(Báo Quảng Ngãi)- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong chỉ đạo, điều hành; khuyến khích người dân tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến là một trong những giải pháp để phòng, chống dịch Covid-19, khi mà đại dịch này đang diễn biến phức tạp và lây lan trên diện rộng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hiện nay, nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã yêu cầu giao dịch trên môi trường mạng, nhằm hạn chế tập trung đông người. Điều này bước đầu có thể gây khó khăn cho một bộ phận người dân và doanh nghiệp (DN), nhưng đây là cách làm cần thiết lúc này. Không những thế, từ thực tế của công tác phòng, chống dịch Covid-19, các cấp, các ngành, các DN càng phải thúc đẩy việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành và trong giao dịch hằng ngày.
Những năm qua, Quảng Ngãi đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng chính quyền điện tử. Năm 2019, chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - truyền thông (ICT Index) của Quảng Ngãi thăng hạng đến 13 bậc so với năm 2018. Trong đó, đáng chú ý, Quảng Ngãi đã có những bứt phá trong nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Tính đến nay, 100% dịch vụ hành chính công mức độ 2 đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử và các trang thông tin của cơ quan, đơn vị chuyên ngành và đã cung cấp 379 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4... Tuy nhiên, so với nhiều tỉnh, thành, thì việc ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử ở tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế.
Với chủ trương của Chính phủ về việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường sử dụng chữ ký số trong văn bản điện tử; thúc đẩy DN công nghệ số phát triển các sản phẩm trong thương mại điện tử - kinh tế số, thanh toán điện tử... thì các cấp chính quyền, DN và người dân trên địa bàn tỉnh cũng không thể chậm chân trong việc đầu tư, phát triển và ứng dụng CNTT. Có như thế, mới nhanh chóng nâng cao hiệu quả công việc, góp phần hình thành nền hành chính chuyên nghiệp, tăng cường sự minh bạch của cơ quan hành chính và ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN.
Dĩ nhiên, đây không phải là việc dễ và có thể thực hiện tức thời. Song muốn thay đổi lề lối làm việc, xây dựng chính quyền điện tử thành công thì cần phải có quyết tâm và sự đồng thuận rất cao của cả hệ thống chính trị, cũng như sự đồng hành của người dân và DN.
Trước mắt, các cơ quan chức năng của tỉnh cần phối hợp rà soát, bổ sung thêm các thủ tục hành chính thực hiện mức độ 3, mức độ 4; đơn giản hóa quy trình tiếp nhận hồ sơ các thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết và được số hóa trên môi trường mạng. Cùng với đó, tập trung nguồn lực phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, để từng bước đưa được công nghệ số vào mọi lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội phục vụ cho các tổ chức và người dân trên địa bàn tỉnh.
LINH GIANG