Tạo thói quen lành mạnh khi sử dụng mạng xã hội

09:12, 21/12/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Với ưu thế là phạm vi tiếp cận rộng rãi, tốc độ lan truyền nhanh và khó kiểm soát bởi tính ẩn danh, mạng xã hội nói chung, Facebook nói riêng đã thu hút nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, Facebook cũng như “con dao hai lưỡi”, bên cạnh việc tạo sự lan tỏa những điều tốt đẹp trong cộng đồng, thì cũng để lại nhiều hệ lụy khó lường.
Mạng xã hội là môi trường tốt cho việc lan truyền tin giả, tin độc hại. Tin giả là các dạng tin lừa đảo, vu khống, bịa đặt, thiên vị, bôi nhọ. Tin độc hại là các dạng tin gây nguy hại, bất ổn cho xã hội; cổ xúy, lan truyền suy nghĩ, lối sống không lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, phá hoại nền tảng đạo đức, truyền thống tốt đẹp mà ông cha ta đã gìn giữ, vun đắp từ bao đời nay.
 
Gần đây, có rất nhiều tài khoản xã hội chia sẻ với tốc độ chóng mặt về một căn bệnh gây đột tử có tên gọi là “viêm cơ tim”. Thậm chí có tài khoản cho rằng, đây là một loại “virus lạ” mới xuất hiện ở Việt Nam. Bác bỏ tin đồn thất thiệt này, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Đại học Y Hà Nội khẳng định như đinh: “Đến nay, ở Việt Nam cũng như trên thế giới không có loại virus nào gọi là “virus viêm cơ tim” cả. Có thể có một số trường hợp tử vong do biến chứng nặng của viêm cơ tim, nhưng không có việc gây chết người hàng loạt. 
Sử dụng internet đúng mục đích sẽ mang lại nhiều hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành.                                    Ảnh: TL
Sử dụng internet đúng mục đích sẽ mang lại nhiều hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành. Ảnh: TL
 
Mạng xã hội cũng là mảnh đất tốt cho các hội cuồng tín, nhóm tội phạm ươm mầm tai họa mà tiêu biểu là trường hợp của “giang hồ mạng” Khá “Bảnh”. Vài năm trước Khá “Bảnh” làm một số clip, “video vui vẻ” phát trên Youtube thu hút khá đông người xem, được nhà mạng trả từ 7.000 - 8.000 đô la Mỹ mỗi tháng. Trên Google số lượt tìm kiếm, tra cứu thông tin Khá “Bảnh” đã lên đến nửa triệu người. 
 
Điều đáng nói là, các clip, video này đều có nội dung rất tục tĩu, phản cảm, lệch chuẩn nhưng một số giới trẻ lại ưa thích, tung hô, xem Khá "Bảnh" là thần tượng. Ngày 13.11 vừa qua, khi Khá “Bảnh” bị dẫn giải đến Tòa án nhân dân  huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) để xét xử về tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc thì có rất nhiều thanh niên, học sinh đứng bên ngoài hàng rào tòa án reo hò, tung hô, livestream, chào đón Khá "Bảnh" như một “nghệ sĩ thần tượng”. Xem thông tin, hình ảnh trên mạng, một số đại biểu Quốc hội rất bức xúc, cho rằng hiện tượng này là “tiếng chuông cảnh báo về tầm văn hóa và cách ứng xử của giới trẻ”, cần được chấn chỉnh.
 
Không chỉ gây hoang mang trong dư luận xã hội khi thông tin bịa đặt, hay lợi dụng mạng xã hội để trục lợi, tuyên truyền lối sống không lành mạnh, cổ vũ bạo lực, phát ngôn gây thù hận, kỳ thị, xúc phạm người khác, một số cá nhân, tổ chức còn lợi dụng mạng xã hội, chủ yếu là Facebook để lan truyền thông tin xấu, độc; chống phá Đảng và Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam.
 
Facebook cho biết, theo yêu cầu của phía Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2019 họ đã gỡ bỏ 201 tài khoản giả mạo, 109 đường link tài khoản giả mạo, xấu độc; 204 đường link phát ngôn gây thù hận, bôi nhọ, xúc phạm cá nhân và tổ chức. Số lượng tài khoản, nội dung Facebook gỡ bỏ chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng số tài khoản và thông tin vi phạm.
 
 Lâu nay, việc xử lý những thông tin vi phạm, nhất là tung tin giả và lan truyền thông tin độc hại trên mạng xã hội vẫn còn “nhẹ tay”, chủ yếu nặng về tính răn đe, giáo dục; tạo cơ hội cho người vi phạm không tái phạm. Để từng bước hạn chế những tiêu cực trên môi trường internet, nhất là mạng xã hội, thì việc xử lý “mạnh tay” với những sai phạm là điều cần thiết. Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019 quy định những điều cấm mà nếu vi phạm sẽ bị xử lý rất nặng. Nghị định 72/CP ngày 13.7.2013 của Chính phủ quy định về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng cũng quy định rõ những hành vi bị cấm khi sử dụng internet.
 
Nghị định 174/CP ngày 13.11.2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện có một số quy định về hành vi vi phạm và mức xử phạt về thông tin trên mạng. Các bộ luật An toàn thông tin, Tiếp cận thông tin, Luật Dân sự, Hình sự... cũng là các công cụ pháp luật để điều chỉnh, xử lý các hành vi nếu gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân và những nội dung khác mà pháp luật bảo hộ. Công cụ pháp lý của chúng ta không thiếu khi xử lý những sai phạm trên môi trường mạng, nhất là trên Facebook.
 
Để không rơi vào “vùng cấm địa” buộc các cơ quan chức năng phải xử lý thì người dùng mạng xã hội, nhất là Facebook phải hết sức tỉnh táo, cần tự tạo cho mình "bộ lọc” để biết đâu là thông tin thật, giả, có lợi và hại. Chỉ có thể tạo nên một môi trường mạng lành mạnh, an toàn nếu mỗi người sử dụng mạng tự hình thành cho mình một thói quen tốt khi tham gia mạng xã hội.
 
Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về số người sử dụng Facebook 
   
Việt Nam chính thức gia nhập internet vào năm 1997 và cho phép một số mạng xã hội nước ngoài vào hoạt động hơn 10 năm nay. Theo điều tra của tổ chức We are Social, nước ta hiện có 62 triệu người sử dụng internet (chiếm 2/3 dân số), trong đó có 55 triệu người dùng Facebook, đứng thứ 7 thế giới, sau Ấn Độ, Hoa Kỳ, Indonesia, Brazil, Mehico và Philippin. Cũng theo tổ chức này, người Việt Nam dành trung bình 2 tiếng mỗi ngày để “sống” trên Facebook.
 
 
T. TÁNH
 

.