêu biểu là đề tài “Thiết kế và chế tạo máy phay CNC mini 4 trục" của giảng viên Nguyễn Hoàng Lĩnh và Nguyễn Phước (Khoa Kỹ thuật công nghệ). Máy CNC mini có thể gia công tạo mẫu đồ thủ công mỹ nghệ và điêu khắc mức độ đơn giản 2D, 3D và 4D. Máy phay CNC mini 4 trục gồm có một số bộ phận chính: Thân máy, trục chính, hệ thống dẫn động, điều khiển và kết nối máy tính, phần mềm điều khiển. Máy phay CNC mini 4 trục đã được áp dụng vào công tác dạy và học của sinh viên tại trường ở các lớp bậc trung cấp, cao đẳng, đại học từ năm học 2015 đến nay, khắc phục việc học “chay”, thiếu thực tế cho sinh viên chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí, có phương pháp học tập nghiên cứu trực quan trước khi thực hành tại xưởng CNC của trường.

 
Với ý tưởng xây dựng một phần mềm lập trình điều khiển logic cho vi điều khiển, thầy giáo Phạm Trường Tùng, giảng viên Khoa Kỹ thuật công nghệ đã chọn giải pháp lập trình dạng đồ họa trên nền tảng cơ sở mạng Petri với mục tiêu là tạo ra được một phần mềm, chỉ với các chức năng kéo/thả và liên kết các khối chức năng, đã có một chương trình điều khiển sử dụng cho vi điều khiển. “Phần mềm lập trình vi điều khiển kiểu đồ họa” có các chức năng sau: Thiết kế, mô hình hóa việc điều khiển hệ thống, mô phỏng  hoạt động của chương trình. Tính năng này giúp cho người lập trình có thể kiểm tra trước các hoạt động của chương trình. Điều này hỗ trợ cho người lập trình kiểm soát được việc lập trình của mình, tránh cho hệ thống khi vận hành bị rơi vào các điểm chết, hoặc rơi vào tình huống hoạt động mất kiểm soát. Giảng viên Phạm Trường Tùng cho biết, đây là mô hình học tích hợp lý thuyết với thực hành, giúp cho tiết học trở nên trực quan sinh động hơn, thu hút được sự chú ý và tạo cảm hứng học tập cho sinh viên nhiều hơn, từng bước tăng chất lượng giảng dạy.
 
Ngoài ra, một số đề tài khác của giảng viên ở Bộ môn Cơ khí - Khoa Kỹ thuật công nghệ như: Công trình “Xe cắt cỏ đa địa hình điều khiển từ xa” của ThS.Võ Trường Tiến và công trình “Cánh tay robot cho người khuyết tật” của ThS.Phạm Trường Tùng cũng được đánh giá cao, phục vụ tốt cho công tác giảng dạy, góp phần giải quyết các vấn đề cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
 
Nghiên cứu khoa học ở trường nghề
 
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và để nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất đã đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học với nhiều đề tài, giải pháp sáng tạo và độc đáo phục vụ tốt cho công tác giảng dạy tại trường. Điển hình là đề tài “Thiết kế và chế tạo máy cắt Plasma, Oxy CNC dạng trung bình”.
 
Máy cắt Plasma, Oxy CNC dạng trung bình được đưa vào giảng dạy cho sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất.
Máy cắt Plasma, Oxy CNC dạng trung bình được đưa vào giảng dạy cho sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất.
Máy Plasma, Oxy CNC được nghiên cứu, chế tạo thành công có kích thước máy: 1,5x3m; phạm vi cắt 1,2x2,7m; tốc độ cắt tối đa: 1.000mm/phút, chiều dày tối đa khi cắt 20mm; độ chính xác gia công 0,5mm. Máy cắt sử dụng 2 phương pháp để thực hiện quá trình cắt kim loại là cắt bằng Plasma và cắt bằng Oxy-Axetylen. Máy đạt tiêu chuẩn Việt Nam về an toàn đối với kết cấu máy - TCVN 4725:2008.
 
Thạc sĩ Nguyễn Tấn Tại - Phó trưởng khoa Cơ khí động lực cho biết, máy cắt CNC cho phép gia công các sản phẩm có độ chính xác và độ phức tạp cao so với các loại máy cắt truyền thống, đảm bảo tạo ra hàng loạt sản phẩm với chất lượng đồng nhất. Sản phẩm của đề tài không chỉ phục vụ tốt cho công tác giảng dạy và thực tập của giảng viên, sinh viên các ngành cơ khí của trường, mà còn tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên và sinh viên của trường nâng cao tay nghề và tiến tới làm chủ công nghệ thiết kế và chế tạo máy cắt kim loại tấm điều khiển bằng CNC.
 
Hiện Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất đang thực hiện đề tài Nghiên cứu thiết kế, chế tạo robot hàn tự động 6 bậc, với mục tiêu: Thiết kế và chế tạo thành công robot hàn tự động 6 bậc để sử dụng vào việc giảng dạy, học tập, đào tạo nghề cho học viên, từng bước làm chủ công nghệ và thay thế hàng nhập ngoại. 
 
Sản phẩm của đề tài là robot hàn tự động 6 bậc, với các đặc điểm kỹ thuật: Robot có 6 khớp quay dạng đứng, tải trọng tối đa 3,5kg; tầm với của robot là 500mm, chiều cao của robot 500mm, vùng không gian làm việc dạng khối cầu có bán kính 500mm; góc hoạt động: F1 = 2700, F2 = 1500, F3 = 1800, F4 = 1800, F5 = 2700, F6 = 2700; sai số lặp lại: ± 1mm. Robot có khả năng hàn điểm và đường, sử dụng phương pháp hàn Mig với dòng hàn 500A. Robot có khả năng lưu trữ tối đa 10 chương trình hoạt động. Nguồn vào: 1 pha/3 pha, AC 200V±20V, 50/60HZ...
 
Bài, ảnh: PHƯƠNG DUNG
 
 

.