(Báo Quảng Ngãi)- Công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cấp huyện được truyền tải kịp thời, nhanh chóng về cơ sở; cán bộ cấp xã, thôn trên địa bàn huyện không cần phải về trụ sở UBND huyện để tham dự cuộc họp... Đó là những dấu ấn mà hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến cấp xã, thị trấn của huyện Mộ Đức mang lại sau 3 tháng triển khai.
Chiều 26.10, trước diễn biến phức tạp, khó lường của bão số 9, UBND huyện Mộ Đức đã tổ chức cuộc họp trực tuyến đến các xã để phổ biến thông tin về tình hình bão số 9, cũng như các phương án ứng phó cấp bách đối với từng địa phương.
Xã Đức Chánh (Mộ Đức) được trang bị các phương tiện hiện đại để tham gia hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của huyện. |
Tham gia cuộc họp trực tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lợi Lê Văn Tiến chia sẻ: “Là địa phương cách UBND huyện gần 20km, nên những năm trước đây, khi tham gia hội nghị, tập huấn, nhất là họp về tình hình lụt, bão, lãnh đạo địa phương phải tốn nhiều thời gian di chuyển về UBND huyện để dự họp trực tiếp. Còn hiện tại, chỉ ở trụ sở UBND xã là có thể tham gia, nắm bắt toàn bộ thông tin cuộc họp và ý kiến ngay tại chỗ”.
Cũng theo ông Tiến, nhờ hình thức họp trực tuyến, nên số lượng đại biểu được tham dự cuộc họp cũng tăng lên đáng kể. Từ chỗ, chỉ 1 - 2 đại diện lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã, giờ đã có thể mở rộng thành phần tham dự là cán bộ tại thôn và các khu dân cư. Những chỉ đạo của lãnh đạo huyện nhờ vậy mà được truyền đạt trực tiếp và nhanh chóng đến cơ sở. Bởi UBND xã không cần phải tổ chức cuộc họp truyền đạt lại những chỉ đạo của cấp trên cho cán bộ xã, thôn trên địa bàn.
Không chỉ tổ chức họp trực tuyến đến các xã, thị trấn về công tác phòng, chống lụt bão, UBND huyện Mộ Đức còn triển khai nhiều hội nghị, cuộc họp, giao ban, tập huấn... thông qua hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến.
Là địa phương có 13 xã, thị trấn, trong đó, một số xã như Đức Lợi, Đức Thắng có khoảng cách từ xã về đến huyện lên đến 15 - 20km. Vậy nên, việc ứng dụng hệ thống này đã giúp các địa phương tiết kiệm thời gian đi lại. Hơn nữa, với điểm cầu trung tâm đặt tại Văn phòng huyện, còn 13 điểm cầu được lắp đặt tại phòng họp của UBND các xã, thị trấn trang bị đầy đủ trang thiết bị, nên mọi hoạt động tại các điểm cầu đều được hiển thị bằng hình ảnh, âm thanh sống động và chất lượng. Công tác chỉ đạo, điều hành từ huyện về xã nhờ đó cũng trở nên thống nhất và nhanh chóng, kịp thời hơn.
Theo Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Tư, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, khối lượng thông tin cần xử lý và trao đổi ngày càng nhiều. Hơn nữa, các vấn đề mang tính cấp bách như dịch bệnh; phòng, chống thiên tai, đòi hỏi phải chỉ đạo giải quyết nhanh chóng từ cấp huyện về cơ sở, nếu thời gian đi lại, họp hành của cán bộ quá nhiều, sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ.
Vì vậy, việc ứng dụng hình thức hội nghị trực tuyến trong tổ chức các cuộc họp, hội nghị của cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện là cần thiết. Ngoài ra, họp bằng hình thức này, nội dung cuộc họp còn được lưu lại làm tư liệu tham khảo, nghiên cứu về sau, nên rất thuận tiện. Mặt khác, các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến xã có nhu cầu sử dụng hệ thống, đều có thể đăng ký với Văn phòng UBND huyện...
Huyện đầu tiên ứng dụng hội nghị trực tuyến đến xã
Để xây dựng Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến tận xã phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, UBND huyện Mộ Đức đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng thực hiện lắp đặt thiết bị, kết nối điểm cầu trung tâm và các điểm cầu tại xã, thị trấn và đưa vào hoạt động từ tháng 8.2020 đến nay. Đây cũng là huyện tiên phong của tỉnh trong ứng dụng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến xã.
|
Bài, ảnh: Ý THU